Quá nửa số doanh nghiệp đang làm ăn trong lĩnh vực công nghệ, truyền thông và viễn thông đã từng nếm mùi rò rỉ dữ liệu quan trọng, hoặc về sở hữu trí tuệ hoặc về thông tin khách hàng.
Theo bản báo cáo mới nhất của Deloitte Touche Tohmatsu, ngay đến các doanh nghiệp công nghệ cũng bị "dính chưởng" chứ không riêng gì những doanh nghiệp "ngoại ngạch".
Nguy cơ từ sự chủ quan
Nguồn: Hinduonnet |
Các chuyên gia Deloitte cho rằng chính các hãng truyền thông, công nghệ và viễn thông lại luôn thờ ơ với bảo mật, bất chấp việc họ phải lệ thuộc hoàn toàn vào thông tin số.
Sau khi tiến hành điều tra tại 150 doanh nghiệp, Deloitte phát hiện một thực tế sửng sốt: kể cả khi đã hoặc sắp phải đối mặt với những thua thiệt tài chính, tổn thất uy tín và những nguy cơ tiềm tàng từ việc rò rỉ dữ liệu, nhiều hãng vẫn cứ bình chân như vại, không chịu rót tiền để bảo vệ thông tin nội bộ quý giá.
50% số hãng thừa nhận họ đã từng mất dữ liệu trong vòng 12 tháng qua, với gần một phần ba số vụ dẫn đến hậu quả nhỡn tiền là thua lỗ tài chính.
Chỉ có 4% khẳng định các nhân viên của họ đã "làm đủ và đúng mức" để ngăn chặn nguy cơ bảo mật, và 20% tỏ ra tự tin rằng sở hữu trí tuệ của hãng đang được bảo vệ an toàn.
Trong khi nạn lừa đảo phishing đang nổi lên mạnh mẽ, đe dọa nghiêm trọng thông tin nhạy cảm và danh tiếng nhãn hiệu doanh nghiệp thì chỉ có 18% số quan chức được hỏi cho biết: họ đã mua các công nghệ chặn phishing. 37% số hãng có đào tạo thêm cho nhân viên về bảo mật trong vòng 12 tháng qua.
Tâm điểm của vấn đề, theo Deloitte, nằm ở chỗ: các hãng ngần ngại, không muốn tăng thêm ngân sách chi cho các biện pháp bảo mật mới. Dù có tới 74% số quan chức đồng ý dành thêm thời gian và tiền bạc cho việc siết chặt bảo mật thời gian tới, thì mức ngân sách trung bình mà họ thông qua chỉ có vẻn vẹn 9%.
Chuyện không của riêng ai
Nguồn: Onenationnews |
Chỉ có 63% số hãng được hỏi là có quan chức cấp cao phụ trách riêng các vấn đề bảo mật. Số hãng có giám đốc bảo mật thông tin liên lạc và làm việc trực tiếp dưới quyền CEO hầu như chỉ đếm được trên đầu ngón tay.
5 nguy cơ bảo mật hàng đầu hiện nay, dưới con mắt của giới lãnh đạo doanh nghiệp, liên quan đến hệ thống chat IM, lừa đảo phishing, virus tấn công các thiết bị di động, hack vào tài khoản môi giới trực tuyền và những loại hình tội phạm mạng khác.
Một mối lo canh cánh khác nữa là những vụ "chọc dao từ bên trong", chỉ những vụ tấn công do chính các nhân viên có quyền truy cập hệ thống IT thực hiện.
"Đã đến lúc các doanh nghiệp phải nhìn nhận lại vấn đề bảo mật. Họ phải luyện cho các nhân viên một thói quen làm việc khác, cũng như nhận thức được đầy đủ trách nhiệm của mình trong việc bảo vệ dữ liệu mật của hãng. Càng là doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ thì càng không được chủ quan, tụt lại so với doanh nghiệp các ngành khác", Deloitte kết luận.
Thiên Ý