Doanh nghiệp PMNM: Ngày càng khó sống!

Thiếu vốn, thiếu thị trường, sự hậu thuẫn của Nhà nước chủ yếu nằm trên giấy…, khiến các doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực PMNM tại Việt Nam vẫn phải sống chật vật.

Doanh nghiệp PMNM: Ngày càng khó sống!

Hàng loạt rào cản

Theo nhận định của giới CNTT, hiện tại Việt Nam chưa có tới 10 doanh nghiệp đang công khai hoạt động trong lĩnh vực nguồn mở, trong đó có thể kể đến những cái tên như iWay, VINADES, Vietsoftware, eXo Platform…

Trao đổi về những khó khăn đang làm kìm hãm sự phát triển của các doanh nghiệp PMNM tại thời điểm hiện nay, ông Nguyễn Thế Hùng - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Phát triển Nguồn mở Việt Nam (VINADES, doanh nghiệp đang phát triển phần mềm Nuke Việt) khẳng định: Yếu tố khó khăn mà cho đến thời điểm hiện nay vẫn chưa được cải thiện so với trước đây đó là chuyện cơ quan nhà nước hỗ trợ về thị trường tiêu thụ, hỗ trợ đẩy mạnh ứng dụng PMNM có vẻ như quá manh mún, chưa cụ thể và thiếu quyết liệt.

“Giữa lúc các doanh nghiệp chưa có tiềm lực đủ mạnh để tự mình đầu tư, rất cần sự hỗ trợ của Nhà nước thì sự hỗ trợ cũng mới chỉ diễn ra trên… văn bản, đến thời điểm hiện nay vẫn chưa có một hoạt động nào đáng kể”, ông Hùng khẳng định.

Đồng quan điểm, ông Trương Anh Tuấn – Giám đốc công ty iWay cũng cho rằng, chính sách khuyến khích ứng dụng PMNM của Việt Nam tuy có nhưng lại không đưa ra được biện pháp thực thi hiệu quả. Nếu nhìn vào thực tế thì có thể thấy tỷ lệ ứng dụng trong các đối tượng được yêu cầu ứng dụng PMNM là khối các cơ quan Nhà nước còn ở mức rất thấp, chứ đừng nói tới các đối tượng khác.

Ngoài ra, việc tuyên truyền về vi phạm bản quyền phần mềm còn thiếu tính hệ thống, hệ quả là rất nhiều cá nhân tổ chức vẫn coi việc dùng phần mềm lậu là chuyện đương nhiên, không phải suy nghĩ đến việc “hợp pháp hoá” bằng việc mua bản quyền sử dụng hoặc chuyển sang sử dụng PMNM.

Như tôi được biết, Bộ GD&ĐT đã từng ra Thông tư 08 quy định về sử dụng PMNM trong các cơ sở giáo dục, tuy nhiên khi áp dụng các trường lại bị vướng mắc là chưa có chương trình dạy PMNM đồng bộ (tương đương chương trình dạy Windows + MS Office), thành ra cứ trường nào đưa vào chương trình dạy PMNM là bị… tuýt còi “dạy sai chương trình”!

Chưa hết, một ví dụ khác cũng cho thấy Bộ Nội vụ tổ chức việc thi công chức bằng các đầu bài chuyên sâu về Windows và MS Office – những phần mềm bản quyền. Vậy thử hỏi, nếu công chức nào dùng OpenOffice hàng ngày (theo đúng như sự khuyến khích sử dụng PMNM) thì khi đi thi có gặp bất lợi hay không?”, ông Tuấn đặt câu hỏi.

Theo ông Lê Trung Nghĩa, nguyên Giám đốc công ty Nhất Vinh, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực PMNM còn đang phải hứng chịu một loạt sự bất cập đó là sức ép từ các qui định phân biệt đối xử. Nhiều trường hợp các gói thầu mua sắm CNTT của Nhà nước chỉ định luôn các sản phẩm sở hữu độc quyền cụ thể của nhà cung cấp cụ thể. Chuyện mua sắm máy tính mới thường “mua theo nghĩa vụ” những phần mềm chắc chắn nào đó (ví dụ, một hệ điều hành cụ thể) mà điều đó cũng có nghĩa là sự thay thế các chương trình đó bằng PMNM là rất khó triển khai.

Bên cạnh đó, Luật Sở hữu trí tuệ lại chỉ bảo vệ sở hữu trí tuệ của thế giới phần mềm nguồn đóng và sở hữu độc quyền, không bảo vệ sở hữu trí tuệ của các tác giả và những người sáng tạo trong thế giới PMNM.

Phải sống bằng nguồn thu… ngoài nguồn mở

Cũng theo ông Lê Trung Nghĩa, trong hàng loạt khó khăn trên thì khó khăn lớn nhất chính là sự cam kết, ủng hộ và tham gia trực tiếp của lãnh đạo cao nhất trong các cơ quan Nhà nước đối với PMNM.

Nếu câu chuyện dường mãi chỉ dừng ở mức… nêu khẩu hiệu, thiếu sự cam kết ủng hộ và triển khai quyết liệt PMNM từ phía Nhà nước để tạo thị trường cho các doanh nghiệp nguồn mở thì các doanh nghiệp Việt Nam trong thời gian tới vẫn cứ mãi loay hoay tìm lối.

Theo ông Trương Anh Tuấn, xuất phát từ những khó khăn nêu trên, hiện nhiều tổ chức, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực phát triển, quảng bá và cung cấp dịch vụ PMNM theo đúng văn hoá, qui tắc, qui định của cộng đồng nguồn mở nói chung tại Việt Nam còn rất yếu, bởi làm đâu cũng… đụng phải rào cản khiến con đường PMNM ngày càng tỏ ra lắm chông gai.

Trao đổi với phóng viên Báo BĐVN, ông Nguyễn Thế Hùng cũng nhận định: Hầu hết các doanh nghiệp PMNM ở Việt Nam đều có quy mô nhỏ, nguồn vốn hạn hẹp và đây là nguyên nhân chính khiến việc đầu tư phát triển cộng đồng, khai thác nguồn mở của doanh nghiệp chưa được thuận lợi.

Ông Hùng cũng cho rằng, trong số chưa tới 10 doanh nghiệp đang tích cực và công khai hoạt động trong lĩnh vực nguồn mở hiện nay hầu hết đều sống dựa vào các nguồn thu… ngoài nguồn mở. Tức là, các doanh nghiệp đang phải sống nhờ vào hoạt động gia công phần mềm dựa trên nguồn mở bằng các hợp đồng nhỏ lẻ mà chưa hề có được chiến lược dài hạn (do thiếu thị trường) cũng như sự hỗ trợ đầu tư mang tầm vĩ mô từ phía Nhà nước.

Là doanh nghiệp đang bắt tay với VINADES thực hiện dự án Phát triển module Shop trên nền NukeViet 3.0 tích hợp cổng thanh toán điện tử NganLuong.vn và phát hành dưới dạng mã nguồn mở, ông Trần Hoà Bình – Tổng Giám đốc Peace Soft khẳng định các doanh nghiệp PMNM Việt Nam rất có năng lực, họ có rất nhiều lập trình viên đủ khả năng làm việc cho doanh nghiệp lớn nước ngoài. Chính vì vậy, vấn đề của các doanh nghiệp hoạt động liên quan đến nguồn mở hiện nay chỉ là chuyện giải được bài toán thị trường.

Thứ Sáu, 10/06/2011 20:20
31 👨 148
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Tổng hợp