Google Hangouts đã được phát hành vào năm 2013 và được đón nhận nồng nhiệt từ cộng đồng người dùng vào thời điểm đó. Tuy nhiên theo thời gian, những yếu kém trong trải nghiệm và sự cạnh tranh gay gắt từ các dịch vụ đối thủ đã khiến Hangouts không còn được ưa chuộng, đến mức nhiều người dùng Google còn không biết đến sự tồn tại của dịch vụ này.
Google Chat là gì?
Để giải quyết vấn đề, công ty Mountain View đã quyết định cho ra mắt Google Chat - một trong hai dịch vụ thay thế Hangouts. Cụ thể, Google Chat sẽ chủ yếu đảm nhận các tính năng tương tác với văn bản, trong khi Google Meet phụ trách mảng video. Cách làm này được kỳ vọng có thể mang đến cho người dùng các dịch vụ được tối ưu tốt hơn cho từng mục đích sử dụng.
Bắt đầu từ năm 2021, gần như toàn bộ các tính năng trong Google Hangouts đã được thay thế hoàn toàn bằng Google Chat - một dịch vụ giao tiếp trực tuyến dự kiến sẽ được tích hợp sẵn trong Gmail và cả dưới dạng ứng dụng độc lập. Google sẽ tự động di chuyển cũng như đồng bộ hóa các cuộc trò chuyện trong Hangouts của bạn, cùng với danh bạ và lịch sử đã lưu trong cùng một tài khoản tương ứng trên Chat.
Tuy nhiên, Google Chat sẽ hoạt động hơi khác so với Hangouts. Ngay từ đầu, Hangouts là một sản phẩm dành cho người tiêu dùng. Nó được thiết kế để trở thành một ứng dụng nhắn tin tức thì mà bất kỳ ai có tài khoản Google đều có thể sử dụng. Cũng như tích hợp tính năng nhắn tin SMS trong ứng dụng Android.
Mặt khác, Chat có cách tiếp cận như một dịch vụ mang tính doanh nghiệp cho Google Workspace (trước đây được gọi là G Suite). Nó có nhiều điểm chung với các dịch vụ như Slack hơn là với Google Hangouts cũ. Sau khi Hangouts chính thức ngừng hoạt động, Google Chat sẽ khả dụng cho tất cả mọi người.
Mục đích của Google Chat là gì?
Như đã đề cập ở trên, Google Chat gần giống như một đối thủ cạnh tranh của Slack, Teams... hơn là ứng dụng thay thế Hangouts. Vậy điều đó thực sự có ý nghĩa gì? Nói tóm lại, đây là một ứng dụng nhắn tin được xây dựng cho các nhóm người dùng, các đội ngũ. Google Chat hiện khả dụng trên cả các nền tảng máy tính để bàn, iPhone, iPad và Android.
Các tổ chức, doanh nghiệp, hoặc nhóm cộng tác có thể tạo máy chủ Google Chat cho nhân viên và các thành viên của mình. Thay vì để tất cả các cuộc trò chuyện diễn ra trong một luồng như một cuộc trò chuyện nhóm thông thường, Google Chat có thể được sắp xếp thành từng “Phòng”.
Các phòng chat giúp bạn có được không gian trò chuyện tập trung, tối ưu theo chủ đề hơn. Bạn có thể tạo phòng chat để thảo luận về một sự kiện hoặc dự án cụ thể, với một lượng lớn người tham gia.
Lợi ích khác của phòng chat là khả năng kiểm soát các thông báo. Bạn có thể đặt một vài phòng chat mà mình đã tham gia trong danh sách ưu tiên, và bật thông báo khi có tin nhắn mới. Trong các phòng chat “ít quan trọng hơn”, bạn có thể thiết lập chỉ nhận thông báo khi ai đó đề cập đến mình.
Google Chat cũng là nơi để bạn tổ chức các cuộc trò chuyện riêng tư trực tiếp. Bạn có thể dễ dàng bắt đầu cuộc trò chuyện với bất kỳ ai trên máy chủ của mình. Vì vậy, cho dù đó là cuộc thảo luận nhóm hay cuộc trò chuyện riêng tư, Google Chat vẫn có thể hỗ trợ tốt.
Google Meet, “nhánh” video tách ra từ Hangouts nói trên, cũng được tích hợp trong Google Chat. Đây là nơi bạn có thể bắt đầu, lên lịch và tham gia các cuộc họp video cho nhóm của mình. Nhìn chung, việc tham gia cuộc gọi video trong Meet rất đơn giản, nhanh chóng.
Lợi ích mà Google Chat mang lại
Một trong những lợi ích lớn mà dịch vụ này mang lại nằm ngay trong tên gọi — Google. Nếu tổ chức của bạn đang sử dụng Workspace hoặc nhiều dịch vụ khác của Google, bạn nên sử dụng Chat.
Google Chat sở hữu rất nhiều tính năng tích hợp, tương thích tuyệt đối với các dịch vụ khác của Google. Chỉ cần nhấp vào hộp tin nhắn trả lời và bạn sẽ thấy các biểu tượng cho Google Drive, Docs, Calendar, và Meet. Menu thanh bên cũng có các phím tắt cho Google Calendar, Google Keep, và Google Tasks mà bạn có thể truy cập nhanh với một cú nhấp chuột.
Giả sử bạn muốn chia sẻ một tài liệu từ Google Docs với phòng chat trong Google Chat. Khi bạn dán liên kết truy cập Docs, Chat sẽ tự động cấp quyền cho mọi người trong phòng có thể xem và nhận xét về tài liệu đó - rất thông minh và tiện lợi.
Vì đây là một sản phẩm của Google nên tìm kiếm cũng là một điểm mạnh. Thanh tìm kiếm luôn hiện diện ở trên cùng cho phép bạn tìm thấy gần như bất cứ thứ gì bạn có thể cần từ máy chủ. Bao gồm các liên hệ, cuộc trò chuyện, tệp được chia sẻ, liên kết và hơn thế nữa.
Trên đây là thông tin cơ bản về Google Chat. Chúc bạn có được trải nghiệm tốt với các dịch vụ của Google.