Ngay sau khi công bố thông tin ấn tượng là có đến 2.5 tỷ thiết bị Android đang hoạt động trên toàn thế giới tại sấu khấu của hội nghị nhà phát triển I/O 2019 đang diễn ra ở Mountain View sao sớm ngày hôm nay, Google cũng đã cho ra mắt chính thức phiên bản Android Q beta thứ ba. Nếu bạn là lập trình viên Android thì đây là bản preview của Android Q thứ ba, và bạn có thể bắt đầu thử nghiệm các ứng dụng của mình với bản phát hành này bằng cách download về máy từ địa chỉ developer.android.com/preview.
Bản preview này bao gồm SDK phiên bản mới với hình ảnh hệ thống (system images) cho các mẫu điện thoại thông minh Pixel, Pixel XL, Pixel 2, Pixel 2 XL, Pixel 3, Pixel 3 XL và trình giả lập Android chính thức (Android Emulator). Nếu đã từng đăng ký bản beta và đã nhận Android Q Beta 1 và Beta 2 trên thiết bị Pixel của mình, bạn sẽ tự động nhận được bản cập nhật lên Beta 3. Google cho biết họ cũng sẽ đưa Android Q Beta 3 lên các mẫu điện thoại của bên thứ ba theo một danh sách hạn chế, bao gồm tổng cộng 21 thiết bị từ 13 thương hiệu khác nhau, cụ thể là: Asus ZenFone 5Z, Essential Phone, Huawei Mate 20 Pro, LG G8, Nokia 8.1, OnePlus 6T, Oppo Reno, Realme 3 Pro, Sony Xperia XZ3, Tecno Spark 3 Pro, Vivo X27, Vivo Nex S, Vivo Nex A, Xiaomi Mi 9, Xiaomi Mi Mix 3 5G, Google Pixel 3, Google Pixel 3 XL, Google Pixel 2, Google Pixel 2 XL, Google Pixel, và Google Pixel XL.
Trước đó Google đã cho ra mắt Android Q Beta 1 vào tháng 3, Android Q Beta 2 vào tháng 4 và bây giờ là Android Q Beta 5 vào tháng 5. Như vậy có thể thấy tốc độ cập nhật cho các phiên bản beta của Android Q năm nay nhanh hơn khá nhiều so với mọi năm, trung bình có 1 bản beta mới được ra mắt sau mỗi 3 tuần - một điều chưa từng có tiền lệ. Với tốc độ cập nhật nhanh như vậy chắc chắn sẽ có lỗi xảy ra, bạn có thể gửi phản hồi cho Google nếu gặp phải bất cứ sự cố nào đối với nền tảng tệp, khả năng tương thích ứng dụng cũng như các vấn đề với SDK của bên thứ ba.
Beta 1 ra mắt 2 tháng trước mang đến khá nhiều tính năng bảo mật và quyền riêng tư bổ sung, các cải tiến cho khả năng sử dụng của màn hình gập, API kết nối mới, codec phương tiện (media codec) mới, một số tính năng hỗ trợ cho camera, tiện ích mở rộng NNAPI, hỗ trợ Vulkan 1.1 và cải thiện tốc độ khởi động ứng dụng.
Android Q Beta 3
Các tính năng nổi bật trong Beta 3
Tính đến thời điểm hiện tại, Google đã mang đến cả thảy hơn 50 tính năng và cải tiến xung quanh quyền riêng tư và bảo mật của người dùng thông qua các bản beta đã được ra mắt. Đối với phiên bản Beta 3 lần này, công ty Mountain View nhấn mạnh rằng Android Q sẽ tập trung nhiều hơn vào sự đổi mới, bảo mật và quyền riêng tư cũng như các phúc lợi kỹ thuật số. Bên cạnh đó, một thông tin cũng rất đáng chú ý khác đó là Android Q sẽ trở thành hệ điều hành di động đầu tiên trên thế giới hỗ trợ 5G. Đây là kết quả của dự án hợp tác hỗ trợ 5G cho Android Q giữa Qualcomm và Google. Nói về các công nghệ trong tương lai, Android Q Beta 3 sẽ vẫn tiếp tục cải thiện khả năng hỗ trợ cho các thiết bị màn hình gập như được giới thiệu trong video sau:
Bên cạnh đó còn có một số cái tiến đáng chú ý khác như:
Cải tiến về sự riêng tư
Android Q cung cấp cho người dùng quyền kiểm soát lớn hơn về sự riêng tư thông qua việc có thể quản lý hoạt động truy cập cũng như nhận dữ liệu vị trí của từng ứng dụng. Thông thường các ứng dụng sẽ yêu cầu người dùng cấp phép truy cập thông tin vị trí, nhưng với Android Q, bạn có thể lựa chọn khi nào sẽ cho phép ứng dụng truy cập vào vị trí của bạn - chẳng hạn như chỉ cấp quyền khi ứng dụng được đang được sử dụng, cấp quyền mọi lúc hoặc không cấp quyền.
