Khám phá kế hoạch trụ sở 5 tỷ USD của Apple

Trong những năm gần đây, Apple đã từng bước trở thành công ty công nghệ hàng đầu thế giới. Cùng với sự thành công đó, tài sản của hãng đã tăng chóng mặt.

Với lượng tiền mặt dồi dào, hãng hoàn toàn có đủ khả năng tài chính dành cho những dự án xa xỉ và tốn kém. Trụ sở tiếp theo của Apple, được xây dựng tại thành phố Cupertino của Mỹ, là một dự án như vậy. Bài viết của Bloomberg Businessweek sẽ cho bạn đọc một cái nhìn chi tiết hơn về dự án hoành tráng này của Apple.

Trong lần cuối cùng xuất hiện trước công chúng vào ngày 7/6/2011, Steve Jobs đã đứng trước Hội đồng Thành phố Cupertino để giới thiệu kế hoạch xây dựng trụ sở mới cho Apple. Vẫn trong bộ dạng gầy gò nhưng mạnh mẽ, Steve Jobs đã đưa ra một vài bản thiết kế cho trụ sở mới của Apple, dự kiến có thể chứa tới hơn 12.000 nhân viên chỉ trong một tòa nhà hình tròn.

"Nó hơi giống một chiếc tàu vũ trụ" – ông nói về tổng thể, nó sẽ là một tòa nhà bốn tầng với diện tích khoảng 260 nghìn m2, bằng 2/3 kích thước của Lầu Năm Góc, được bao bọc bởi một khu vườn rộng 712 nghìn m2. "Chúng tôi có cơ hội để xây dựng một tòa trụ sở đẹp nhất thế giới. Tôi thật sự tin rằng các sinh viên kiến trúc sẽ tới để chiêm ngưỡng nó", ông nói.

Khám phá kế hoạch trụ sở 5 tỷ USD của Apple
Steve Jobs đang trình bày dự án cho khuôn viên mới của Apple.

Steve Jobs đã qua đời chỉ bốn tháng sau đó, trước khi bản kế hoạch cuối cùng được đưa tới cho các nhà quy hoạch của thành phố Cupertino, nhưng ông đã nêu rõ rằng tòa nhà này sẽ tiêu tốn rất nhiều tiền của.

Apple sẽ trồng 6.000 cây xanh và hầu như các lối đi lại hay chỗ để xe đều được xây dựng ngầm dưới mặt đất. Khu trụ sở mới sẽ có rất nhiều khu ăn uống, bao gồm cả một nhà hàng có thể phục vụ bữa ăn trưa cho 3.000 nhân viên cùng một lúc.

Steve Jobs cũng nhấn mạnh tới bức tường hình vòng cung của tòa nhà chính. Bản thiết kế yêu cầu các tấm kính dài tới 12m được sản xuất tại Đức, nối từ sàn tới trần nhà. Trước mặt Hội đồng Thành phố Cupertino, Steve Jobs lưu ý: "Cả tòa nhà sẽ không có một tấm kính phẳng nào… như các bạn biết, trong xây dựng đó không phải là cách tiết kiệm nhất".

Ông đã đúng về điều đó. Kể từ năm 2011, kinh phí cho khuôn viên mới của Apple đã phình to từ dưới 3 tỷ USD lên gần 5 tỷ USD, theo thông tin từ năm người trong dự án (chúng tôi không được phép nêu tên). Nếu như những tính toán của họ là chính xác, khoản chi của Apple sẽ vượt qua cả số tiền 3,9 tỷ USD được dành để xây khu liên hợp Trung tâm Thương mại Thế giới ở New York, và trụ sở mới này sẽ có giá hơn 16.500 USD mỗi m2 – gấp ba lần so với các tòa nhà đắt đỏ khác.

