Kỳ I: Chrome OS: Kẻ hủy diệt hay gã ảo tưởng?
Dù Google nổi tiếng, thông minh và khôn khéo, song chừng ấy vẫn chưa đủ để đảm bảo cho thành công của Chrome OS. Từ một ứng viên sáng láng, đầy hứa hẹn lúc đầu, liệu Chrome có làm nên chuyện hay sẽ gục ngã như muôn vàn đối thủ trước đây của Windows?
Hiện vẫn còn quá sớm để kết luận bất cứ điều gì, nhưng dưới đây là 5 lý do có thể khiến cho Chrome OS thất bại.
1. Netbook không phải là tất cả
Nguồn: Google |
Điểm tựa lớn nhất của Google là tuyên bố: Microsoft bán hệ điều hành, trong khi Google có thể tặng không Chrome. Vấn đề là từ nhiều năm nay, hệ điều hành Linux cũng đã được cho không như vậy rồi, song Microsoft vẫn đề kháng cực tốt. Hiện Linux chỉ kiểm soát chưa đầy 1% thị trường hệ điều hành và hoàn toàn thua cuộc trên mặt trận netbook.
Google tin rằng người dùng netbook không bị trói buộc với các ứng dụng Windows, Office và luôn mong đợi mức giá rẻ nhất có thể. Nhưng mong ước đó có đủ mạnh để họ chấp nhận chuyển sang một hệ điều hành mới, xa lạ? Giả sử câu trả lời là "Có" đi chăng nữa thì cũng không phải là trong một sớm một chiều.
2. Microsoft đủ sức ra đòn chí mạng
Hoàn toàn có khả năng Steve Ballmer sẽ phản pháo lại đòn tấn công của đối thủ bằng việc tuyên bố: Windows 7 dành cho netbook sẽ miễn phí trong cả năm 2010. Bất cứ việc gì Google làm được - trên lý thuyết Microsoft cũng có thể làm tốt hơn. Google muốn cho không một hệ điều hành netbook ư? Microsoft dư sức làm được.
Các nhà làm luật sẽ không thể chê trách Microsoft được, vì hãng chỉ đang "đối phó" lại một vụ tấn công trực diện của đối thủ nhằm vào Windows thôi. Sau khi Chrome bị đánh bật, Microsoft hoàn toàn có thể áp giá cho Windows 7 như thường.
Câu hỏi đặt ra là: liệu Microsoft có cần phải làm thế không? Không hề. Lịch sử đã chứng minh một cách hùng hồn rằng Microsoft vẫn có thể thu tiền thành công trong khi các đối thủ miệt mài cho không sản phẩm.
Đừng đánh giá thấp năng lực của Microsoft khi hãng này nổi điên lên. Mối mối đe dọa từ bên ngoài có thể sẽ giúp Ballmer và các đồng sự gọt sắc tư duy của mình hơn nữa.
3. Không phải giải pháp tối ưu
Cho tới nay, các nỗ lực phát triển ứng dụng đám mây của Google đều chưa tạo được nhiều dấu ấn hay tiếng vang. Nhiều nhu cầu chính đáng của người dùng đã chưa được đáp ứng, hoặc đáp ứng chưa tốt như với Windows. Google cần phải chứng minh rằng ứng-dụng-như-một-dịch-vụ cũng có thể so kè ngang ngửa với ứng dụng mà người dùng cài đặt lên máy tính. Chỉ có điều hiện tại, chúng vẫn còn thua kém một khoảng cách khá xa.
Chiến lược điện toán đám mây của Google hiện vẫn là "gọn, nhẹ, tinh giản". Cũng giống như netbook, chúng chỉ ổn trong một số tình huống hoặc thời điểm nhất thời chứ không thể coi là một giải pháp thay thế thực thụ.
4. Chrome không phải là một hệ điều hành đúng nghĩa
Phải thừa nhận rằng Chrome rất giống với một hệ điều hành, nhưng nó không hẳn là một hệ điều hành như những gì bạn vẫn nghĩ về Windows hay Linux. Google đã hy sinh nhiều chức năng chỉ để Chrome OS trở nên gọn nhẹ và dễ sử dụng. Gã khổng lồ tìm kiếm cũng miêu tả Chrome cứ như thể hệ điều hành này có thể âm thầm làm hết mọi việc trong hậu trường vậy.
5. Vấn đề tương thích
Tương thích, cả về phần cứng lẫn phần mềm - chính là yếu tố quan trọng khiến cho thế giới tôn vinh Microsoft là Ông vua Điện toán. Microsoft có thể trở nên độc quyền là vì họ đáp ứng được nhu cầu của nhiều người dùng nhất và thiết lập nên nhiều chuẩn mực nhất. Khách hàng không ngần ngại bầu chọn cho Microsoft, bởi họ sẽ chẳng bao giờ phải lo đến chuyện xung đột hay thiếu tương thích.
Trong khi đó, Chrome là một hệ điều hành hoàn toàn mới. Giữa thời buổi bận rộn này, ai sẽ chịu đầu tư công sức và thời gian để mày mò, tìm hiểu, học cách sử dụng nó? Thị phần quá bé của nó có đủ thuyết phục các nhà lập trình viết ra những ứng dụng dành riêng hay không? Nếu câu trả lời là không, điều đó đồng nghĩa với việc Chrome sẽ bị cô lập trong thế giới điện toán.
Netbook có thể đảm đương được khoảng 80% phần việc hàng ngày của bạn. Nhưng 20% còn lại sẽ đòi hỏi những phần mềm chuyên sâu, đôi khi là cả phần cứng nữa. Một cỗ netbook yếu ớt sẽ không thể cáng đáng được.