Hacker thiên tài Jonathan James: Tài năng nhưng lạc lối

Những chiến dịch tấn công vào một loạt công ty, trường học, NASA và thậm chí cả Lầu Năm Góc khiến Jonathan James gia nhập danh sách những hacker khét tiếng nhất mọi thời đại. Đáng chú ý hơn, Jonathan thực hiện những phi vụ tày trời này khi mới chỉ 15 tuổi.

Trong 4 tháng, từ tháng 6 đến tháng 10/1999, các nước Mỹ choáng váng khi biết tin một hacker mới 15 tuổi đã đột nhập thành công vào các hệ thống máy tính được bảo mật tối tân nhất. Cái tên Jonathan James, biệt danh C0mrade, đã xuất hiện dày đặc trên các mặt báo khi cậu bị buộc tội đứng đằng sau các chiến dịch hack Lầu Năm Góc, NASA và một loạt tổ chức, doanh nghiệp lớn khác.

Tuổi trẻ tài cao và con đường lầm lỗi

Jonathan sinh ra ở Miami, Florida, Mỹ, con trai của ông Robert James. Ông Robert James làm nghề lập trình viên nên cậu con trai được làm quen với máy tính và công nghệ từ rất sớm.

Năm 6 tuổi, Jonathan đã rất thích sử dụng máy tính và hay tìm tòi, lục lọi những kiến thức công nghệ. Lúc lên cấp 3, Jonathan đã tự mình xóa bỏ hệ điều hành Windows trên chiếc máy tính của gia đình và cài hệ điều hành mã nguồn mở Linux. Thấy con quá đam mê với máy tính, vợ chồng ông Robert James đã phải quy định về thời gian sử dụng máy tính tại nhà của con.

Mặc dù vậy, ông Robert James đã không định hướng cho Jonathan theo con đường đúng đắn.

Jonathan James là tội phạm mạng đầu tiên bị kết án tại Mỹ
Jonathan James là tội phạm mạng đầu tiên bị kết án tại Mỹ

Ngày 29 và 30/6/1999, Jonathan vượt qua hệ thống bảo vệ của NASA, truy cập được vào 13 máy tính của cơ quan này và đánh cắp các phần mềm, thông tin có tổng trị giá lên tới 1,7 triệu USD. Vụ việc khiến NASA phải tắt hệ thống của họ trong 21 ngày, tốn thêm 41.000 USD chi phí sửa chữa và khắc phục các vấn đề phát sinh.

Sau này, người ta tiết lộ rằng Jonathan đã đánh cắp phần mềm kiểm soát các yếu tố sinh tồn cực kỳ quan trọng của Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS). Theo NASA, phần mềm Jonathan đánh cắp có vai trò điều khiển nhiệt độ, độ ẩm cũng như các yếu tố khác của môi trường vật lý bên trong ISS. Bên cạnh các tăng cường về bảo mật, NASA cũng đã phải viết lại một phần mã nguồn của phần mềm này.

Không dừng lại ở đó, tính tới tháng 8/1999, Jonathan đã đột nhập một loạt cơ quan và doanh nghiệp lớn như BellSouth, Trung tâm Bay Vũ trụ Marshall, hệ thống trường công Miami-Dade... Tuy nhiên, Jonathan còn gây chấn động toàn thế giới sau khi đột nhập thành công vào mạng lưới của Bộ Quốc Phòng Mỹ. Jonathan là người đầu tiên làm được điều này.

Jonathan đã tìm ra một backdoor trên hệ thống máy chủ của Cục Giảm thiểu Nguy cơ Quốc phòng (DTRA). Sau đó, cậu cài phần mềm theo dõi vào hệ thống của DTRA để thu thập các thông tin nhạy cảm. Tập trung vào các nhân viên của DTRA trong vòng 1 tháng, Jonathan đã thu thập được tên tài khoản và mật khẩu để truy cập vào 10 máy tính quân sự, chứa các thông tin nhạy cảm của Lầu Năm Góc.

