Chiếc máy tính bảng iPad của hãng Apple đang bị coi là tai họa cho các hãng sản xuất bộ nhớ máy tính. Đơn giản là vì, tình trạng thua lỗ của các công ty này trở nên tệ hơn khi người tiêu dùng hứng khởi cao độ với iPad, sản phẩm sử dụng số con chip ít hơn 75% so với một chiếc máy tính xách tay (laptop) thông thường.
Theo tin từ Bloomberg, các hãng sản xuất bộ nhớ truy nhập ngẫu nhiên động (DRAM) - loại con chip máy tính phổ biến nhất - như Elpida và Hynix, đã thua lỗ tổng cộng 14 tỷ USD trong vòng 3 năm qua. Con số thua lỗ này ập đến sau khi các hãng chip chi 37 tỷ USD để xây dựng nhà máy với niềm tin vào sự tăng trưởng của ngành - số liệu từ hãng nghiên cứu DRAMeXchange cho hay.
Trong tháng này, giá DRAM đã giảm xuống mức thấp kỷ lục do doanh số thị trường máy tính cá nhân (PC) không cao như kỳ vọng của giới phân tích. Trong khi đó, doanh số iPad đạt mức kỷ lục 11,1 triệu chiếc trong quý 3.
Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu giảm tốc và trận lụt lịch sử ở Thái Lan khiến hoạt động sản xuất máy tính cá nhân suy giảm, một số nhà sản xuất DRAM có thể không có đủ tiền để có sự chuyển hướng chiến lược như Samsung. Hãng điện tử Hàn Quốc này đã áp dụng chiến lược đa dạng hóa có khả năng sinh lời tốt bằng cách quay sang sản xuất những loại con chip đặc biệt dành cho điện thoại thông minh, máy tính bảng và máy chủ.
“Các nhà sản xuất DRAM đã đầu tư quá nhiều và đặt cược quá lớn vào sự tăng trưởng của ngành công nghiệp máy tính. Đáng lẽ họ đã thắng cược, nếu như iPad không xuất hiện”, nhà phân tích Chen Liway thuộc công ty Polaris Securities ở Đài Bắc nhận xét.
Theo nhận định của các hãng nghiên cứu thị trường Gartner và IDC, trong quý 3 vừa qua, doanh số máy tính cá nhân đã chịu ảnh hưởng mạnh bởi sự phổ biến ngày càng gia tăng của những chiếc máy tính bảng như iPad. Trong quý, doanh số thị trường máy tính cá nhân tăng 3,2% đạt mức 92 triệu chiếc, không cao bằng mức dự báo tăng trưởng 5,1% mà hãng Gartner đưa ra trước đó. Cùng kỳ, doanh số chiếc iPad đã vượt doanh số của hãng máy tính lớn thứ ba thế giới Dell.
Kể từ khi iPad được tung ra vào năm ngoái tới nay, Apple đã tiêu thụ được khoảng 40 triệu chiếc máy tính bảng này. Theo dự báo của hãng Forrester, Apple có thể đạt mức doanh số kỷ lục 20 triệu chiếc trên thị trường toàn cầu trong quý 4 năm nay.
Trước đây, Elpida và các nhà sản xuất DRAM khác tin rằng những phiên bản mới của hệ điều hành Windows và một nền kinh tế toàn cầu ổn định sẽ thúc đẩy nhu cầu con chip. Tuy nhiên, thực tế là doanh số của Windows đã giảm 8% trong quý 4/2008, so với mức dự báo tăng trưởng 10% mà Microsoft đưa ra. Sau đó, cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu ập đến, rồi Apple tung ra chiếc iPad vào tháng 4/2010.
Trong 4 năm qua, có tới 3 năm các nhà sản xuất DRAM thua lỗ. Trong quý 3, giá DRAM giảm 32%, mức mạnh nhất trong 3 năm, theo số liệu của Bloomberg.
“Giá con chip sẽ tiếp tục giảm. Tôi không tin là sẽ có lúc sự phục hồi mạnh về giá trên thị trường này”, chuyên gia Alvin Lim thuộc hãng định mức tín nhiệm Fitch Ratings ở Seoul, Hàn Quốc, dự báo.
Không chỉ có vậy, hãng nghiên cứu iSupply cho biết, các hệ điều hành Windows đời mới hơn cũng có yêu cầu về bộ nhớ giảm đi, làm tốc độ tăng trưởng nhu cầu con chip giảm mạnh. Theo iSupply, mức tăng trưởng số DRAM cho mỗi máy tính cá nhân sẽ giảm còn 35% trong năm tới, sau khi tăng bình quân 48% mỗi năm trong vòng 25 năm qua.
Theo dự báo của nhiều nhà phân tích, hãng chip Elpida của Nhật Bản sẽ thua lỗ trong năm nay và năm tới. Tương tự như các nhà sản xuất con chip khác đã đầu tư lớn để xây nhà máy trong mấy năm gần đây, Elpida sẽ phải ra sức sản xuất để có đủ tiền trả nợ, khiến giá con chip càng đi xuống. Trong 4 năm qua, 3,8 tỷ USD đã được Elpida chi ra để mở rộng sản xuất.
Hãng định mức tín nhiệm Fitch Ratings dự báo doanh số thị trường máy tính cá nhân toàn cầu năm nay sẽ giảm 8% vì lụt lội ở Thái Lan, quốc gia chiếm ít nhất 40% số ổ cứng được sản xuất ra trên thế giới. Dự báo ban đầu về tăng trưởng doanh số máy tính cá nhân năm nay của Fitch là mức tăng 5%.
Tuy nhiên, ngành sản xuất con chip trong bối cảnh u ám hiện nay vẫn có một vài điểm sáng như Samsung. Công ty Shinhan Investment có trụ sở ở Seoul, nhận định, Samsung sẽ đạt mức lợi nhuận 2,3 nghìn tỷ Won, tương đương 1,98 tỷ USD, trong năm nay từ mảng DRAM. Đó là vì doanh số các loại chip DRAM chuyên biệt của Samsung nhiều gấp đôi chip thường, mà chip chuyên biệt có tỷ suất lợi nhuận cao hơn.
Ngoài ra, Samsung còn là nhà cung cấp loại bộ nhớ flash NAND 64 gigabyte cho iPad. Theo iSuppy, nhu cầu chip NAND sẽ tăng 49% trong thời gian 5 năm từ nay đến 2015, bất chấp sự đi ngang của thị trường chip DRAM.