Trung Quốc khám phá ra loại rêu “siêu sống sót”, chịu được điều kiện thời tiết “như trên sao Hỏa”

Các nhà khoa học Trung Quốc đã tình cờ phát hiện ra một loài thực vật đầy tiềm năng, có thể đóng vai trò tiên phong cho các thí nghiệm về sự sống trên sao Hỏa. Đó là một loài rêu sở hữu khả năng sống sót phi thường có tên Syntrichia caninervis. Loài rêu sa mạc này được cho là có thể sống bình thường không bị ảnh hưởng bởi điều kiện khắc nghiệt bao gồm hạn hán, mức độ bức xạ cao và giá lạnh khắc nghiệt. Syntrichia caninervis hiện phát triển rất mạnh ở một số môi trường cực đoan nhất trên Trái đất như Tây Tạng và Nam Cực.

Các nhà nghiên cứu đã tiến hành một loạt các thử nghiệm nghiêm ngặt để đánh giá giới hạn chịu đựng của loài rêu này. Kết quả thật đáng kinh ngạc, Syntrichia caninervis có thể chịu được tình trạng mất nước vượt quá 98% lượng nước trong tế bào, đóng băng nhanh ở nhiệt độ thấp không thể tin được (-196°C) và các vụ nổ bức xạ gamma cực mạnh (trên 5000 Gy).

Nhưng khả năng của loài rêu này không dừng lại ở đó. Trong điều kiện mô phỏng của sao Hỏa – bao gồm áp suất khí quyển thấp, nhiệt độ đóng băng, bầu không khí với hàm lượng CO2 dày đặc và bức xạ tia cực tím mạnh – rêu Syntrichia caninervis không chỉ sống sót mà thậm chí còn có thể tái sinh. Khám phá này mở ra giới hạn chưa từng được biết đến về sự sống có thể tồn tại trên hành tinh của chúng ta, đồng thời mở ra những tiềm năng thú vị cho việc khám phá không gian trong tương lai.

Nhóm các nhà khoa học cho biết đây là công trình nghiên cứu đầu tiên tìm hiểu về khả năng sống sót của toàn bộ thực vật trong môi trường sao Hỏa, đồng thời tập trung vào tiềm năng trồng thực vật trên bề mặt hành tinh này thay vì trong nhà kính.

Tuy nhiên, thách thức với Syntrichia caninervis vẫn còn. Đất sao Hỏa chứa clorat, một loại hóa chất độc hại và ăn mòn và chưa được thử nghiệm trong nghiên cứu này. Ngoài ra, môi trường không đổi của sao Hỏa, không giống như Trái đất với các chu kỳ thay đổi, có thể gây ra sự ức chế lâu dài cho khả năng sinh tồn của rêu.

Thứ Ba, 02/07/2024 16:40
31 👨 56
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Chuyện công nghệ