Trước khi ra đi, Steve Jobs đã hy vọng dự án sẽ được khởi công vào năm 2012 và hoàn thành vào cuối năm 2015. Apple sẽ bắt đầu phá 26 tòa nhà nằm trong quy hoạch vào tháng 6, theo một người khác trong dự án. Tại cuộc họp thường niên của công ty vào ngày 27/2, CEO Tim Cook cho biết thời hạn hoàn thành dự án sẽ bị lùi tới năm 2016. Apple từ chối đưa ra bình luận về thông tin này.

Một lý do khiến thời hạn hoàn thành bị hoãn lại, theo nguồn tin ở trên, là Apple đang làm việc với kiến trúc sư (KTS) trưởng Norman Foster để cắt giảm 1 tỷ USD kinh phí trước khi bắt đầu dự án. Công ty Foster + Partners của Norman Foster lần đầu tiên làm việc với Apple vào năm 2010. Một lý do khác được đưa ra là dù đã nêu tên của nhà thầu chính nhưng Apple vẫn chưa thống nhất được số lượng nhà thầu phụ cần để hoàn thành dự án. Một số nhà thầu sẽ tham gia phiên đấu thầu vào tháng 5. Có rất nhiều việc cần làm, như việc đào móng sẽ cần tới sáu tháng để hoàn tất và cần các xe tải làm việc 24/24 – thông tin từ một cựu quản lý của Apple, người đã có mặt tại buổi thuyết trình của công ty Foster + Partners.

Việc kinh phí vượt dự tính là điều thường thấy ở các dự án lớn và quy mô của dự án này đã tăng lên đáng kể – từ sức chứa 6.000 nhân viên của kế hoạch ban đầu, lên tới 12.000, thậm chí 13.000 nhân viên. Trong khi đó, 1 tỷ USD còn chiếm chưa tới 1% khoản dự trữ 137 tỷ USD của Apple.

Dù vậy khoản chi lên tới hàng tỷ USD cho trụ sở mới vẫn tiếp tục làm nóng cuộc tranh luận về những gì Apple đang làm với tiền của mình. Các nhà đầu tư không kêu ca nhiều lắm khi Apple thống trị thị trường smartphone và máy tính bảng, nhưng giá cổ phiếu Apple đã giảm 38% kể từ tháng 9, trong bối cảnh sự cạnh tranh ngày càng tăng tới từ Samsung Electronics và lo ngại về các sản phẩm tương lai của Apple. Giờ các cổ đông đang yêu cầu được chia cổ tức, mua lại cổ phiếu, hoặc trong trường hợp tương tự như David Einhorn của công ty Greenlight Capital – phát hành một lượng cổ phiếu ưu đãi mới. Apple đã nói bóng gió rằng đó là điều bắt buộc (tăng kinh phí), nhưng dư luận chắc chắn sẽ đặt câu hỏi liệu việc sử dụng kính uốn lượn có là phương án tối ưu nhất?

"Sẽ cần một vài lời giải thích để thuyết phục tôi rằng tại sao 5 tỷ USD lại là con số hợp lý cho một dự án như vậy", Keith Goddard, CEO của công ty tư vấn Capital Advisors đang nắm giữ 30.537 cổ phiếu của Apple, phát biểu. "Đây là hành động xát thêm muối vào vết thương. Chi một khoản tiền mà nhiều người sẽ nói là lãng phí, trong thời điểm Apple đang rất bủn xỉn về việc chia cổ tức". Nếu cổ phiếu tiếp tục xuống giá, Goddard dự đoán "dự án sẽ tiếp tục kéo dài tình trạng xấu này".

Hơn nữa, tại Thung lũng Silicon, không gì có thể làm bạn tiều tụy nhanh hơn một trụ sở mới sang trọng. Những ví dụ có thể kể đến bao gồm Silicon Graphics, Borland Software và Sun Microsystems, tất cả đều bị dính một "lời nguyền": Vận may của họ ra đi ngay sau ngày khai trương trụ sở mới.

