Năm 1981, máy tính IBM PC ra đời và nhờ vào một quyết định kỳ lạ của IBM, nó đã trở thành cụ tổ của hầu hết máy tính và laptop ngày nay. Quyết định kỳ lạ ấy là thay vì tự làm mọi thứ (như các dự án trước đây của IBM) nhóm thiết kế quyết định thuê bên ngoài làm nhiều nhất có thể.
Điều này tạo ra một nền tảng mở cho phép các công ty khác tạo ra phụ kiện, viết phần mềm và thậm chí xây dựng cả một danh mục sản phẩm mang tên "Tương tích IBM PC". Vì IBM PC dùng bộ vi xử lý Inten (8088) và phần mềm của Microsoft (PC-DOS và Microsoft BASIC) nên cũng đánh dấu sự ra đời của người khổng lồ "Wintel".
Thị trường điện thoại di động chưa bao giờ có một khoảnh khắc "IBM PC". Có một khoảng thời gian ngắn mà khe cắm thẻ nhớ trên điện thoại được dùng như một cổng mở rộng. Bạn có thể bổ sung thêm camera, kết nối WiFi, bộ thu GPS... qua cánh cổng đó.
Nhưng thời kỳ đó qua rất nhanh và hầu hết smartphone ngày nay đóng kín hoàn toàn. Người dùng không còn có thể thay pin được nữa và số lượng smartphone có khe cắm thẻ nhớ cũng rất hiếm.
Project Ara ra đời với hứa hẹn mở ra kỷ nguyên mới cho smartphone, nơi mà người dùng có thể dễ dàng thay đổi, nâng cấp linh kiện khi cần. Nó được lấy cảm hứng một phần từ concept Phonebloks và bắt đầu dưới dạng một dự án bên trong Motorola Mobility thuộc sở hữu của Google. Trước đó, gã khổng lồ tìm kiếm đã mua lại một số bằng sáng chế liên quan tới điện thoại lắp ghép từ hãng Modu, nhà tiên phong về điện thoại mô-đun.
Tại MWC 2008, Modu đã gây ấn tượng mạnh với một chiếc điện thoại nhỏ bé có thể lắp thêm những chiếc "áo khoác" khác nhau. Ví dụ, Slim Jacket cung cấp các điều khiển đơn giản như điện thoại phổ thông, Boombox Jacket tích hợp loa âm thanh nổi. Modu thậm chí còn hợp tác với Bosch/Blaupunkt để tạo ra đầu đọc cho xe hơi để có thể đọc nhạc từ điện thoại.
Ý tưởng đằng sau Project Ara lại hoàn toàn khác. Google muốn phát triển một khung xương chính hay còn gọi là "endos". Đây sẽ là thành phần duy nhất mà Google/Motoroal phát triển. Một màn hình sẽ được gắn vào mặt trước trong khi mặt sau sẽ được dành cho các mô-đun mở rộng.
Ví dụ, người dùng có thể bổ sung dung lượng pin, thêm nhiều loa hơn... Các mô-đun cũng có thể thay thế ngay (hot-swappable) nên bạn có thể mang theo phụ kiện bổ sung trong túi và biến đổi chiếc điện thoại chỉ trong nháy mắt.
Theo kế hoạch, Project Ara sẽ có ba kích cỡ: nhỏ (khoảng kích thước của điện thoại Nokia 3310), trung bình (ngang Nexus 5) và lớn (ngang với Galaxy Note 3, sẽ ra mắt sau cùng). Khung xương càng lớn thì bạn càng có thể kết nối nhiều mô-đun hơn.
Với mức giá khởi điểm bạn sẽ nhận được một bộ starter bao gồm một khung xương với một CPU tốc độ thấp, pin dung lượng nhỏ, kết nối cơ bản và một mô-đun màn hình. Sau đó, bạn có thể mua thêm bất cứ mô-đun nào bạn muốn.
