Các bài đăng, thông tin chứa đầy quảng cáo luôn bám theo bạn ở bất cứ ngõ ngách nào trên internet nói chung và trên các trang mạng xã hội nói riêng. Đặc biệt, những thông tin quảng cáo này nhiều khi lại phù hợp đến mức khiến bạn nghĩ rằng các công ty như Facebook và Google sở hữu một năng lực siêu nhiên nào đó có thể đọc được suy nghĩ của mình. Nhưng thực ra thì chẳng có phép màu nào ở đây cả, các công ty này chỉ đơn giản là sử dụng những thuật toán phức tạp để phân tích cũng như khai thác các hoạt động trực tuyến của bạn, theo dõi từng động thái để từ đó đưa ra những gợi ý chính xác phục vụ cho nhu cầu của bạn.
Trong bối cảnh mà cơn khát đối với dữ liệu người dùng trong thế giới công nghệ đang ngày càng trở nên nghiêm trọng như hiện nay, việc sử dụng thuật toán để thu thập dữ liệu và bán quảng cáo được cho là phương án tối ưu đối với các nhà cung cấp dịch vụ trực tuyến lớn như Facebook hay Google.
Vì vậy, đừng quá ngạc nhiên khi lần tới bạn nói chuyện riêng với người thân của mình về một nhãn hiệu tai nghe nào đó định mua chẳng hạn, bạn ngay lập tức thấy một vài bài quảng cáo cho chính mẫu tai nghe đó xuất hiện trên News Feed Facebook của mình bởi đơn giản, tất cả đã nằm trong “tính toán” của các nhà cung cấp dịch vụ rồi!
Vậy thì các thuật toán kiểu này được xây dựng như thế nào mà lại có thể sở hữu năng lực cao siêu đến mức đọc được suy nghĩ của người dùng? Theo Tristan Harris, cựu chuyên gia thiết kế thuật toán tại Google, kiêm hacker mũ trắng kỳ cựu và đồng sáng lập của Center for Humane Technology, thì các công ty như Facebook và Google không chỉ nhận được những dự đoán với độ chính xác cao về các quyết định tiếp theo của bạn, mà còn có thể hiểu bạn đủ rõ để giúp các thuật toán của họ đi đến cùng một kết luận, bằng cách phân tích và suy luận từ sở thích và thị hiếu của bạn (đã được thu thập trước đó), hoặc bằng cách ngoại suy các mẫu dữ liệu về hành vi của những người dùng khác (những người đã từng mua mặt hàng mà bạn đang để ý), ngay cả trước khi bạn tiếp cận được với họ.
Công bằng mà nói thì loại công nghệ phân tích dữ liệu người dùng này thực sự mang lại những kết quả ấn tượng. Tuy nhiên khi các nền tảng truyền thông xã hội như Facebook và YouTube đang có dấu hiệu biến tướng trở thành công cụ bạo lực ở các nước đang phát triển và đồng thời đóng vai trò như những “bộ khuếch đại” cho kẻ cực đoan đang tìm cách truyền bá tư tưởng, hành vi khủng bố như hiện nay, các nhà cung cấp dịch vụ lớn nên ngồi lại một cách nghiêm túc và bàn luận về vấn đề này, cũng như xem xét kỹ lưỡng đến những hậu quả khó có thể lường trước được.
Tuy nhiên, vấn đề lớn hơn lại nằm ở mô hình kinh doanh của chính các công ty này. Hiệu suất và giá trị cổ phiếu của họ tỷ lệ thuận với hiệu quả của việc nhắm mục tiêu đến lĩnh vực quảng cáo, trong đó điều này lại phụ thuộc nhiều vào khả năng của các sản phẩm trong việc thu hút sự chú ý từ người dùng. Như vậy thách thức đối với các nhà cung cấp dịch vụ ở đây là phải làm thế nào để đảm bảo sự cân bằng giữa tính hữu dụng và những rủi ro về mặt dữ liệu riêng tư.
Trên thực tế, các mối đe dọa ngày một gia tăng từ những nền tảng internet đã đặt không chỉ các cá nhân mà đồng thời cả các nhà hoạch định chính sách vào tình huống mà trong đó những sự thay đổi lớn có lẽ sẽ phải được đưa ra. Suy cho cùng thì những công ty cung cấp dịch vụ quảng cáo trên internet như Google và Facebook phát triển mạnh như hiện nay là nhờ vào việc sử dụng thuật toán tinh vi để dự đoán và phân tích hành vi của người dùng, từ đó mang đến những thông tin quảng cáo phù hợp nhất.