Cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu đang “bóp nghẹt” hoạt động của nhiều doanh nghiệp nhưng lại mở thêm cơ hội cho lĩnh vực gia công IT.
Cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu đã và đang ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của các doanh nghiệp CNTT. Một loạt các biện pháp đối phó khẩn cấp đã được đưa ra như cắt giảm nhân sự, tiết kiệm chi tiêu. Nhưng điều đáng chú ý là hầu hết các doanh nghiệp chỉ cắt giảm các chi phí và hoạt động trực tiếp, chỉ có một số rất nhỏ các doanh nghiệp tuyên bố cắt giảm quy mô của các hoạt động thuê ngoài và gia công (outsourcing). Nguyên nhân vì đâu?
Kết quả khảo sát 258 doanh nghiệp trong danh sách Global 2000 (2000 doanh nghiệp CNTT lớn nhất toàn cầu) do hãng Forrester Research vừa thực hiện đã cho thấy trong khi có đến 46% doanh nghiệp tuyên bố cắt giảm ngân sách cho CNTT thì chỉ có 21% doanh nghiệp tuyên bố cắt giảm chi tiêu cho dịch vụ CNTT. "Điều đáng giá nhất của một dịch vụ CNTT tốt là nó sẽ cho phép các doanh nghiệp hạ thấp chi phí, cải thiện các quá trình xử lý công việc và giúp cho các hoạt động sản xuất kinh doanh được trơn tru trong bất kỳ hoàn cảnh nào", Paul Roehrig - chuyên viên phân tích của Forrester phát biểu.
Suy thoái đang tạo thêm cơ hội cho ngành outsourcing |
Theo một báo cáo khác của hãng chuyên tư vấn trong lĩnh vực gia công phần mềm TPI, số lượng các hợp đồng gia công trên toàn thế giới đến thời điểm này đã tăng khoảng 5% so với năm 2007 nhưng tổng giá trị của các hợp đồng này lại tăng tới 19%. TPI dự tính, giá trị của thị trường gia công phần mềm toàn cầu trong năm 2008 sẽ đạt khoảng 88 tỷ USD, tăng 10% so với năm 2007. Đặc biệt giá trị của nhóm gia công các dịch vụ kinh doanh sẽ tăng khoảng 14% lên 22 tỷ USD.
"Quan điểm của chúng tôi là viễn cảnh của ngành này trong năm 2009 sẽ tương tự như năm 2008", Brian Smith - Giám đốc điều hành chi nhánh Bắc Mỹ của TPI phát biểu.
Tuy vậy, điều này không có nghĩa là lĩnh vực gia công và dịch vụ CNTT sẽ không có bất kỳ sự thay đổi nào trong năm tới. "Các bản hợp đồng sẽ vẫn được ký kết nhưng chúng sẽ không được tiến hành giống như bình thường", chuyên gia Roehrig của Forrester nói, "Các công đoạn hay lĩnh vực sẽ được lựa chọn kỹ lưỡng hơn trước khi chuyển sang cho các đối tác gia công". Còn David Etzler - Tổng giám đốc của OutsourceWorld đã đưa ra nhận định của mình trong Hội nghị thường niên của Hiệp hội các doanh nghiệp gia công phần mềm rằng hoạt động này sẽ "náo nhiệt" hơn trong năm tới nên quy mô của các bản hợp đồng sẽ thay đổi. Qua quá trình trao đổi với các Giám đốc Công nghệ Thông tin (CIO), David Etzler nhận thấy rằng hầu hết các lãnh đạo đều có xu hướng phân nhỏ các hợp đồng cho nhiều nhà thầu khác nhau để tránh rủi ro đồng thời tận dụng một cách tối đa sở trường của từng nhà thầu trong từng công đoạn khác nhau.
Lợi ích quan trọng nhất của việc chia nhỏ hợp đồng này là các doanh nghiệp sẽ có cơ hội thương lượng riêng với từng nhà thầu để đạt được một thỏa thuận có lợi nhất cho họ. "Các lãnh đạo hiểu rằng họ đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất từ thời kỳ Đại khủng hoảng (1929) đến nay nên nếu có cơ hội để giúp cho doanh nghiệp của họ giảm thiểu chi phí và tồn tại qua được giai đoạn này, họ sẽ làm tất cả để đạt được mục đích", chuyên gia Roehrig kết luận.