Thêm một lưu ý cũng khá quan trọng, đó là Android Q sẽ hạn chế khởi chạy ứng dụng từ nền, nhằm ngăn việc các ứng dụng bất ngờ khởi chạy trong nền và chiếm lấy trọng tâm xử lý của hệ thống.
Để ngăn chặn khả năng theo dõi trái phép, Android Q sẽ giới hạn quyền truy cập vào các mã nhận dạng thiết bị không thể đặt lại, bao gồm IMEI của thiết bị, số sê-ri và các số nhận dạng tương tự. Bên cạnh đó, địa chỉ MAC cũng sẽ được đặt ngẫu nhiên khi thiết bị được kết nối với nhiều mạng Wi-Fi khác nhau và các API kết nối sau quyền truy cập vị trí.
Cải tiến về bảo mật
Google đã mở rộng khung xác thực BiometricPrompt của mình để hỗ trợ thêm cho các tính năng sinh trắc học ở cấp độ hệ thống, và đồng thời họ cũng bổ sung thêm một số tính năng hỗ trợ nâng cao cho các phương thức xác thực thụ động như nhận diện khuôn mặt. Một điểm mới nữa trong Android Q là sự xuất hiện của các tính năng hỗ trợ cho TLS 1.3, cho phép triển khai TLS 1.3 theo mặc định cho tất cả các kết nối TLS được thực hiện thông qua TLS stack của Android - Conscrypt - bất kể cấp độ API mục tiêu là gì.
Project Mainline
Bên cạnh đó, Google hiện đang triển khai cả công cụ Project Mainline - một phương thức tiếp cận mới trong việc giữ cho các thiết bị Android luôn được cập nhật đối với mọi thay đổi về mã phân phối thông qua Google Play. Google cho biết tính năng này sẽ cho phép người dùng có thể cập nhật từng thành phần cụ thể của Android để áp dụng các thay đổi mới, thay vì phải cập nhật toàn bộ hệ thống như trước.
Về cơ bản, Project Mainline sẽ tiến hành “mô-đun” hóa các phiên bản cập nhật thành từng gói download cụ thể, các gói này sẽ được tải xuống vào lần tiếp theo khi điện thoại khởi động. Google cho biết mã nguồn của Project Mainline hiện nằm trong dự án Android Open Source Project, và các bản cập nhật sẽ có nguồn mở hoàn toàn khi chúng được phát hành chính thức.
Tất cả các thiết bị chạy Android Q trở lên sẽ có thể nhận được Project Mainline.
Hành động được đề xuất trong khu vực thông báo
Bắt đầu từ bản Beta 3, Google sẽ cho phép các thông báo và hành động thông minh - cả do hệ thống tạo ra lẫn do nhà phát triển cung cấp - được chèn trực tiếp vào khu vực thông báo theo mặc định.
Các đề xuất của Android Q được cung cấp bởi một dịch vụ AI trên thiết bị - tương tự như dịch vụ nhận dạng thực thể phân loại văn bản (TextClassifier) của Google. Quá trình xử lý sẽ diễn ra trên thiết bị và vì các hành động sẽ được đề xuất dựa trên dịch vụ TextClassifier. Các hành động này có thể tận dụng những khả năng mới mà người dùng đã thêm trong Android Q, ví dụ như phát hiện ngôn ngữ, và có thể được sử dụng để tạo thông báo do hệ thống cung cấp.
Chế độ nền tối (dark theme)
Bắt đầu từ Android Q Beta 3, sẽ có một chủ đề nền tối (dark theme) có thể được áp dụng trên toàn hệ thống và được kích hoạt bằng cách điều hướng tới mục Cài đặt> Hiển thị, sử dụng tùy chọn cài đặt nhanh (Quick Settings) mới hoặc bật trình tiết kiệm pin (Battery Saver). Chủ đề này về cơ bản sẽ thay đổi giao diện người dùng hệ thống thành màu tối và có thể tương thích với dark theme của các ứng dụng có hỗ trợ. Các ứng dụng có thể xây dựng dark theme của riêng mình hoặc cũng có thể chọn tham gia tính năng Force Dark mới, cho phép hệ điều hành tạo phiên bản tối đối với chủ đề mà ứng dụng hiện đang kích hoạt.