Với Project Ara trong tay, bạn có thể sao chép bất cứ xu hướng nào trên thị trường chỉ trong vài phút. Muốn có nhiều camera? Quá dễ. Muốn có thêm một màn hình ở mặt lưng? Quá đơn giản. Muốn có nút điều khiển game? Tại sao lại không?
Google đã mơ một giấc mơ lớn, đầy tham vọng. Họ thậm chí còn nghĩ tới chuyện kết nối các khung xương thành một chuỗi để gắn bao nhiêu mô-đun cũng được. Các phần của mô-đun sẽ được in 3D (bao gồm cả vỏ và linh kiện điện), điều này sẽ mở ra cách cửa cho hàng nghìn mô-đun được tùy chỉnh cao.
Thế nhưng chẳng tham vọng nào thành sự thật. Hệ thống in 3D và hệ thống nam châm thông minh để bảo vệ các mô-đun đã bị hủy bỏ. Cuối cùng, toàn bộ dự án Project Ara đã bị khai tử.
Một vài phần tàn dư của Project Ara được ứng dụng vào dự án MotoMods của Motorola. Chúng ta đã thấy các phụ kiện (mod) khác nhau như một camera Hasselblad, một máy in ảnh Polaroid, một gamepad và gần đây nhất là một modem 5G. Nhưng xét một cách toàn diện, MotoMods không bao giờ bằng được so với Project Ara.
Ở một thời điểm, bạn chỉ gắn được một MotoMods. Ngoài ra, điểm khác biệt là Motorola bán cho bạn một chiếc điện thoại hoàn chỉnh và không có khả năng hoán đổi các thành phần của nó. Trong khi đó, việc thay thế các mô-đun cũ hoặc bị hỏng cũng như cấu hình lại thiết lập cơ bản của điện thoại là trọng tâm của Project Ara.
Không chỉ ở thời điểm đó, những hứa hẹn mà Project Ara đưa ra hấp dẫn cả những người dùng smartphone hiện tại.
Đối với nhiều người, lý do duy nhất để mua một chiếc điện thoại mới là để có được một chiếc camera mới tốt hơn hoặc vì pin của chiếc điện thoại cũ không còn sử dụng được nữa. Với Ara, những vấn đề như vậy có thể được giải quyết nhanh chóng và tốn rất ít chi phí. Không có Ara, bạn phải bỏ ra rất nhiều tiền để nâng cấp điện thoại, một kiểu lựa chọn có tất cả hoặc chẳng có gì.
Đó cũng là lý do chính khiến Project Ara bị thất bại. Nếu dự án này thành công, người dùng sẽ thay đổi thói quen tiêu dùng. Thay vì bỏ ra số tiền lớn để nâng cấp cả chiếc điện thoại, giờ đây người dùng có thể nâng cấp, thay thế chỉ những mô-đun mà họ cảm thấy cần thiết. Điều này sẽ ảnh hưởng lớn tới doanh thu của các hãng smartphone cũng như chuỗi cung ứng phía sau.
Là một ý tưởng cực kỳ sáng tạo và có khả năng thay đổi toàn bộ ngành công nghiệp, Project Ara phải đối mặt với rất nhiều sự phản đối. Hầu hết các ông lớn trong ngành đều không ủng hộ ý tưởng này và làm mọi cách trong quyền hạn để Project Ara không thể thành công.
Một lý do khác khiến Ara chết yểu đó là thiếu công nghệ hỗ trợ. Ở thời điểm những năm 2013 đến 2016 và ngay cả bây giờ, Project Ara là một thứ gì đó đi trước thời đại. Sự hạn chế của công nghệ đã ngăn cản quá trình phát triển của dự án đầy tham vọng này.
Mong rằng trong những năm tiếp theo, khi công nghệ phụ trợ đủ trưởng thành, Google sẽ quay trở lại với ý tưởng này để mang tới cho người tiêu dùng một giải pháp có thể nói là toàn năng cho mọi hoàn cảnh.