Đúng theo dự đoán của các chuyên gia, mảnh vỡ tên lửa Long March 5B (Trường Chinh 5B) nặng gần 23 tấn của Trung Quốc đã không “hạ cánh” trên đất liền, mà rơi xuống một vùng biển thuộc Ấn Độ Dương vào chiều 30/7 vừa qua.
Đây là tên lửa làm nhiệm vụ vận chuyển tiếp tế cho trạm vũ trụ Tiangong (Thiên Cung), được Trung Quốc phóng thành công lên quỹ đạo vào ngày 24 tháng 7 vừa qua. Nhiệm vụ đã được thực hiện một cách hoàn hảo. Tuy nhiên, Trung Quốc không sử dụng tên lửa đẩy sơ cấp có thể tái sử dụng. Nói cách khác, hệ thống động cơ giai đoạn đầu của Long March 5B không thể sự quay trở lại Trái Đất một cách an toàn, mà sẽ tự tách ra và rơi tự do. Không có quỹ đạo được kiểm soát. Mảnh tên lửa Long March có thể rơi một cách tự nhiên khi nó bị lực hấp dẫn của Trái đất kéo trở lại. Điều này đã khiến Trung Quốc hứng chịu chỉ trích nặng nề từ NASA và nhiều cơ quan hàng không vũ trụ khác.
Tổng giám đốc NASA Bill Nelson tuyên bố Trung Quốc đã “không quản lý chương trình không gian của mình một cách có trách nhiệm”. Nước này bị cáo buộc đã để một tên lửa đẩy cơ lớn lao xuống Trái Đất theo cách không thể kiểm soát, và thật may là nó bốc cháy trên đại dương chứ không phải một khu dân cư nào đó.
Thông thường, các hệ thống động cơ đẩy nhỏ thường tan rã hoàn toàn ở tầng trên của bầu khí quyển. Tuy nhiên, có tới 40% tên lửa đẩy cỡ lớn vẫn có thể “sống sót” dưới sức nóng và áp suất dữ dội trong quá trình rơi trở lại đất. Những mảnh vỡ như vậy có thể tiềm ẩn nguy hiểm khôn lường.
Đây là lần rơi mất kiểm soát thứ ba của một tên lửa đẩy Trung Quốc trong vài năm trở lại đây. Trước đó vào tháng 5/2021, mảnh vỡ của một tên lửa Trường Chinh cũng đã rơi xuống Ấn Độ Dương. Tên lửa Trường Chinh 5B với tầng lõi nặng khoảng 22,5 tấn cất cánh hôm 24 tháng 7 chở một trong những khối hàng nặng nhất trong thời gian gần đây, đó là module Vấn Thiên thuộc trạm vũ trụ Thiên Cung của Trung Quốc.