Thị trường máy tính cá nhân (PC) đang ngày càng bị thu hẹp do sự lấn lướt của các thiết bị như smartphone, máy tính xách tay, máy tính bảng. Tuy nhiên, không vì thế mà cuộc giành ngôi đầu trên phân khúc này bị giảm nhiệt.
Theo hãng nghiên cứu thị trường IHS iSuppli, quý 3 vừa qua, Lenovo đã vượt lên trước Dell về doanh số PC và đang giành giật ngôi vị số 1 với HP. Đây được xem là bước tiến ấn tượng với một công ty từng đứng ở bậc 4 trong 2 quý trước.
Điều này cũng cho thấy, các hãng máy tính Mỹ như HP, Dell đang ngày càng đối mặt với thách thức nghiêm trọng từ đối thủ nặng ký Trung Quốc trên phân khúc máy tính cá nhân vốn dĩ đang ngày càng bị bó hẹp, đặc biệt là quán quân HP.
Theo iSuppli, mặc dù mảng PC chỉ tăng 5,5% trong quý 3, song Lenovo đạt mức tăng tới 14,5% với lượng xuất xưởng đạt 12,5 triệu chiếc, tăng từ 10,9 triệu sản phẩm trong quý 2. Hiện, doanh số PC của Lenovo chiếm 13,9 toàn cầu.
"Lenovo tiếp tục tận dụng nhu cầu sử dụng máy tính cá nhân mạnh mẽ trong thị trường nội địa Trung Quốc của họ", chuyên gia phân tích Matthew Wilkins của hãng nghiên cứu thị trường IHS iSuppli cho biết.
Trong bối cảnh doanh số PC tại nhiều khu vực khác đang suy giảm, thì thị trường Trung Quốc vẫn tăng trưởng nóng. Đây là yếu tố rất có lợi cho Lenovo trong việc vượt qua các đối thủ Mỹ. Do đó, việc Lenovo soán ngôi HP là điều rất có thể sẽ xảy ra.
Trên thực tế, vài tháng trước, HP cũng cho biết, tập đoàn công nghệ hàng đầu nước Mỹ này đang xem xét khả năng ngừng hoạt động của bộ phận sản xuất máy tính cá nhân, như một sự dịch chuyển lịch sử khỏi thị trường tiêu dùng.
Hoạt động kinh doanh của HP đang ngày một sa sút, do thị trường PC suy yếu trước sự bùng nổ mạnh mẽ của các sản phẩm điện thoại thông minh cũng như sự xuất hiện của sản dòng máy tính bảng bán rất chạy iPad của Apple.
Theo chiến lược chuyển đổi khỏi thị trường tiêu dùng trong tương lai, HP sẽ ngừng sản xuất máy tính bảng TouchPad và các sản phẩm điện thoại sử dụng hệ điều hành di động webOS mà hãng mua từ công ty Palm hồi năm ngoái với giá 1,2 tỷ USD.
HP đang nghiên cứu nhiều lựa chọn, trong đó có việc bán phí bản quyền phần mềm cho các hãng sản xuất điện thoại, hoặc cho phép các công ty đó sử dụng miễn phí như là phần mềm nguồn mở, giống như Google đang làm với Android.