Với tính chất nghiêm trọng của vụ việc, các đặc vụ của Bộ Quốc Phòng Mỹ đã mau chóng tìm ra danh tính của Jonathan. Ngày 26/01/2000, cảnh sát có vũ trang đã xông và nhà Jonathan và bắt giữ hacker tuổi teen này. Tháng 9/2000, Jonathan bị cáo buộc hai tội danh chung chung là "phạm pháp ở tuổi vị thành niên" bởi lúc đó cậu mới chỉ 16 tuổi nên chưa thể bị truy tố vì các tội danh khác.

Bên cạnh đó, luật pháp của Mỹ thời bấy giờ chưa ban hành hình phạt chi tiết về việc phạm tội trong không gian mạng.

Jonathan bị kết án 6 tháng quản thúc tại gia, bị cấm truy cập máy tính, chịu sự quản chế tới khi đủ 18 tuổi. Ngoài ra, cậu còn phải viết thư xin lỗi cả NASA và Bộ Quốc Phòng Mỹ. Nếu lúc đó Jonathan đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự, cậu có thể phải nhận mức án tù 10 năm.

Trả lời báo chí sau khi bị kết án, Jonathan cho rằng chính phủ đã không có những biện pháp bảo mật cần thiết với các máy tính của họ. Cậu nói rằng mình chỉ đột nhập vào các hệ thống này với mục đích là học hỏi và tìm hiểu cách thức hoạt động của chúng.

Trước năm 18 tuổi, Jonathan bị phát hiện sử dụng ma túy, vi phạm quy định quản chế nên bị kết án 6 tháng tù.

Cái chết thương tâm

Tháng 01 năm 2007, xảy ra một vụ tấn công máy tính có quy mô lớn nhất nước Mỹ. Một loạt doanh nghiệp lớn bị tấn công và hàng chục triệu người dùng bị lộ thông tin cá nhân cũng như thông tin thẻ tín dụng.

Trong quá trình điều tra, cảnh sát phát hiện ra một số nghi phạm có liên quan tới Jonathan nên đã tập trung vào cậu. Cảnh sát đã lục soát nhà Jonathan, nhà của anh trai cậu và thậm chí nhà của bạn gái cậu nhưng không tìm ra bất cứ manh mối nào. Đáng chú ý là cảnh sát đã tìm được một khẩu súng có đăng ký hợp pháp của Jonathan cùng lá thư tuyệt mệnh trong đó đề cập rằng Jonathan đã từng tự tử nhưng không thành công.

Jonathan James trong thời gian bị quản chế
Jonathan James trong thời gian bị quản chế

Ngày 18/5/2008, thi thể của Jonathan được tìm thấy trong nhà tắm tại ngôi nhà cậu ở. Có một vết đạn ở đầu Jonathan và bên cạnh đó là một bức thư tuyệt mệnh với những lời nhắn nhủ tới bố, anh trai và bạn gái cũng như mật khẩu PayPal và MySpace.

Trong thư, Jonathan cũng viết rằng cậu không tin vào công lý. Cậu khẳng định không liên quan tới vụ tấn công hồi tháng 01/2007 nên "thà chết tự do" còn hơn phải ngồi tù oan.

Sau này, người ta phát hiện ra hacker Albert Gonzalez là người đã thực hiện vụ tấn công hồi tháng 01/2007. Albert cũng sống tại Miami.

Nói về Jonathan, ông Robert James kể lại rằng cậu bị trầm cảm nên không gần gũi với cả bố và mẹ. Tuy nhiên, Jonathan là cậu bé thông minh và ông Robert tự hào về Jonathan khi cậu xâm nhập được vào cả NASA và Bộ Quốc Phòng Mỹ.

Lần cuối ông Robert trò chuyện với con là ngay sau khi cảnh sát xông vào nhà của Jonathan để điều tra vụ tấn công ngày 01/7. Ông hỏi Jonathan rằng cảnh sát họ có tìm thấy bằng chứng gì để buộc tội con hay không, Jonathan chỉ trả lời "NO". Chẳng bao lâu sao đó, Jonathan tự sát.

Không được định hướng, bị nghi ngờ, không có sự chia sẻ, cậu trai tài năng Jonathan James đã ra đi khi còn quá trẻ, không có cơ hội làm lại cuộc đời!

Thứ Năm, 24/09/2020 16:20
3,911 👨 14.602
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Trí tuệ Thiên tài