Điều hướng cử chỉ
Android Q sẽ giới thiệu chế độ điều hướng cử chỉ mới, giúp ẩn khu vực thanh điều hướng và cho phép các ứng dụng cũng như trò chơi hiển thị nội dung của mình ở chế độ toàn màn hình. Chế độ này sẽ giữ lại các tính năng Back, Home và chuyển hướng quen thuộc, nhưng sẽ được thực hiện qua các cử vuốt cạnh thay vì sử dụng nút bấm cụ thể như trước.
Người dùng có thể chuyển sang sử dụng điều hướng cử chỉ trong Cài đặt> Hệ thống> Cử chỉ (Settings > System > Gestures). Hiện tại có hai cử chỉ cơ bàn: Vuốt nhanh lên từ phía dưới màn hình sẽ đưa người dùng đến màn hình chính, giữ và từ từ vuốt lên từ phía dưới màn hình sẽ hiển thị các ứng dụng đang khởi chạy. Vuốt từ cạnh trái hoặc phải của màn hình sẽ là tính năng quay lại (back).
Các tính năng nổi bật khác
Android Beta 3 sẽ đi kèm với tính năng Live Caption, có nhiệm vụ tự động tạo phụ đề cho các file phương tiện như âm thanh, video đang phát trên hệ thống. Ngoài ra còn có một tính năng thú vị khác là Smart Reply, được tích hợp vào hệ thống thông báo của Android Q, giúp dự đoán hành động mà bạn sẽ làm khi nhận được thông báo (chẳng hạn như khi ai đó gửi cho bạn một địa chỉ, bạn có thể mở nó trong Google Maps).
Bên cạnh đó, Android Q sẽ có thêm chế độ mới có tên Focus, cho phép bạn chọn các ứng dụng mà khiến mình cảm thấy mất tập trung và tắt các ứng dụng đó. Đồng thời Google cũng đang biến Family Link thành một phần của mọi thiết bị Android và bổ sung thêm các tính năng như thêm thời gian và khả năng đặt giới hạn thời gian dành riêng cho từng ứng dụng.
Lịch trình phát hành beta
Mục tiêu của phiên bản beta thứ ba này cũng giống như 2 phiên bản đầu tiên, đó là đem các bản dựng mới đến sớm hơn cho người dùng và nhà phát triển để họ có thêm thời gian khám phá các tính năng và API mới cho từng ứng dụng, kiểm tra tính tương thích cũng như đưa ra phản hồi cần thiết.
Năm ngoái, đã có tổng cộng 5 bản preview cho các nhà phát triển (4 bản beta) được phát hành. Năm nay, Google đang lên kế hoạch tung ra cả thảy 6 bản beta. Tính đến nay đã có 3 bản beta được đưa đến tay người dùng. Lịch trình cho các bản preview trong năm 2019 như sau:
- Tháng 3: Beta 1 (phát hành lần đầu, beta)
- Tháng 4: Beta 2 (cập nhật bổ sung, beta)
- Tháng 5: Beta 3 (cập nhật bổ sung, beta)
- Tháng 6: Beta 4 (API cuối cùng và SDK chính thức, beta)
- Beta 5 (phát hành để thử nghiệm)
- Beta 6 (phát hành để thử nghiệm lần cuối cùng)
- Q3: Bản phát hành cuối cùng cho AOSP và hệ sinh thái chung
Google đang đề nghị các nhà phát triển điều chỉnh ứng dụng của mình sao cho chúng có thể tương thích tốt hơn với Android Q để có thể mang lại cho người dùng một sự chuyển đổi liền mạch và quan trọng là trải nghiệm tốt khi họ nâng cấp lên phiên bản Android mới nhất này. Nếu bạn là nhà phát triển ứng dụng Android, đầu tiên, hãy cài đặt ứng dụng hiện tại của mình từ Google Play lên thiết bị hoặc trình giả lập chạy Beta 3, làm việc thông qua các luồng người dùng và xử lý để đảm bảo ứng dụng có thể tương thích với các thay đổi hành vi của Android Q. Nếu bạn tìm thấy sự cố, hãy khắc phục chúng trong ứng dụng hiện tại mà không thay đổi cấp độ mục tiêu (hướng dẫn điều hướng, danh sách kiểm tra quyền riêng tư). Khi bạn đã hoàn tất quá trình sửa đổi, hãy cập nhật TargetSdkVersion của ứng dụng thành “Q”.
Hy vọng các thông tin trong bài hữu ích với bạn!