Sau nhiều năm vẫn thương tình mà để Kinect tiếp tục tồn tại, cuối cùng Microsoft cũng khai tử cho phát minh một thời này.
Microsoft nói với trang chuyên về các phát minh Fast Co Design rằng sau 7 năm phát triển, nó sẽ không còn tiếp tục hỗ trợ cho Xbox nữa. Kinect vốn là một thiết bị cảm biến ngoại vi thu chuyển động, cho phép game thủ đứng lên khỏi ghế và hòa mình vào trò chơi với các động tác nhảy, đấm…
Kinect sử dụng phương pháp tạo bản đồ từ các điểm hồng ngoại để lấy hình 3D của căn phòng cũng như chuyển động của người trong căn phòng đó.
Hiện vẫn có khoảng 35 triệu thiết bị Kinect trên toàn thế giới. Vào năm 2011, Kinect là thiết bị bán chạy nhất thế giới với hơn 130.000 chiếc mỗi ngày trong vòng 2 tháng.
Microsoft Kinect sử dụng cảm biến hồng ngoại xác định chuyển động
Tuy vậy, các nhà phát triển game lại không mặn mà với việc tạo ra các trò chơi có nhiều chuyển động cơ thể. Bởi họ vốn quen với việc thiết kế game chỉ dựa vào tay cầm truyền thống và không có lý do hấp dẫn gì để thay đổi. Vậy nên rất ít game ra đời sử dụng tính năng bắt chuyển động của Kinect.
Những game lớn, như Halo chẳng hạn, chẳng bao giờ muốn tạo ra kiểu chơi hành động nhiều như phong cách của Kinect, hay ít nhất là tới mức mà các nhà phát triển cần tới tính năng của thiết bị này.
Nhìn ở góc độ rộng hơn, Microsoft muốn dùng Kinect để phát video và âm thanh qua Skype và Twitch, nhưng rõ ràng là điều này cũng không đảm bảo được sự tồn tại của Kinect.
Dù là một thiết bị phần cứng nhưng cảm biến sâu (depth-sensing) của Kinect cũng vẫn được sử dụng, ví dụ như Microsoft cũng dùng công nghệ của camera Kinect trên chiếc headset Hololen thực tế ảo.
Công nghệ cảm biến 3D của Kinect không chỉ được Microsoft sử dụng. Nó cũng có trên chiếc điện thoại iPhone X sắp ra mắt với Face ID, công nghệ nhận diện khuôn mặt bằng điểm hồng ngoại.
Kinect dù đã chết nhưng những ứng dụng của nó vẫn còn và mở rộng hơn nhiều phạm vi của những trò chơi điện tử mà nó đã thất bại khi cố khai thác.