iOS 5 đã "copy" những gì từ Android và các đối thủ khác ?
Apple là 1 công ty thích kiện cáo và họ luôn tự coi rằng mình là người đi đầu trong mọi lĩnh vực, là tiên phong trong mọi phát minh. Và Apple không ngừng tìm cách nhắc nhở các hãng sản xuất khác về vị thế đi đầu của mình bằng các đơn kiện. Những vụ kiện của Apple với HTC, Nokia và gần đây nhất là Samsung đều chỉ liên quan đến những chi tiết nhỏ nhặt (Apple kiện Samsung vì tội... đóng gói sản phẩm giống Apple, kiện HTC vì tội đưa widget music ra lockscreen...).
Tính "thích cà khịa" của Apple nhiều khi khiến các bên quan sát phát ngán. Kết quả của các vụ kiện như thế thường cuối cùng chẳng đi tới đâu, chỉ đem lại 1 loạt những phiền phức cho cả đôi bên và rạn nứt quan hệ. Đã có những lời xì xào về việc iPhone 5 chậm ra mắt là do Apple kiện Samsung và làm sứt mẻ mối quan hệ vốn rất tốt đẹp giữa 2 hãng: Samsung cung cấp một lượng lớn màn LCD và chip nhớ NAND Flash cho các iDevices của Apple, và vụ kiện này cộng với ảnh hưởng từ đợt sóng thần vừa qua ở Nhật đã làm chậm nguồn cung các linh kiện trên của Apple dẫn đến sự chậm trễ của iPhone 5.
Trong nhiều năm, Apple luôn là bên khởi đầu cho các vụ kiện cáo đình đám trong giới công nghệ, mặc dù các hãng khác dường như chỉ muốn chung sống trong hòa bình với Apple. Thế nhưng 0h đêm qua mùng 7 tháng 6 giờ Việt Nam, ở WWDC 2011, Apple đã giới thiệu phiên bản thứ 5 của iOS, hệ điều hành dành cho các iDevices của hãng.
Sau khi những tràng pháo tay và sự phấn khích qua đi, nhìn lại những "tính năng mới" của iOS 5, tôi bàng hoàng tự hỏi: Liệu Google có nên kiện Apple vi phạm bản quyền trên iOS 5? Tại sao tôi lại có suy nghĩ như vậy? Sau đây là lý do.
1. Apple "bê" nguyên Notification Drawer của Android vào iOS
Tính năng đầu tiên, và trọng yếu nhất của iOS được Scott Forstall, phó chủ tịch phụ trách mảng iOS của Apple giới thiệu trước tiên. Nếu bạn từng dùng thử 1 chiếc iPhone dùng iOS 4 trở xuống bạn sẽ hiểu hệ thống hiển thị các thông báo của iOS khó chịu như thế nào. Chỉ cần có 1 tin nhắn là chiếc bảng thông báo sẽ "nhảy bổ" vào giữa màn hình, bất kể lúc đó bạn đang làm gì: Xem phim, nghe nhạc, chơi game, đọc sách...
Những thông báo tin nhắn thế này chỉ chực "nhảy bổ" vào giữa màn hình, bất kể người sử dụng đang làm gì.
Và các Notification bị phân bố rải rác khắp nơi trên các ứng dụng, có thể còn nằm ở nhiều trang khác nhau của màn hình nên người sử dụng có thể sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong việc nắm bắt tất cả các diễn biến mới trên điện thoại. Ví dụ bạn muốn xem có cuộc gọi nhỡ hay không thì phải nhìn vào icon Phone ở trang đầu, muốn xem có tin tức mới không lại phải lật qua trang bên cạnh để "ngó" vào icon của RSS Reader. Rất bất tiện.
