Lập trình viên ẩn danh tính này nói rằng anh cảm thấy tội lỗi khi biến công việc của mình hầu hết thành tự động hóa, nhờ vào các kịch bản viết sẵn, anh chỉ phải làm việc 2 giờ mỗi tuần. Anh làm việc từ xa và không nói với ông chủ của mình về việc này. Chủ yếu một ngày anh chỉ chăm sóc con trai và lo rằng nếu tiết lộ việc này thì anh sẽ phải thôi việc, không phải do vi phạm đạo đức nghề nghiệp mà bởi công ty sẽ dùng những kịch bản này mà không cần anh nữa.
“Không nói với sếp rằng tôi đã tự động hóa công việc có phải là sai không? Ai cũng đoán được rằng đây là công việc nhàm chán. Nhưng nó là việc toàn thời gian và thù lao cũng khá. Tôi làm việc từ xa nên có thể ở nhà với con trai nữa. Tôi đã làm việc 18 tháng và trong khoảng thời gian đó, tôi đã tìm hiểu mọi thứ và viết được một chương trình mà nhờ đó, nó đã làm mọi việc giúp tôi 6 tháng qua. Việc đáng ra mất một tháng thì giờ tôi chỉ cần 10 phút chạy chương trình.
Vấn đề bây giờ là tôi có nên nói cho họ hay không? Nếu nói ra, có thể họ sẽ chỉ lấy chương trình này rồi sa thải tôi.”
Có nên nói ra việc tự động hóa công việc hay không?
Nhà lập trình này cũng thú nhận rằng anh đang che giấu việc mình làm bằng cách cố tình đưa vài lỗi vào để trông giống người làm hơn. Câu hỏi này cũng được đăng trên Hacker News, một trang khác nơi các lập trình viên thảo luận công việc. Nhiều người đã bình luận và thực tế là họ cũng chia thành hai phe cho câu trả lời.
Bí mật và lừa dối
Trên Stack Overflow, nhiều người thiên về coi đây là hành động phi đạo đức. Người dùng Magisch còn cho rằng làm thế là lừa đảo. Một người khác, Joe Strazzere đã tóm gọn trong vài ý:
- Anh dành 1-2 giờ mỗi tuần làm việc ở nhà và nhận $40.
- Anh viết chương trình 6 tháng trước mà không nói với ông chủ.
- Mỗi tuần anh đều nói dối về việc mình đã làm.
- Anh cố ý thêm bug vào để che đậy.
- Anh khiến nhà phân tích dành thời gian để xác minh công việc của anh.
- Anh thừa nhận rằng “tôi không thấy mình đang làm điều đúng đắn”.
Câu trả lời với tôi rất rõ ràng, có lẽ cá nhân anh nghĩ điều này là không sao. Nhưng tôi nghĩ anh biết sự thực…
Một lập trình viên khác trên Stack Overflow cũng thừa nhận rằng anh từng tự động hóa công việc nhưng nói rằng nó không hề phi đạo đức vì anh có nói cho sếp biết.
Động cơ sai trái
Nhiều người trên Hacker News lại nghĩ khác. Họ cho rằng miễn là công ty nhận được những gì họ đã bỏ tiền ra để mua thì việc anh ta làm trong bao lâu không quan trọng, dù vậy thì họ cũng cho rằng việc đưa bug giả vào rõ ràng là sai.
Một người nói: “Tôi không nghĩ đây là vấn đề đạo đức. Nó chỉ là quan hệ giao dịch, giá trị của công việc mà đồng lương trả cho. Khi công ty có được thứ họ muốn rẻ hơn theo cách khác thì họ sẽ sa thải nhân viên. Nhân viên tạo ra giá trị cho công ty”.
Một người chỉ ra rằng trong nhiều lĩnh vực IT, tự động hóa trở thành quy tắc chứ không phải ngoại lệ, ví dụ như quản trị hệ thống. “Tôi biết nhiều sysadmin tự động hóa hầu hết công việc của họ và chủ yếu chỉ giám sát, duy trì công việc. Không ai chỉ trích họ vì điều đó”. Một người khác đồng ý với ý kiến này “Tôi là một sysadmin, 90% công việc của tôi là tự động. Tôi phải có mặt 24/7 nếu hệ thống có gì sai. Nhờ tự động hóa, tôi có thể làm những việc lặt vặt, xem phim, chơi game. Hầu hết sysadmin tôi biết đều như vậy”.
Tự động hóa giúp giảm thiểu đáng kể thời gian làm việc
Thành viên khác lại nói rằng sự nghiệp của anh đều nhờ tự động hóa công việc và anh chẳng bao giờ che giấu điều đó. Nhờ nó mà anh được thưởng, thăng chức và giờ công việc của anh là nói với mọi người cách để tự động hóa công việc.
Một lập trình viên đã tóm tắt quan điểm của Hacker News: “Điều duy nhất anh ta làm sai là không tận dụng tài năng và hiệu suất làm việc của mình, giải pháp tối ưu là hãy tìm một công việc tốt hơn”. Một lập trình viên cũng đã bỏ việc khi tự động hóa mọi thứ, thậm chí cả máy pha cà phê tự động.
Điều thú vị là trong khi lập trình bị cho là công việc nhàm chán, mất nhiều thời gian (và điều này vẫn đúng với nhiều người trong ngành) thì lại có những người làm cho công việc tự chạy mà không cần có họ.