Trong khuôn khổ sự kiện Google I/O 2013 vừa diễn ra, 11 kỹ sư chính trong nhóm phát triển Google Android đã có một cuộc trò chuyện thú vị với phóng viên của các báo công nghệ và các nhà phát triển. Nhóm khẳng định họ vẫn đang làm việc chăm chỉ để đảm bảo rằng những bản cập nhật Android sẽ được tung ra với các thiết bị mới một cách kịp thời.
Nhóm kỹ sư phát triển Android.
Giảm sự phân mảnh
Trả lời câu hỏi từ các nhà phát triển, thành viên trong nhóm Android thừa nhận hệ sinh thái Android vẫn tiếp tục phân mảnh. Nhưng Google sẽ có kế hoạch đổi mới nhanh chóng. Hiện nay, các nhà sản xuất thiết bị và các đối tác của Google thường không theo kịp tốc độ nâng cấp phần mềm của hãng. Phải mất một vài tháng thậm chí lâu hơn, người dùng mới nhận được những bản nâng cấp mới hơn. Kết quả là vẫn có hàng triệu thiết bị đang chạy Android 2.2 Froyo và 2.3 Gingerbread.
Nguyên nhân nằm ở việc các nhà sản xuất chip và các nhà sản xuất thiết bị thường phải thử nghiệm và tối ưu cho phù hợp với sản phẩm của mình trước khi đem bản cập nhật tới khách hàng. Do đó, Google đang cố gắng tìm hiểu sâu hơn về mức độ tương thích giữa phần mềm Android với nhiều loại linh kiện phần cứng để có thể xác định phương pháp tối ưu dành cho các OEM của mình.
Ví dụ, nhiều thiết bị chạy Gingerbread không thể tiếp tục nâng cấp lên phiên bản hệ điều hành mới do những hạn chế phần cứng. Hệ thống cốt lõi của Android không đòi hỏi quá nhiều về bộ nhớ hay tốc độ xử lý của chip, nhưng chính các ứng dụng đi kèm với phiên bản Android mới lại ngày càng “ngốn” nhiều tài nguyên phần cứng hơn dẫn đến việc các ứng dụng mới này không thể chạy được trên các thiết bị cũ. Do đó, việc nâng cấp là gần như bất khả kháng. Điều này chỉ có thể thực hiện với các bản mod rom được loại bỏ bớt các thành phần tiêu tốn nhiều tài nguyên máy.
Ông Dave Burke, kỹ sư trưởng phụ trách mảng Android cho biết: “Chúng tôi đang cố gắng để tối ưu hóa Android theo hướng nhẹ đi, giúp các smartphone giá rẻ cũng có thể chạy được những phiên bản nâng cấp mới nhất”.
Ông Matias Duarte, phụ trách điều tra kinh nghiệm người dùng trên nền tảng Android của Google, cũng chỉ ra thực tế rằng Google và Samsung sẽ phân phối Galaxy S4 phiên bản chạy hệ điều hành Android gốc không qua tùy biến. Nói cách khác, smartphone đặc biệt này không sử dụng bất kỳ phần mềm Samsung TouchWiz nào khi bán ra trên thị trường. Duarte nhấn mạnh rằng: "Cập nhật là một vấn đề phức tạp đối với các nhà sản xuất OEM”, "Samsung Galaxy S4 là một giải pháp giảm phân mảnh khi có trải nghiệm tương tự điện thoại Nexus, và nó sẽ luôn nhận được những bản cập nhật trước tiên”.
Sự phát triển của Android sẽ không chậm lại
Mặc dù đang cố gắng chống lại tình trạng phân mảnh nhưng đội ngũ phát triển Android không có kế hoạch làm chậm chu kỳ đổi mới của nền tảng này.
"Android vẫn chỉ là một đứa trẻ" Burke nói. "Vẫn còn quá nhiều thứ chúng ta có thể làm với nền tảng này. Những đổi mới hoàn toàn có thể đến từ bên trong chứ không đơn giản chỉ là những nâng cấp về phần cứng như hiện nay". Cụ thể, Burke nghĩ rằng đội ngũ phát triển vẫn nhìn thấy nhiều hướng đi mới đối với công nghệ camera trên hệ điều hành Android.