Một vài kiến trúc sư sẽ chất vấn công khai Steve Jobs và Norman Foster, nhưng rất nhiều người sẽ cười thầm bản thiết kế hình "bánh rán donut" của Apple. Trong khi Google, Facebook, và nhiều công ty khác đều lựa chọn những bản thiết kế có khả năng tăng cường sự giao tiếp giữa các nhân viên – một phong cách của Steve Jobs – thì chiếc "vòng bánh rán" này sẽ có khả năng cô lập các nhân viên và các nhóm làm việc. Hơn nữa, một vòng tròn sẽ không có nhiều sự linh hoạt. Rất nhiều công ty ngày nay lựa chọn một "tòa nhà sống" có thể dễ dàng xây dựng lại. Khu West Campus của Facebook ở Mountain View là một khối kiến trúc đồ sộ - về cơ bản là một nhà kho có thể dễ dàng điều chỉnh kể cả khi đã hoàn thành.

Ảnh hưởng của thiết kế tới khả năng làm việc của nhân viên có vẻ cũng là một vấn đề, theo Scott Wyatt, quản lý của một công ty kiến trúc ở Seattle đã thiết kế văn phòng địa phương cho Google và Samsung – "Tôi lo ngại rằng tòa nhà sẽ chia tách hơn là tập hợp mọi người với nhau". Thay vì là một nơi tuyệt vời để làm việc, Wyatt nói rằng "nó giống với một vật thể hơn, như một chiếc iPhone vậy".

Không có dấu hiệu nào cho thấy Apple sẽ dừng lại, vì một điều chắc chắn rằng họ đang cần không gian làm việc. Kể cả sau khi trụ sở mới được hoàn thành, Apple vẫn tiếp tục dùng trụ sở hiện tại là tòa nhà Infinite Loop, nơi làm việc của hơn 2.800 nhân viên. Với số tiền đang có sẵn, họ hoàn toàn có khả năng hiện thực hóa ý tưởng trên, kể cả với mức giá 5 tỷ USD. Nhưng Tim Cook đã gợi ý tại cuộc họp thường niên của Apple vào tháng 2 rằng trụ sở mới sẽ không hoàn toàn giống với những gì Steve Jobs đã hình dung. "Steve đã dành rất nhiều tâm huyết cho dự án này trước khi ông ấy qua đời" – Tim Cook nói – "Hy vọng rằng chúng tôi sẽ làm nó tốt hơn trong quá trình thiết kế. Chúng tôi muốn nó phải hoàn hảo".

Trụ sở mới hoành tráng của Apple, như Steve Jobs đã hình dung, sẽ không chỉ là một khuôn viên bình thường. Được xây dựng trên khu đất được Apple mua lại vào năm 2006, rộng gần gấp hai lần so với trụ sở của Hewlett-Packard, Steve Jobs mong muốn trụ sở mới sẽ trở thành một hình mẫu của sự phát triển bền vững. Mục tiêu, như ông nói, là xây dựng một khuôn viên có thể tự sản xuất nguồn điện của chính mình, và chỉ xem điện lưới như một phương án dự phòng. Ông muốn cả khu vực trông giống như một nơi trú ẩn tự nhiên hơn là một khu văn phòng.

Sau khi đi qua một hoặc hai lối đi dẫn vào khu trụ sở, hầu hết các phương tiện sẽ được đưa vào một mạng lưới đường xá và ga-ra ngầm dưới đất. Apple dự định dành ra hơn 60.000 m2 để trồng cỏ tự nhiên của California và 309 loài thực vật khác (đã bao gồm 6.000 cây mới và 1.000 cây đã được trồng sẵn). Khoảng sân rộng lớn ở giữa tòa nhà chính sẽ là một vườn cây đặc biệt, với mơ, ô liu và cây táo, và một vườn thảo mộc được trồng gần đó.

Khám phá kế hoạch trụ sở 5 tỷ USD của Apple
Một bản vẽ trụ sở mới của Apple.

