Giá bán rẻ hơn hàng chính hãng và có nhiều model chưa được phân phối chính thức tại Việt Nam là những đặc điểm chính của thị trường xách tay hiện nay.
Cách đây hơn 2 năm, phân khúc được gọi là "hàng ngoài" này là nơi các dòng sản phẩm O2, HTC, Palm và N-series của Nokia trình diễn, tuy nhiên, phong trào chơi BlackBerry nổi lên và đặc biệt là cơn sốt iPhone đã biến thị trường này trở nên sôi động.
Các model giá rẻ như BlackBerry 8100 bán chạy. Ảnh: Quốc Huy.
Người chơi BlackBerry ít hơn năm ngoái, tuy nhiên do giá rẻ, các model này vẫn còn thịnh hành. So với lúc mới xuất hiện tại Việt Nam, điện thoại của RIM xách tay hiện nay vừa có hàng giá thấp lại vừa có model cao cấp.
Sắm một chiếc BlackBerry hiện khá dễ dàng, mức giá một model có hệ điều hành, cài được phần mềm tốt như 8100 cũng chỉ chưa đến 2 triệu đồng. Trong khoảng từ tết Nguyên Đán đến nay, các model có giá từ 500.000 đồng đến 1,2 triệu đồng (như 6710, 7200) dần vắng bóng trên các kệ hàng. Lý giải điều này, một chủ hãng trên đường Thái Hà cho biết, "nguồn hàng từ Trung Quốc đã cạn, hơn nữa bán các model này không có lãi nhiều".
Hiện tại, các máy bán tốt của BlackBerry đang là 8700, Pearl 8100, 8120, Curve 8300 (từ 1,4 đến 3 triệu đồng). Chênh lệch mức giá một model tại các cửa hàng có thể lên tới 300.000 đến 700.000 nghìn đồng, theo nhiều chủ hàng, giá bán phụ thuộc vào uy tín và chất lượng bảo hành, còn nguồn hàng gần như giống nhau.
Các dòng BlackBerry giá rẻ hầu như đều có xuất xứ từ Trung Quốc, được làm lại vỏ, hộp trông như mới. Trong khi đó, các model cao cấp của RIM như Bold, Curve 8900, Storm lại trên 8 triệu đồng. "Đây là các sản phẩm tin tưởng, rất ít 'hàng dựng' từ Trung Quốc", anh Nguyễn Mạnh Hùng (Hai Bà Trưng - Hà Nội), một người chơi BlackBerry khá lâu cho biết.
iPhone làm chủ phân khúc xách tay cao cấp. Ảnh: Quốc Huy.
iPhone không rẻ như BlackBerry nhưng cũng bán tốt. Thị trường Việt Nam có đầy đủ các model từ iPhone 2G, iPhone 3G đến iPhone 3GS mới nhất, và cũng đa dạng về chủng loại từ hàng bị khóa, phiên bản quốc tế, máy cũ, mới. Thậm chí, còn có iPhone 2G "dựng" lại hay iPhone 3G lock "biến" thành quốc tế.
iPhone 2G chỉ có hàng cũ, máy hiện được bán ở mức từ 5 đến 7 triệu đồng tùy vào độ mới của vỏ. Trong khi đó, iPhone 3G có giá từ 10 đến 13 triệu đồng (chênh lệch giữa quốc tế và hàng phải unlock), hãng cũ bị xước có giá khoảng 8,5 triệu đồng trở lên.
So với thời điểm xuất hiện, trong khoảng một tháng trở lại đây, iPhone 3GS đã giảm giá khá nhiều, hiện cả hàng quốc tế 32 GB cũng không còn giá trên 20 triệu đồng. Phiên bản 16 GB đang bán ở mức 15 đến 16 triệu đồng, 32 GB là 16 đến 18 triệu đồng (tùy hàng quốc tế hoặc phải unlock).
Trong số các điện thoại của Apple bán tại Việt Nam, iPhone 3G được tìm mua nhiều nhất, iPhone 3GS doanh số gần đây có tăng lên, trong khi iPhone 2G cũ chỉ giao dịch giữa cá nhân và không nhiều cửa hàng còn bán ra.
Omnia của Samsung có doanh số tốt bên cạnh HTC, Nokia. Ảnh: Quốc Huy.
Smartphone của Nokia không còn bán chạy như trước. Nếu trước đây N-series được tìm mua nhiều thì nay là dòng E. Máy bán tốt là E71, E75, 5800 XpressMusic, N-series N96, N85 và gần đây là Nokia N97, model với màn hình cảm ứng. Doanh số điện thoại Nokia không tốt như trước do có sự cạnh tranh của iPhone, BlackBerry và nhiều điện thoại mới mạnh về giải trí, màn hình cảm ứng. Ngoài ra, mức chênh lệch về giá với hàng chính hãng không còn nhiều.
Nhóm PDA phone chạy Windows Mobile giờ chỉ là cuộc cạnh tranh giữa HTC và Samsung. Trong khi di động HTC, đã có tiếng từ thời O2, đa dạng về chủng loại và thiết kế thì Samsung ít mẫu, nhưng model nào cũng "khủng". Omnia i900 ra mắt năm ngoái rất được lòng giới chơi Windows Mobile tại Việt Nam, còn Omnia II vừa xuất hiện với giá 12,6 triệu đồng có màn hình cảm ứng rực rỡ.
Điện thoại chạy hệ điều hành Android của Google gồm HTC Magic, G1 vẫn chưa có chỗ đứng trên thị trường xách tay, số người dùng không nhiều. Tương tự, phân khúc Palm hiện tại trầm lắng hơn rất nhiều so với trước đây, sự có mặt của Palm Pre chưa "nóng" và ít người dùng chú ý, bởi model này chỉ sử dụng mạng CDMA.