Đừng tắt PC Windows của bạn khi không thực sự cần thiết

Nhiều người có thói quen tắt hoàn toàn PC Windows của mình môi khi không sử dụng dù chỉ là trong một khoảng thời gian ngắn để “tiết kiệm điện”. Nếu cũng có thói quen này, bạn có thể đang tự làm phiền mình một cách không cần thiết.

Trên các phiên bản Windows mới như Windows 10 và Windows 11, Microsoft đã tích hợp khá nhiều tính năng giúp tối ưu hóa điện năng hiệu quả hơn khi thiết bị trong trạng thái nghỉ. Do đó, bạn hoàn toàn chẳng cần phải tắt - bật máy liên tục cho mất thời gian. Cùng tìm hiểu sâu hơn về vấn đề này ngay sau đây.

Nếu bạn muốn tiết kiệm điện, hãy đưa thiết bị vào chế độ ngủ

Hầu hết chúng ta đều sẽ tắt máy tính của mình vào cuối ngày khi sử dụng xong. Đây là điều hợp lý bởi nếu bạn không sử dụng trong một thời gian dài, bạn nên tắt máy để tiết kiệm điện, giảm hao mòn hoặc rủi ro bảo mật.

Nhưng nếu bạn chỉ tạm dừng sử dụng trong vài tiếng để đi ra ngoài hoặc nghỉ trưa… Nên đặt PC Windows của mình ở chế độ ngủ. Khi đó, PC của bạn sẽ chỉ sử dụng một phần rất nhỏ điện năng so với mức tiêu thụ bình thường khi thức, và quan trọng hơn hệ thống sẽ sẵn sàng trở lại công việc một cách nhanh chóng khi bạn cần sử dụng.

Nếu sử dụng máy tính xách tay, bạn có thể đặt thiết bị vào chế độ ngủ nhanh chóng bằng cách gấp màn hình lại, hoặc nhấn nút “sleep” vật lý (nếu có).

Để đưa máy tính để bàn vào chế độ ngủ, hãy mở menu Start và nhấp vào Power. Trong Windows 10, nút này sẽ ở bên trái, trong thanh sidebar của menu Start. Đối với Windows 11, bạn sẽ tìm thấy nó ở góc dưới bên phải của menu Start. Trong cửa sổ bật lên xuất hiện, hãy chọn “Sleep”.

Đưa thiết bị vào chế độ ngủ

Ngoài ra, bạn cũng có thể sử dụng chế độ “ngủ đông” (hibernate) có sẵn trên một số PC. Hibernate lưu trạng thái hiện tại của PC (chẳng hạn như nội dung bộ nhớ đang hoạt động) vào đĩa cứng hoặc SSD sau đó tắt nguồn. Khi bạn bật lại PC, Windows sẽ tải dữ liệu đã lưu đó ra khỏi ổ cứng và tiếp tục phiên làm việc như bình thường.

Một số người cũng có thể muốn tắt PC của họ để giảm thiểu nguy cơ bị tấn công, hoặc khiến PC của họ trở thành “zombie” trong các cuộc tấn công DDOS. Lo lắng này là có cơ sở. Nhưng nếu PC của bạn ở chế độ ngủ hoặc ở ngủ đông, tin tặc từ xa thường không thể truy cập vào hệ thống.

Tắt máy thường xuyên chỉ làm lãng phí thời gian

Nói về sự bất tiện, mỗi khi bạn tắt hoàn toàn PC, đồng nghĩa bạn đang tự làm lãng phí thời gian ở lần bật máy tiếp theo. Đó là do PC sẽ phải khởi động lại, có nghĩa là cần tải lại hệ điều hành vào bộ nhớ từ đầu và điều này sẽ mất thời gian.

Bạn cũng có thể sẽ cần thời gian để khởi chạy lại tất cả các ứng dụng mà mình đang sử dụng và tải dữ liệu bên trong chúng về vị trí mà mình đang làm việc.

Thay vào đó, nếu bạn đặt PC của mình ở chế độ ngủ, mọi thứ — hệ điều hành, ứng dụng, dữ liệu công việc — sẽ sẵn sàng hoạt động nhanh chóng khi bạn đánh thức hệ thống. Bạn sẽ tiết kiệm cho mình những phút giây quý giá và không gặp rắc rối. Ngoài ra, PC đang ngủ cũng có thể tự động đánh thức để thực hiện cập nhật phần mềm nếu cần.

Khi nào bạn nên tắt máy?

Tuy nhiên, đôi khi tắt hoàn toàn PC cũng là việc cần thiết. Ví dụ: nếu bạn biết mình sẽ không sử dụng PC trong một khoảng thời gian đáng kể, chẳng hạn như vài ngày, một tuần, một tháng hoặc lâu hơn, thì tốt nhất bạn nên tắt nó đi.

Tắt máy

(Nếu bạn không sử dụng thiết bị trong nhiều tháng, hãy cân nhắc rút phích cắm để bảo vệ hệ thống khỏi hư hại khi bị sét đánh hoặc các loại hình rủi ro chập, cháy khác).

Một tình huống khác mà việc tắt hoàn toàn có thể hữu ích là trong quá trình khắc phục sự cố. Khi bạn bật máy, Windows sẽ buộc phải khởi động lại tất cả các ứng dụng đang chạy, giúp bạn có một “khởi đầu mới”.

Thứ Năm, 27/01/2022 00:26
360 👨 21.931
1 Bình luận
Sắp xếp theo
  • Xuân Hoàng Vũ
    Xuân Hoàng Vũ để ngủ máy có hại không admin?
    Thích Phản hồi 21/01/22
    ❖ Chuyện công nghệ