Nhật Bản được coi là quê hương của một số nhà chế tạo thiết bị công nghệ cao (hi-tech) quy mô lớn trên thế giới. Tuy nhiên, thảm họa vừa qua đã khiến cho việc sản xuất ngừng trệ và đẩy giá các sản phẩm này tăng đột biến.
Thảm hoạ kép xảy ra liên tiếp ở Nhật Bản vào cuối tuần qua đã khiến cho việc sản xuất của các hãng lớn phải ngừng hoạt động và khả năng việc gián đoạn này sẽ phải mất vài tuần mới trở lại hoạt động bình thường.
Các công ty như Sony, Panasonic, Toshiba và Canon đều bị ảnh hưởng bởi sự cố này. Toshiba hãng sản xuất chip nhớ NAND lớn thứ ba trên thế giới cho biết, họ đang cố gắng khởi động lại nhà máy sản xuất chip ở Iwate, miền Bắc Nhật Bản để khôi phục lại nguồn cung cho thị trường chip nhớ.
Cho dù vậy, giá tại chỗ của dòng chip nhớ flash NAND 16-Gb cũng tăng mạnh 12,5% kể từ hôm 11/3 vừa qua, theo số liệu tại DRAMeXchange, thị trường giao ngay lớn nhất của Châu Á về chip nhớ.
Trong khi đó, ở các nơi khác, Canon cho biết ba nhà máy của họ bị thiệt hại nghiêm trọng trong trận động đất vừa qua. Các nhà máy này chủ yếu chế tạo màn hình LCD, ống kính và máy in phun. Điều này được dự báo sẽ ảnh hưởng tới nguồn cung cho thị trường màn hình LCD, máy ảnh, máy in trên thế giới, giá sẽ bị đẩy lên cao.
Ảnh hưởng ít nhiều tới Internet toàn cầu
Trong khi ngành công nghiệp công nghệ cao của Nhật Bản đang phải vật lộn sau thảm họa để có thể hoạt động trở lại thì nhiều cơ sở hạ tầng cố định đã “sống sót” khá nguyên vẹn. Các vùng biển quanh Nhật Bản được coi là trung tâm lớn của các loại cáp viễn thông dưới biển, chúng tạo thành một phần quan trọng của Internet toàn cầu. Vì vậy, việc thiệt hại của Nhật Bản ở phần cáp Internet dưới biển có thể ảnh hưởng ít nhiều tới Internet toàn cầu vào cuối tuần qua.
Theo Stephan Beckert, một nhà phân tích của tổ chức nghiên cứu viễn thông TeleGeography, một số tuyến cáp dưới biển đã bị hư hại do trận động đất vừa qua gây ra. Tất cả các sự cố gián đoạn đã xảy ra trên các nhánh cáp ở Ajigaura và các trạm mặt đất ở Kitaibaraki.
Tuy nhiên thật may mắn, hầu hết các đài truyền hình cáp của Nhật Bản ở phía Nam Tokyo đều hoạt động tốt. Điều đó có nghĩa rằng, phần lớn các dịch vụ Internet đã không bị ảnh hưởng nhiều bởi thảm họa này.
Trong khi đó các phần khác của cơ sở hạ tầng truyền thông của Nhật Bản đã bị hư hỏng. Hãng Viễn thông NTT (Đông Nhật Bản) cho biết, 879.000 đường điện thoại đã bị hỏng, đồng thời 475.4000 đường cáp quang cũng trong tình trạng tương tự.
Trong khi đó, hơn 11.000 trạm gốc không dây thuộc các hãng DoCoMo, KDDI và Softbank cũng không sử dụng được, theo báo cáo của Telegeography.