Notification Center mới của iOS 5
Và trong iOS 5, Apple quyết định cải thiện hệ thống thông báo của iOS bằng cách... thỉnh giáo Android. Dễ dàng có thể nhận ra ý tưởng của Notification Center trên iOS 5 đến từ đâu: cũng 1 kiểu trượt bảng Notification từ mép trên màn hình xuống, cũng một kiểu tóm tắt nhanh nội dung thông báo, các dòng thông báo cũng bố trí ngang và lấy text là chủ đạo, thay vì triết lý thiết kế sử dụng nhiều hình ảnh như truyền thống của Apple.
Dễ dàng thấy được Apple lấy ý tưởng về Notification Center đó ở đâu.
Nếu như vị trí Google, Apple đảo ngược lại thì có lẽ đến giờ này chúng ta đã được thấy các báo giật tít: "Apple đâm đơn kiện Google vì Android ăn cắp ý tưởng của iOS."
2. Apple "tham khảo" HTC Sense khi thiết kế LockScreen mới của iOS 5
Khi những chiếc iPhone đời đầu ra mắt, tính năng lockscreen của thiết bị này nhanh chóng trở thành một niềm mơ ước của những ai sử dụng smartphone chạy WinMo. Màn hình khóa giúp người sử dụng không bấm mở nhầm ứng dụng khi rút điện thoại từ trong túi, chuyện rất thường xảy ra với các smartphone màn hình cảm ứng.
Lock Screen của iPhone từng 1 thời là niềm tự hào của Apple.
Tuy nhiên màn hình khóa cũng là 1 trong những tính năng ít thay đổi nhất của iOS. Qua 4 lần nâng cấp, màn hình khóa của iOS vẫn giữ y nguyên như phiên bản đầu tiên. Thậm chí cả trên iPad, màn hình khóa vẫn hoàn toàn giữ kết cấu truyền thống giống trên các iDevices có màn hình nhỏ hơn như iTouch, iPhone...
Dần dà, lockscreen của iOS trở nên "có tuổi" khi bị xếp cạnh những đối thủ có chức năng tương đương đến từ Android, WebOS... Cùng với hệ thống thông báo, lockscreen trở thành tính năng bị người dùng than phiền nhiều nhất và liên tục đòi Apple cải tiến. Nếu đã jailbreak, lockscreen của iOS sẽ hiển thị thông báo thời tiết, tin nhắn mới, tóm tắt email mới và vô số tính năng khác. Chưa jailbreak, lockscreen sẽ chỉ hiển thị mỗi 1 cái đồng hồ to đùng và chấm hết. Thậm chí iPhone còn chẳng có đèn báo, vì thế nếu có tin nhắn mới hay email mới mà người dùng không nghe được âm báo, thì mãi đến tận khi mở khóa màn hình họ mới biết mình có cuộc gọi nhỡ.
Cho đến khi Android ra mắt với lockscreen đầy ắp thông tin, không cần mở khóa, chỉ cần liếc mắt là người dùng đã biết có thông tin gì mới hay không.
Trong khi lockscreen của iOS "ù ì chậm tiến" như vậy thì Google và các hãng sản xuất thiết bị chạy Android khác như HTC đã đưa ra các giải pháp lockscreen xuất sắc. Hãy thử nhìn vào lockscreen của HTC Sense 3.0 bạn sẽ thấy Apple đã "tham khảo" những gì từ HTC để đưa vào lockscreen của iOS 5.
Có sự tương đồng rất lớn giữa lockscreen của iOS 5 và HTC Sense 3.0
Một trong số đó là khả năng truy xuất camera từ lockscreen.
Nếu HTC cũng bảo vệ thành quả sáng tạo của mình quyết liệt như Apple, có lẽ họ nên kiện Apple vì tội "Sao chép ý tưởng cho phép truy xuất ứng dụng chụp ảnh từ ngoài màn hình khóa".