Theo kế hoạch, sẽ chỉ có sáu công trình có thể nhìn thấy sau khi khuôn viên được hoàn thành: Tòa nhà chính, hành lang dẫn xuống phòng họp ngầm, một bãi đỗ xe bốn tầng ngăn cách khuôn viên với đường Interstate 280, một phòng tập, và hai phòng thí nghiệm chuyên giám định chất lượng. "Cảm nghĩ chung về khuôn viên mới này sẽ tốt hơn nhiều lần so với hiện tại" – Steve Jobs phát biểu trước Hội đồng Thành phố Cupertino.

Để đạt được mục tiêu trở thành một khu "không tiêu thụ năng lượng" (net-zero energy), trên mái của tòa nhà chính sẽ được đặt gần 65.000 m2 các tấm pin mặt trời đủ để cung cấp 8 megawatts điện năng (đủ năng lượng cho gần 4.000 ngôi nhà). Apple nói họ còn đang thương lượng để lắp thêm pin mặt trời và cối xay gió. Để giảm mức tiêu thụ năng lượng, Apple dự định lắp đặt công nghệ "phản ứng với thời tiết".

Nhìn từ bản thiết kế, có thể thấy nó sẽ gồm các cửa sổ có thể tự động đóng mở nhằm đưa một lượng ánh sáng, gió và không khí vừa đủ để giữ ở mức nhiệt độ thích hợp. Apple có vẻ cũng sẽ sử dụng các ống mặt trời – những cửa sổ trần được dùng để hướng ánh sáng bên ngoài vào bên trong tòa nhà – và những cánh quạt lớn cỡ máy bay sẽ khuấy động không khí mà không cần nhiều năng lượng.

Mặc dù vậy, công nghệ xanh không phải là yếu tố làm tăng kinh phí của dự án, mà là vấn đề nguyên vật liệu – như các nhà sản xuất gọi là "hoàn thiện và vừa vặn". Giống như các sản phẩm của Apple, Steve Jobs không muốn có bất kỳ đường nối, khoảng trống hoặc vệt sơn nào lộ ra. Mọi bức tường, sàn và cả trần nhà nữa, đều phải được làm mịn màng đến mức tối đa. Tất cả gỗ nội thất đều phải được lấy từ một loài cây phong đặc biệt, và chỉ những tấm gỗ lấy từ lõi của cây mới được sử dụng, theo một bản tóm tắt dự án vào năm ngoái.

Tòa nhà chính cũng sẽ là một bước đột phá về cách nó được lắp ráp. Trong khi phần tường bao của công trình được xây ngay tại đó, thì các tấm kính tạo nên bức tường ngoài sẽ được bẻ cong và đóng khung bởi công ty Seele tại nhà xưởng của họ ở Gersthofen, Đức. "Trông nó giống như một tấm kính dài tới 6 km" – theo KTS Peter Arbour của Seele. Ông nói rằng chưa có công ty nào dùng những tấm kính lớn như thế - nhất là những tấm kính cong – cho những công trình quy mô gần giống như thế này. "Thường thì chúng tôi chỉ dùng tới đơn vị foot vuông".

Công ty Seele đã phải tăng gấp đôi công suất để đáp ứng nhu cầu của dự án, theo KTS Arbour. Hầu hết các tấm kính thông thường đều được làm thông qua quá trình trong môi trường nhiệt độ cao nên có thể dẫn đến sự vẩn đục hoặc biến dạng, còn của Apple thì được sản xuất bằng một quy trình bẻ cong dưới nhiệt độ thấp. Seele đã nâng cấp máy móc để có thể bẻ cong và giữ các tấm kính đồng thời ép chúng với một loại vật liệu liên kết để chúng có thể giữ được hình dáng chuẩn xác. "Với những tấm kính được sản xuất theo phương pháp này, bạn sẽ có được một bề mặt với độ trong và độ phản xạ hoàn hảo" - Peter Arbour nói. Seele chỉ có thể hoàn thiện quá trình này ở nhà máy Gersthofen, khiến cho các tấm kính phải được vận chuyển từ châu Âu tới Mỹ.

