Nhiều người lo ngại Google sẽ trở thành một "Microsoft thứ hai" khi hạn chế tối đa sự can thiệp vào hệ thống từ nhà sản xuất hay nhà phát triển.
Theo Electronista, Google có thể sẽ thúc đẩy sự nhất quán nhiều hơn trong hệ điều hành Android 3.0. Thông tin chi tiết của quá trình này không được nêu rõ nhưng ngụ ý rằng từ mã nguồn mở sẽ không còn giữ nguyên ý nghĩa của nó với Android 3.0 thời gian tới.
Tạo sự nhất quán trong sử dụng phần mềm và phần cứng có cả lợi và hại với người dùng và nhà sản xuất.
Các công ty sản xuất đều lo ngại rằng, Google có thể sẽ trở thành một "Microsoft thứ hai" khi hạn chế các nhà phát triển có thể truy cập đến nền tảng gốc của hệ điều hành, Digitimes cho hay.
Báo cáo trên cũng cho biết, kiến trúc ARM sử dụng trên thiết bị chạy Android 3.0 cũng sẽ có tương lai tương tự khi bị ngăn chặn các tùy biến từ nhà sản xuất.
Hiện nay, dù điện thoại chạy Android đang rất phát triển nhưng đều rất chậm được cập nhập lên phiên bản mới của hệ điều hành. Lý do là phần lớn các hãng đều tùy biến giao diện hay một số cơ sở hệ thống khác dành riêng cho sản phẩm của mình. Điều này khiến việc cập nhập phần mềm bị chậm trễ lên đến vài tháng thậm chí là không được cập nhập do còn phụ thuộc vào hãng sản xuất.
Galaxy Tab 8.9 và 10.1 là hai model đầu tiên được thông báo có sự thay đổi giao diện so với mặc định của Android 3.0. Ảnh: GSMArena
Chính vì vậy, việc tạo nhất quán trong sử dụng phần mềm và phần cứng sẽ giúp người dùng được trải nghiệm những tính năng mới ngay lập tức từ Google mà không cần phải chờ bản tùy biến từ các nhà sản xuất.
Android 3.0 cho đến nay gần như giữ nguyên hệ thống và giao diện phần mềm mặc định như trên Motorola Xoom, LG Optimus Pad và một só thiết bị khác sử dụng vi xử lý tương tự.
Một số tùy biến nhỏ đã bắt đầu xuất hiện trên các mẫu như Galaxy Tab 8.9 và 10.1 mới của Samsung. Tuy nhiên, điều này có thể sẽ sớm chấm dứt khi Google áp dụng tiêu chuẩn chung về cả việc thay đổi phần cứng lẫn phần mềm để tiện cho việc cập nhập sau này.