3. Tính năng xem thời tiết dựa trên vị trí của người dùng
Về cơ bản thì đây là một trong những tính năng mà các smartphone Android có ngay từ ngày ra mắt. Thông qua định vị GPS hoặc định vị nhờ vào thông tin từ trạm BTS của mạng điện thoại, các smartphone chạy Android có thể nhận ra được người sử dụng đang ở tỉnh thành nào để từ đó đưa ra thông báo về thời tiết nắng mưa, nhiệt độ phù hợp với địa điểm đó.
Widget Weather của HTC Sense rất đẹp và tiện lợi.
Các hãng sản xuất smartphone chạy Android như HTC, Samsung đều đưa ra các widget dự báo thời tiết theo vị trí người sử dụng. Và với iOS 5, đơn giản là Apple đã "mượn" ý tưởng từ các widget đó, viết thành 1 ứng dụng weather dành cho iDevices. Tất nhiên sẽ có người tranh cãi rằng tính năng thông báo thời tiết dựa trên vị trí của người sử dụng chẳng phải là điều gì mới mẻ và các hãng sản xuất cũng không thể "độc chiếm" bằng tính năng đó cho riêng mình.
Tuy nhiên hãy thử nhìn cái cách Apple kiện Amazon vì tội dám dùng chữ "AppStore" mà Apple cho là của mình độc quyền, bạn sẽ thấy Apple sẵn sàng "chiến đấu" đến hơi thở cuối cùng để ngăn các hãng khác không thò, dù chỉ là 1 ngón chân, sang lãnh địa các sản phẩm của mình.
4. Dịch vụ iMesssage mới của iOS 5 chỉ là 1 phiên bản của BlackBerry Messenger
Apple có truyền thống "nhặt nhạnh" các phát minh bị các hãng khác... vứt đi, "đánh bóng, tân trang" lại rồi đưa vào sản phẩm của mình. Buồn cười một điểm là những phát minh ấy ở trong tay các hãng khác thì bị dè bỉu, chê bai, nhưng đến lúc vào bàn tay ma thuật của Steve Jobs và bộ sậu của ông ta ở Apple thì lại khiến giới mộ đạo "phát cuồng".
iMessage mới liệu có gây sốt và "hất cẳng" được BlackBerry Messenger?
Màn hình cảm ứng điện dung, thiết kế smartphone điều khiển hoàn toàn bằng cảm ứng, cảm biến gia tốc... Tất cả đều đã được Nokia, Motorola và các hãng khác nữa ứng dụng vào những sản phẩm "chết yểu" của mình. Và những công nghệ trên chỉ khi được "thổi" vào iPhone thì mới tỏa sáng và trở thành xu hướng như hiện nay.
Thế nhưng từ trước đến nay, hầu như Apple chỉ đưa vào sản phẩm của mình những công nghệ chưa ai từng sử dụng hoặc đã sử dụng nhưng không thành công cho lắm nên danh tiếng của Apple trong lĩnh vực "sáng tạo" ngày càng nổi như cồn. Với iOS 5, Apple đã phá vỡ truyền thống đó bằng dịch vụ iMessage: Apple đã đưa ý tưởng của 1 sản phẩm "thành danh" của hãng khác vào iOS 5, mà ở đây cụ thể là BlackBerry Messenger (BBM) của RIM.
Về cơ bản, cả BBM lẫn iMessage đều là 1 dạng dịch vụ chat giống như Yahoo ! Messenger hay Google Talk. Chỉ có điều 2 dịch vụ này được thiết kế dành riêng cho smartphone nên hoạt động rất ổn định, linh hoạt và tiết kiệm pin trên các thiết bị cầm tay. Thay vì phải tạo 1 tài khoản và đăng nhập như các dịch vụ chat thông thường, BBM và iMessage gắn sự hoạt động của mình với thiết bị mà nó thường trú, nghĩa là khi cần liên lạc với những người sử dụng BBM khác, người sử dụng chỉ cần biết "số" BBM của người cần liên lạc. Các dịch vụ như BBM và iMessage ra đời với mục đích thay thế dịch vụ SMS truyền thống với các ưu điểm như rẻ, hoạt động ổn định, tin nhắn có nội dung phong phú hơn SMS(Có thể chèn link, ảnh và có giới hạn ký tự nhiều hơn). Ở thời điểm hiện tại, BBM đã trở thành 1 trong những dịch vụ "hút khách" nhất của RIM với hơn 40 triệu người sử dụng.
