Hacker và tội phạm mạng đang biến Telegram trở thành chiến địa

Ứng dụng nhắn tin Telegram đang được sử dụng ồ ạt bởi hacker và tội phạm mạng. Chúng biến Telegram thành chiến địa, nơi người dùng ngây thơ có thể bị đầu độc bởi thông tin sai sự thật hoặc bị vướng vào những trò lừa đảo tinh vi.

Theo báo cáo từ hãng an ninh mạng CheckPoint, kể từ ngày 24/02 tới nay, số nhóm Telegram đã tăng gấp 6 lần. Trong số đó, một vài nhóm dành riêng cho các chủ đề nhất định đã tăng quy mô một cách khủng khiếp, có nhóm đat mốc hơn 250.000 thành viên.

Ba loại nhóm sau đây đã đột ngột trở nên phổ biến sau khi Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt nhắm vào Ukraina:

  • Hacker tình nguyện tham gia vào các chiến dịch DDoS và các loại hình tấn công mạng khác nhắm vào những thực thể của Nga.
  • Các nhóm gây quỹ chấp nhận quyên góp bằng tiền điện tử được cho là để hỗ trợ Ukraina.
  • Các nguồn tin khác nhau hứa hẹn cung cấp những thông tin đáng tin cậy từ chiến trường.

Chiến tranh mạng

"IT Army of Ukraine (Quân đội IT Ukraina)" là nhóm nổi bật nhất trong số những nhóm lãnh đạo cuộc chiến tranh trên không gian mạng chống lại phía Nga với 270.000 thành viên. "IT Army of Ukraine" được thành lập bởi các chuyên gia an ninh mạng Ukraina nên các chiến dịch của nhóm này thường rất mạch lạch và nhanh chóng.

Bên cạnh việc phát động các cuộc tấn công DDoS vào những trang web quan trọng của Nga, nhóm này còn tiết lộ thông tin cá nhân của những người đưa quan điểm tại Nga và những người khác có vai trò quan trọng trong cuộc xung đột.

Hacker và tội phạm mạng đang biến Telegram trở thành chiến địa

Những kẻ lừa đảo tiền điện tử

Hầu hết các nhóm tự xưng là quyên góp ủng hộ trên Telegram đều là những nhóm lừa đảo. Chúng lợi dụng tình hình căng thẳng để cuỗm tiền của mọi người. Hành vi tương tự đã được triển khai qua hình thức gửi email lừa đảo.

Một số nhóm lừa đảo này đã thu hút được tới hơn 20.000 thành viên. Theo CheckPoint số lượng nhóm lừa đảo đang ngày càng tăng lên bởi ngày càng có nhiều tội phạm mạng muốn kiếm chác từ những cá nhân có mục đích tốt.

Tin tức chưa được xác minh

Loại nhóm thứ ba đang phát triển bùng nỏ là các nguồn tin đăng tải các hình ảnh, tin tức từ vùng chiến sự 24/7. Tất nhiên là tất cả các tin tức, hình ảnh hay video được chia sẻ đều không bị kiểm duyệt và không có gì chứng minh là sự thật.

CheckPoint cho biết các kênh này vẫn đang thu hút một số lượng lớn người dùng. Ví dụ: Ukraine War report có 20.000 thành viên, Russia vs. Ukraine Live news có 110.000 thành viên.

Một kênh tin tức khác tuyên bố vạch trần tội ác chiến tranh của Nga mang tên Ukrainian Witness cũng đã đạt 110.000 thành viên.

Có thể một số kênh trong số này đăng tải thông tin chính xác nhưng hầu như người dùng không thể phân biệt được đâu là tin tức thật và đâu là fake news.

Tại sao lại là Telegram?

Lý do là vì Telegram bị quản lý và kiểm duyệt khá lỏng lẻo. Kết hợp thêm với việc quản lý đăng ký mới thiếu chặt chẽ nên nền tảng này không thể tránh khỏi việc bị lạm dụng.

Telegram từ lâu nay đã được coi là thiên đường của tội phạm mạng, những kẻ mua bán những thứ bất hợp pháp, trao đổi nội dung khiêu dâm... Thậm chí, nhiều kẻ còn dùng Telegram để che đậy danh tính thật trong nhiều năm.

Cơ quan An ninh Liên bang Nga (FSB) đã nỗ lực tìm cách chặn Telegram trong nhiều năm nhưng không thành công. Tới năm 2020, họ từ bỏ ý định đó và thả nổi cho Telegram hoạt động gần như tự do.

Nếu bạn đang dùng Telegram thì hãy luôn tỉnh táo trước các luồng thông tin được chia sẻ trên những nhóm mà bạn tham gia. Ngoài ra, hãy luôn cẩn trọng vì có thể nói rằng trên Telegram "một mét vuông có 9 thằng ăn cướp".

Thứ Sáu, 04/03/2022 13:36
51 👨 1.839
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Chuyện công nghệ