Khám phá kế hoạch trụ sở 5 tỷ USD của Apple
"Sẽ không có một tấm kính phẳng nào" – Steve Jobs nói

Hàng ngàn mô-đun (module) được làm sẵn hoàn chỉnh với đủ hình dáng dành cho nhà tắm, phòng vệ sinh và các văn phòng. Bởi vì tất cả các phần việc đều được hoàn thiện ở những nhà máy được thiết kế dành riêng cho dự án, việc lắp ráp sẽ đòi hỏi ít giờ lao động trực tiếp hơn nhưng cần độ chính xác cao hơn rất nhiều. Apple hy vọng sẽ hoàn thiện dự án trong vòng hai năm thay vì ba tới năm năm so với những phương pháp thông thường.

Apple vẫn chưa công bố bất kỳ thay đổi đáng kể nào đối với bản thiết kế của Steve Jobs, vì vậy khoản tiết kiệm 1 tỷ USD có lẽ sẽ đến từ việc hạ bớt tiêu chuẩn "hoàn thiện và vừa vặn" của ông. Thay vì dùng sàn bê tông, Steve Jobs muốn sử dụng các loại đá tổng hợp như terrazzo – thường được sử dụng ở các viện bảo tàng hoặc các khu dân cư cao cấp. Ông muốn khe hở nối giữa tường và các bề mặt khác phải nhỏ hơn 1/32 inch (khoảng 0,8 mm), so với tiêu chuẩn 1/8 inch (3,2 mm) của hầu hết các công trình ở Mỹ. Thay vì sử dụng những vật liệu nhẹ, cách âm, Steve Jobs lại muốn trần nhà được làm bằng bê tông. Thường thì các nhà thầu sẽ dựng lên những khuôn đúc bê tông ở từng tầng rồi đổ xi măng vào, nhưng cách này sẽ để lại những vết lằn trên bề mặt bê tông. Theo thông tin từ hai người đã nhìn thấy bản kế hoạch, Apple sẽ đổ khuôn trần nhà ở dưới mặt đất và sau đó nâng chúng lên từng tầng, một phương án tốn kém hơn rất nhiều.

Trong chuyến đi thực địa gần đây nhất, các thiết kế của công trình này có vẻ đã thực tế hơn. Apple đã bỏ trống một vài ngôi nhà ở một phần khu đất, nhưng bãi đỗ xe phía ngoài trụ sở của Apple đã gần như kín chỗ. Một khối kiến trúc hình hộp đang dần hiện ra phía sau tòa nhà, được che phủ bởi một lớp lưới bảo hộ. Nhìn qua lớp lưới có thể thấy được cái giống như là hình mẫu kích thước thật của lối vào trụ sở tương lai, được hoàn thiện với một tấm kính nối từ sàn lên trần nhà và một tấm banner có hình một chiếc iPhone treo trên trần nhà, giống như ở trụ sở Infinite Loop. Rất sạch sẽ, gọn gàng và đẹp mắt – một chiếc iPad bốn tầng.

Khám phá kế hoạch trụ sở 5 tỷ USD của Apple
Khu văn phòng gần đường Interstate 280 sẽ được Apple phá bỏ để xây trụ sở mới.

Scott Wyatt, nhà quản lý của NBBJ, đã từng thảo luận nhiều dự án với Steve Jobs trong những năm qua."Tôi không thể hình dung Jobs sẽ đi qua các tòa nhà của Foster và nghĩ: "Đây mới là nghệ thuật kiến trúc"".– ông nói – "Đây không phải là một tác phẩm tồi, nhưng họ là những kiến trúc sư với cái nhìn của một kiến trúc sư, chứ không phải của một khách hàng" (Foster + Partners là kiến trúc sư trưởng của tòa nhà Bloomberg Place, văn phòng ở London của công ty Bloomberg LP, chủ sở hữu của tờ báo này). Công ty Foster + Partners từ chối đưa ra bình luận về thông tin trên.