Nhận thấy tiềm năng của BBM, Apple không chịu ngồi yên mà lập tức tích hợp iMessage vào iOS 5. Thế nhưng iMessage với tư cách là kẻ đi sau, lại có quá nhiều điểm tương đồng nếu so với người đồng nghiệp BBM của RIM. Nói một cách đơn giản, Apple đã tạo ra 1 phiên bản của BBM, chỉ khác là chạy trên nền iOS và chỉ hoạt động giữa các iDevices với nhau mà thôi.
Kết luận
Nhìn chung, ở góc độ của người sử dụng mà nói, Apple càng chịu khó lắng nghe yêu cầu của người sử dụng và cần mẫn trong việc "học hỏi" từ sản phẩm của các hãng khác thì chúng ta, những người tiêu dùng, càng được hưởng lợi. Và cũng rất có thể là sẽ chẳng hãng nào trong số những hãng mà tôi nêu tên trên kia đâm đơn kiện Apple, vì nói cho cùng, ý tưởng là 1 chuyện, còn thực thi ý tưởng đó ra sao để biến nó thành công cụ kiếm tiền, lại là chuyện khác. Có thể rằng ý tưởng về dịch vụ chat tích hợp trên smartphone để thay thế SMS là của RIM, nhưng biết đâu đấy khi iMessage ra đời, chúng ta sẽ được thấy một dịch vụ hoàn toàn mới, hoàn toàn riêng biệt và không một ai còn nhận ra "cái lõi" BBM nữa?
Thế nhưng đó không phải là những gì mà bài viết này muốn đề cập đến, chúng ta đã thấy ở IOS 5 Apple có những bước chuyển rất quan trọng. Thay vì tự tin cho rằng iOS là bất khả chiến bại, giờ đây Apple đã chịu khó nhìn lại và đánh giá các đối thủ của mình như Android, BlackBerry và gần đây là Windows Phone một cách nghiêm túc hơn. Và quan trọng hơn nữa, ở iOS 5, 1 loạt các yêu sách của người sử dụng cũng đã được đáp ứng, chứng tỏ Apple đã lắng nghe người sử dụng hơn. Có thể là chúng ta chưa được chứng kiến Widget trên iPhone, chưa gọi FaceTime qua Wifi, chưa có 1 cơ chế quản lý ứng dụng chạy đa nhiệm tốt hơn, nhưng chỉ cần Apple chịu lắng nghe, tương lai iOS được bổ sung các tính năng kể trên cũng không còn quá xa.
Mong rằng một khi Apple đã "vay mượn" ý tưởng từ các hãng sản xuất khác để đưa vào sản phẩm của mình thì trong thời gian tới chúng ta sẽ bớt phải chứng kiến những vụ kiện cáo dai dẳng và vô bổ từ phía Apple đến các đối thủ. Đến bao giờ thì Steve Jobs hiểu rằng, ý tưởng trùng hợp nhau là chuyện rất bình thường và nếu 1 hãng cứ khăng khăng "vơ vét" hết tất cả các phát minh về phía mình, thủ tiêu cạnh tranh lành mạnh thì người chịu thiệt hại nhiều nhất sẽ là khách hàng? Thậm chí nếu 1 công ty quản lý quá chặt các phát minh của mình mà không chịu chia sẻ với cộng đồng thì vô hình chung lại bó buộc sự phát triển của cộng đồng. Vì thế câu chuyện không chỉ còn dừng lại ở việc bản quyền thuộc về ai, mà lại quay sang trách nhiệm của doanh nghiệp đối với xã hội.