Các hãng công nghệ hàng đầu về số hóa tài liệu như Kodak, ABBYY, InfoConnect… đều có các động thái thâm nhập thị trrường Việt Nam.
Việc số hóa văn bản, giấy tờ, tài liệu không chỉ giúp các cơ quan, đơn vị lưu trữ, bảo quản vĩnh viễn tài liệu mà còn giúp các đơn vị quản trị, tổ chức và khai thác các nguồn thông tin khổng lồ phục vụ việc đưa ra các quyết sách quan trọng tức thì trong các hoạt động hành chính và kinh doanh hàng ngày.
Đại biểu được tận mắt dùng thử các giải pháp số hóa được giới thiệu tại hội thảo.
Trên thế giới, việc số hóa tài liệu đã được quan tâm từ khá lâu với những công ty chuyên trong lĩnh vực này ra đời từ năm 1995. Ở Việt Nam, công ty đầu tiên làm về lĩnh vực này là Digitech thành lập năm 2002. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Ngọc Huy, Giám đốc Digitech, thị trường dịch vụ số hóa tài liệu vẫn chưa được nhiều quan tâm.
Tuy chưa thực sự sôi động nhưng các hãng công nghệ hàng đầu về số hóa tài liệu như Kodak, ABBYY, InfoConnect… đều đang bắt đầu thâm nhập thị trrường Việt Nam. Thông qua hội thảo “Công nghệ vượt trội cho giải pháp số hóa tài liệu” diễn ra ngày 8/4/2011 tại Hà Nội, nhiều giải pháp số hóa tài liệu đã được giới thiệu đến các khách mời là các doanh nghiệp, các cơ quan nhà nước như Ban Tôn giáo chính phủ, Thư viện Quốc gia, Tổng cục thuế…
Tại hội thảo, Kodak đã giới thiệu một số dòng máy quét (scan) dành cho doanh nghiệp vừa và nhỏ như Kodak i1120 có khả năng quét 20 bản (tương đương 40 trang văn bản) trong một phút với 9 chế độ quét tự động (quét rồi gửi email, lưu vào server, gửi fax…)Thiết bị được tích hợp cả phần mềm đi kèm hỗ trợ việc lưu trữ một cách khoa học, trích xuất thông tin tiện lợi, nhanh chóng. Ngoài ra, Kodak cũng giới thiệu những dòng máy quét công nghiệp có tốc độ lên đến 30.000 tờ/ngày với khả năng xử lý hình ảnh chất lượng cao.
Còn InfoConnect lại mang đến hội thảo giải pháp quản lý dữ liệu Docuflo với khả năng quản lý mọi loại dữ liệu như tài liệu kinh doanh, ảnh, video, tài liệu khoa học… Kho dữ liệu này được bảo quản an toàn theo những nguyên tắc chặt chẽ: mã hóa dữ liệu, phân quyền truy cập…
Đánh giá Việt Nam là một thị trường rất tiềm năng trong lĩnh vực này, ông Saw Tuck Weng, đại diện InfoConnect cho biết công ty cũng đã hoàn thiện phiên bản tiếng Việt của phần mềm này.
Không riêng InfoConnect, ABBYY cũng đã cải tiến rất nhiều khả năng xử lý tiếng Việt trong sản phẩm của mình và được giới trong ngành đánh giá là có khả năng bóc tách dữ liệu tiếng Việt (sau khi quét, bóc tách để xử lý, lưu trữ) với chất lượng vượt trội.
Tại hội thảo, nhiều đại biểu tham dự cũng chia sẻ quan điểm lo ngại về vấn đề an ninh bảo mật khi số hóa tài liệu và lưu trữ trên mạng. Đây cũng được cho là lý do mà thị trường số hóa tài liệu ở Việt Nam thời gian qua chưa được chú ý. Tuy nhiên, ông Nguyễn Ngọc Huy đã chỉ ra rằng, số hóa tài liệu chỉ là một công đoạn trong toàn bộ quy trình lưu trữ điện tử. Nếu thực hiện theo quy trình, sẽ không lo mất an toàn thông tin. Hơn nữa, bản thân mỗi giải pháp số hóa ngày nay cũng được tích hợp các công nghệ bảo mật, ngoài ra, chúng còn có khả năng kết hợp với các giải pháp bảo mật khác nên vấn đề này không có gì phải lo ngại. Quan trọng là nhận thức của tổ chức/doanh nghiệp đối với vai trò của thông tin và lưu trữ điện tử.