Bộ vi xử lý chính là thành phần quan trọng nhất trên một chiếc smartphone. Nó được ví như bộ não chịu trách nhiệm cho sức mạnh tính toán của thiết bị cũng như có tác động trực tiếp đến trải nghiệm người dùng.
Có thể nói thế giới smartphone hiện nay đang được “chi phối” bởi một vài nhà sản xuất chất bán dẫn lớn như Qualcomm (Snapdragon), Mediatek (Dimensity), Samsung (Exynos)... Thông thường, các nhà sản xuất điện thoại thông minh sẽ đặt mua chip xử lý từ một nhà sản xuất bên thứ ba, sau đó tối ưu nó trên các sản phẩm của mình.
Cá biệt hơn cả là trường hợp của Apple khi công ty này tự mình phát triển cả hệ điều hành, bộ xử lý và các thành phần phần cứng khác. Nhưng cũng chính sự khác biệt này đã mang đến thành công vang dội cho Apple, khi các mẫu iPhone luôn mang tới hiệu năng và trải nghiệm người dùng tốt hơn hẳn so với đối thủ Android cùng cấp. Nói cách khác, việc làm chủ cả hệ điều hành và CPU cho phép Apple thực hiện những điều mà đơn giản là không thể làm được nếu iPhone sử dụng chip của bên thứ ba. Đó là mức độ tích hợp cực kỳ sâu và liền mạch giữa phần cứng và phần mềm, qua đó mang đến cho người dùng trải nghiệm tối ưu nhất
Google thừa thông minh để hiểu rõ điều đó, và đồng thời cũng đủ tỉnh táo để nhận ra rằng mình hoàn toàn có thể “học hỏi” mô hình thành công của Apple khi đang nắm trong tay hệ điều hành Android cũng như nguồn lực về cả tài chính lẫn trình độ để tự phát triển dòng chip xử lý di động của riêng mình. Và thế là dòng vi xử lý Google “Tensor” chính thức ra đời.
Google Tensor là gì?
Theo định nghĩa cơ bản nhất, Google Tensor chỉ đơn giản là một “hệ thống trên chip” (SoC), hoặc thường được gọi nôm na là “bộ xử lý”. Nó tương tự như Qualcomm Snapdragon 888 hay Apple A14 Bionic, đóng vai trò là thành phần cung cấp sức mạnh xử lý cho các thiết bị tương ứng của mình.
“Sức mạnh xử lý” là khái niệm “nguyên sơ” nhất của một bộ xử lý, cho phép bạn thực hiện những tác vụ từ cơ bản như gọi điện, nhắn tin… đến chuyên sâu hơn như lướt web, chơi game… trên chiếc smartphone của mình. Là một con chip hiện đại, Google Tensor còn cho phép thiết bị chạy các tác vụ máy học và AI vốn phức tạp hơn.
Nếu bạn quan tâm đến các thông số kỹ thuật thực sự của chip Google Tensor, thông tin chi tiết vẫn chưa được Google công bố chính thức. Chỉ biết rằng đây sẽ là một CPU được đồng phát triển với Samsung, sở hữu 8 lõi, 5 nanomet và dựa trên kiến trúc ARM.
Tuy nhiên, khía cạnh được quan tâm hơn cả trên Google Tensor sẽ là khả năng xử lý các tác vụ liên quan đến AI. Chính tiên gọi Tensor đã là một tham chiếu đến phần cứng Tensor thường được sử dụng trong các trung tâm dữ liệu của Google. Công ty Mountain View tuyên bố đây sẽ một SoC tập trung nhiều hơn vào các khả năng AI/ML, thay vì “hiệu suất thô’ như thông thường, từ đó mở ra tiềm năng thực sự của việc ứng dụng Trí tuệ Nhân tạo trên điện thoại thông minh.
Thành phần cốt lõi của con chip này sẽ là Tensor Processing Unit (TPU), chịu trách nhiệm xử lý tất cả các tác vụ AI/ML. Điều này sẽ giúp giải phóng tài nguyên CPU cho các tác vụ khác, có khả năng dẫn đến hiệu suất và tuổi thọ pin tốt hơn. Không giống như Neural Engine của Apple trong các bộ vi xử lý A-series, TPU sẽ là một phần không thể tách rời của Tensor, khi mọi quy trình đều sẽ đi qua TPU.
Nhìn chung, Tensor là kết quả của việc Google nhận ra rằng họ không thể thành công khi chỉ cứ mãi sử dụng một con chip có sẵn như Snapdragon. Mà thay vào đó là làm chủ tất cả và tối ưu mọi thứ theo cách của mình.
Chip Tensor có ý nghĩa gì đối với điện thoại Pixel?
Chúng ta đã nói nhiều về sức mạnh và khả năng tích hợp, nhưng Google Tensor thực sự sẽ có ý nghĩa gì đối với người dùng và chiếc điện thoại Pixel của họ? Đầu tiền phải khẳng định sự tích hợp chặt chẽ giữa phần cứng và phần mềm cho phép Google tối ưu hóa trải nghiệm triệt để hơn nữa.
Nhiếp ảnh luôn là một phần quan trọng của các thiết bị Pixel và Tensor cho phép Google thực hiện điều đó thậm chí còn tốt hơn. Một số ví dụ bao gồm chụp ảnh từ nhiều camera cùng một lúc, quay video từ nhiều camera ở các mức phơi sáng khác nhau, tốc độ màn trập nhanh hơn và thực hiện nhiều tác vụ xử lý hơn ngay trong khi quay video...
Ngoài ảnh và video, Tensor còn được sử dụng để cải thiện khả năng nhận dạng giọng nói và sử chính tả. Điều này dẫn đến những cải tiến đối với Google Assistant, giúp cho trợ lý ảo trở nên tự nhiên và thông minh hơn.
Google và Apple: Cuộc chiến mới về AI trên smartphone.
Qualcomm đã không ít lần quảng cáo về khả năng AI trên chip Snapdragon, nhưng thực tế chỉ ra rằng chính Apple mới thực sự đưa mọi thứ lên một tầm cao mới. Apple giữ ngôi vương khi nói đến khả năng xử lý ML trên điện thoại thông minh hiện nay. Các chip A-series luôn tỏ ra vượt trội trong các tác vụ AI trên thiết bị như nhận dạng hình ảnh, xử lý ngôn ngữ tự nhiên, phân tích video và hơn thế nữa.
Tensor sẽ thể hiện ra sao trước mạnh của A-series trong AI/ML là điều chưa ai biết trước. Nhưng con chip của Google hoàn toàn có đủ tiềm năng để cách mạng hóa các ứng dụng AI/ML trên điện thoại thông minh.
Chúng ta cần phải đợi cho đến khi có trên tay Pixel 6 và Pixel 6 Pro vào cuối năm nay để có thể đưa ra những nhận xét xác đáng hơn, nhưng chẳng ai cấm bạn mơ về viễn cảnh Tensor sẽ giúp Pixel bắt kịp hay thậm chí soán ngôi iPhone 13, mặc dù Apple đang đứng đầu về hiệu suất điện thoại thông minh hiện nay. Có thể nói đến bây giờ Google mới bắt đầu thực sự coi trọng mảng kinh doanh điện thoại thông minh của mình.