Trong khi các tờ báo có chuyên trang về chứng khoán luôn phải cân nhắc thông tin đưa ra vì tầm ảnh hưởng đến nhà đầu tư không nhỏ thì trên các trang web chuyên về chứng khoán của các cá nhân mọc lên như nấm gần đây, thông tin dường như không được kiểm duyệt. Lợi dụng điều này những thông tin “làm giá” cả thổi giá và dìm giá đang hoành hành khắp các trang web chứng khoán...
Trên trang web sanotc.com, chuyện một nick vừa đăng bán vừa đăng mua cùng loại CP để kích hay hạ giá CP này từ lâu đã là chuyện thường ngày ở huyện. Việc chỉ cần đăng ký rồi rao mua, bán với giá nào tuỳ thích trên nhiều trang web đã khiến không ít “nhà đầu tư” lợi dụng. Trước đây, họ còn kín đáo lấy vài nick chung số điện thoại và cùng một chủ nhân nhưng giờ thì trên dư bán vừa đăng, vài phút sau đã có mặt tại dư bán và vài giờ sau không ngại hiện diện ở phần giao dịch thành.
Ngày 2/7/2007, tìm theo số điện thoại của một nick mua 3.000 CP Hoàng Anh- Gia Lai với giá đến 89.000đ/cp chúng tôi đã nghe ngay lời mời vồn vã: “Gặp nhau nhé, mình đặt cọc sang tên trong ngày đi”, dò phần bán cũng chính "tay này" đang muốn bán với giá 85.000đ/cp!
Theo anh Trần Hải Thành (Q.3 TP HCM) thì hiện nay hiện tượng làm giá hầu như web nào cũng có. Họ đăng mua nhiều để tạo tâm lý giá CP đó đang lên, và ngược lại để gây tâm lý CP đó đang bị bán ra ào ạt. Ngoài ra nếu có mua bán thật thì họ chỉ ra: “Anh, chị thấy người ta mua (bán) giá đó mà em bán giá này là quá ngon rồi”.
Gần đây còn có hiện tượng nhiều nick rao bán, mua thuê cho “đại gia” không dám ra mặt hoặc muốn làm giá qua web để dùng vào những mục đích như: Khi trên web, CP của "đại gia giấu mặt" được rao mua nhiều với giá cao thì dễ đàm phán với đối tác hơn hoặc ít ra có thể mạnh miệng “CP của tôi người ta tìm mua đầy với giá cao”. Rồi như vô tình, trong lời rao bán lại có thêm thông tin: “Sắp chia cổ tức tỷ lệ 3:2, đang chọn 4 tập đoàn nước ngoài làm đối tác, cổ tức năm 2007 dự kiến 35%...”. Làm giá kiểu này hiện nay chỉ “bẫy” được “nai tơ” ngày càng hiếm trên thị trường OTC. Nhưng vẫn đang có khá nhiều chiêu khác được tung ra.
Ngay sau khi Bảo Việt tuyên bố không tổ chức đấu giá lại thì nguồn tin sẽ bán số CP bị bỏ cọc với giá trúng bình quân là 73.910đ/cp được tung đầy trên các diễn đàn của nhiều trang web chứng khoán. Bảo Việt chưa công nhận hay phủ nhận nguồn tin này nhưng ít nhất cũng giúp một số người đang nắm giữ CP này thở phào nhẹ nhõm và bán được với giá cao hơn những ngày trước khi hết hạn nộp tiền mua Bảo Việt.
Những bài “bình loạn” kiểu như “V. một cổ phiếu tiềm năng đầy triển vọng”, “A. ngân hàng của mọi nhà, số 1 VN” hay “P. đại gia của ngành điện Việt Nam”... thì mỗi ngày có hàng chục bài.
Quá nhiều nguồn thông tin đến nhà đầu tư chưa được kiểm soát. Ảnh chỉ có tính chất minh họa |
Còn khi CP nào đó sự cố hay bị báo chí “mổ xẻ” những yếu điểm thì lập tức có những bài phản bác, thanh minh với những tài liệu, số liệu mà đọc xong nhiều người nghi ngờ vì “chỉ trong nội bộ mới có”. Trước mỗi đợt IPO hay một CP sắp lên sàn, bao giờ có những bài phân tích mà tác giả luôn “vô tình” bỏ qua những rủi ro, nợ nần, yếu kém của doanh nghiệp. Không ít người đã tin vào các bài phân tích này để đặt mua hay đẩy giá loại CP đó lên cao hơn giá trị thực.
Ngược lại, lúc muốn dìm giá thì cả những lỗi nhỏ nhặt, sai phạm từ 10 năm trước cũng bị lôi về, chưa kể bịa thêm ra để tạo làn sóng tẩy chay, e ngại với CP mà họ muốn giá hạ. Ngay cả những thông tin mà HĐQT chưa công bố như B. lợi nhuận hàng chục tỷ, sắp xây cao ốc 16 tầng, cổ tức bằng cổ phiếu theo tỷ lệ 2:1... được nhanh chóng tung lên để đẩy giá B. lên. Rồi thì M. sắp bị thanh tra, nợ ngân hàng 15 tỷ, sắp thay Tổng giám đốc... cũng được post ngay trong lúc nhạy cảm nhất để dìm giá M. lại. Lúc phát hiện ra thực hư thì giá đã lên (xuống) hàng chục nghìn đồng/cp.
Nếu có một bài báo nào nói tốt hay xấu về một loại CP thì trên diễn đàn của cư dân mạng không tiếc lời "bình loạn" bằng những lời lẽ ngọt ngào hay cay đắng nhất, đầy động cơ và mục đích phía sau.
Khác với các tờ báo (in, nói, hình, điện tử) có sự quản lý của Nhà nước, không thể đưa những thông tin chưa kiểm chứng, thiếu trách nhiệm, những trang web chứng khoán cá nhân (dù có quản trị mạng) nhưng tin tức, bài vở từ mọi nguồn tốt xấu lẫn lộn được tung lên vô tội vạ.
Bên cạnh một số trang web cung cấp nhiều thông tin hữu ích, kịp thời thì nhiều trang web đã trở thành diễn đàn để công kích, bêu xấu hay tung hô, tán dương CP mà các thành viên ghét (hoặc ưa thích) với mục đích làm giá. Cho đến nay việc quản lý những thông tin này vẫn ở trong tình trạng "botay.com"!
Nếu không có biện pháp chấn chỉnh, đây sẽ còn là nguồn thông tin gây “nhiễu loạn” cho TTCK VN.
Yến Trang