Foster + Partners đã thiết kế một vài trong số những tòa nhà độc đáo nhất thế giới. KTS Norman Foster đã làm nên tên tuổi của mình với việc xây dựng trụ sở của ngân hàng Hồng Kông & Thượng Hải (giờ là ngân hàng HSBC), được hoàn thành vào năm 1985. Được xây dựng theo phương pháp lắp ráp và thi công tiên tiến, tòa cao ốc đã tiêu tốn 1,3 tỷ USD – theo tỷ giá năm 1985, biến nó thành công trình đắt giá nhất thời bấy giờ.

Kể từ đó, KTS Foster được biết đến là kiến trúc sư người Anh nổi tiếng nhất. Các phương pháp xây dựng mà ông lựa chọn, chẳng hạn như sân bay mới ở Hồng Kông và Bắc Kinh, hiếm khi nào bị phụ thuộc vào kinh phí, và các khách hàng thường cảm thấy thoải mái trong việc chi tiền. Trụ sở của ngân hàng Commerzbank ở Frankfurt của Đức được xây dựng năm 1997 là tòa nhà đi tiên phong trong lĩnh vực tiết kiệm năng lượng và xây dựng "vườn trên cao". Còn tòa nhà Quốc hội Đức (Reichstag), được KTS Foster xây dựng lại từ tòa nhà Bundestag vào năm 1999, nổi tiếng với mái vòm tinh tế, đã trở thành biểu tượng của nước Đức thống nhất.

Dự án của Steve Jobs và Norman Foster có vẻ như không gặp phải bất cứ trở ngại nào đến từ cư dân trong vùng. Thành phố Cupertino dự kiến sẽ hoàn thành một bản bảo cáo đầy đủ về tác động tới môi trường của dự án vào tháng Bảy này, theo ủy viên hội đồng Dave Brandt. Apple đã ghi điểm bằng cách đồng ý để di rời Glendenning Barn, một di tích lịch sử, tới một khu vực khác và bằng cách đầu tư vào hệ thống giao thông công cộng để khuyến khích mọi người đi làm bằng các phương tiện công cộng hơn là ôtô cá nhân.

Dù vậy, Apple đang có vẻ gặp khó khăn trong việc tìm các nhà thầu phụ. Đang có một sự bùng nổ các công trình ở Thung lũng Silicon, với những bệnh viện mới, sân vận động mới cho đội San Francisco 49ers, và văn phòng mới của Samsung cũng như Facebook và Google. Với rất nhiều cơ hội làm ăn ở đây, nhiều công ty có vẻ do dự khi dành nhân lực cho một dự án đang chậm tiến độ. Hơn nữa, theo thông tin từ hai người trong dự án, Apple đang đề nghị một khoản chiết khấu chỉ một nửa lợi nhuận đối với những hợp đồng lớn, khiến cho nhiều đối tác tiềm năng phải băn khoăn không biết Apple quan tâm tới tiền hay tới việc các công ty đồng ý tham gia vào dự án.

Nếu điều đó là đúng, rất nhiều nhà cung ứng của Apple sẽ nhận ra mọi việc đã không còn được như ở thời kỳ của Steven Jobs. Apple có thể có nhiều tiền hơn Croesus, nhưng không có sức mạnh và sự cá tính của Steven Jobs, nó đang trở nên giống với những công ty lớn khác. Trớ trêu thay, đó sẽ là lý do vì sao "con tàu vũ trụ" của Steve Jobs vẫn sẽ hạ cánh ở Cupertino, cho dù nó có tiêu tốn bao nhiêu tiền đi chăng nữa.

Thứ Ba, 28/05/2013 17:10
31 👨 664
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Tổng hợp