Chân dung Dave Burke, kỹ sư trưởng phụ trách mảng Android.
"Các máy ảnh trên điện thoại sẽ cố gắng để rút ngắn khoảng cách với máy ảnh kỹ thuật số, nhưng giới hạn của chúng tôi mới chỉ là mô phỏng máy ảnh thế hệ cũ như chiếc Kodak chẳng hạn" Burke nói. "Với sự hỗ trợ của phần cứng, camera phone là lĩnh vực hoàn toàn có thể tiếp tục mang đến sự đột phá".
Thêm một khả năng khác là chuyển một số công việc xử lý từ bộ vi xử lý chính cho các chip đồ họa, điều này có thể đem lại hiệu quả cao hơn. Phương pháp này ngày càng phổ biến với các chương trình trên máy tính.
Loại bỏ “lag”
Các kỹ sư cũng thừa nhận họ vẫn đang làm việc để tinh chỉnh Android nhằm khắc phục một số vấn đề. Android vẫn thường xuyên bị lag, ngay cả trên các thiết bị cao cấp như Galaxy S4 hay Xperia Z vẫn đôi khi xảy ra tình trạng khựng hình làm ảnh hưởng khá lớn đến trải nghiệm chung của người dùng. Để giúp khắc phục điều đó, Google cho biết họ đang tiếp tục cải thiện Project Butter, một nỗ lực xuất phát từ Android 4.0 được thiết kế để giúp giao diện người dùng hoạt động trơn tru hơn.
Burke kết luận: "Chúng tôi đã thêm rất nhiều tiến trình trong Jelly Bean, nhưng chúng tôi vẫn có nhiều điều để làm nhằm loại bỏ lag trên Android". Ông cho biết các nhà phát triển sẽ phải thử nghiệm Android 4.1 trên các điện thoại cấp thấp với phần cứng yếu để nắm rõ tình trạng giật hình mà đối với các thiết bị cao cấp, sẽ rất khó để nhận ra. "Với Nexus 4, chúng tôi nhận ra những hạn chế đến từ sức mạnh của GPU. Vì vậy, đội ngũ Android sẽ phải kiểm tra trên rất nhiều thiết bị khác nhau".
Android có khả năng chạy ứng dụng của iOS hay không?
Android đang là nền tảng di động phổ biến hàng đầu thế giới nhưng một sự thật hiển hiện rằng nhiều ứng dụng vẫn đang được phát triển độc quyền chỉ dành cho Apple iOS. Và điều này có thể khiến nhiều người dùng iOS “ngại” chuyển sang sử dụng Android. Một khán giả đã hỏi liệu Google có sẵn sàng viết một chương trình giả lập iOS cho phép “port” các ứng dụng iOS sang Android không?
Tuy nhiên, Ficus Kirkpatrick, một kỹ sư trong nhóm Android trả lời: "Tôi không nghĩ đó là một điều thú vị". “Việc tối ưu để phù hợp sẽ đòi hỏi rất nhiều công đoạn phức tạp”. Burke cũng đùa vui một chút: "Tôi đã suy nghĩ đến việc này, có lẽ chúng ta nên tới Cupertino (trụ sở chính của Apple) và yêu cầu chính họ tạo một trình giả lập Android cho iOS".
Công cụ lập trình mới
Tại Google I/O 2013, gã khổng lồ tìm kiếm đã bắt đầu hỗ trợ công cụ phát triển JetBrains' IntelliJ để viết phần mềm cho Android, nhưng một lập trình viên đang sử dụng Eclipse, công cụ phát triển đầu tiên cho Android lo lắng về điều này.
Xavier Ducrochet, lập trình viên cho Android đã trấn an đồng nghiệp của mình: “Đây không phải là một hướng đi mới. Đó là một hướng đi song song", "Bạn có thể tiếp tục sử dụng Eclipse hoặc chuyển sang dùng IntelliJ nếu muốn".