Báo Ngôi sao Toronto ngày 10/4 cho biết doanh số máy tính cá nhân (PC) toàn cầu trong quý 1 đã giảm 14%, mức giảm cao nhất kể từ năm 1994 khi khách hàng lựa chọn điện thoại thông minh và máy tính bảng thay vì hệ điều hành mới nhất của Tập đoàn Microsoft.
Theo báo cáo mới nhất của Tập đoàn dữ liệu quốc tế (IDC), doanh số PC toàn cầu trong quý 1 là 76,3 triệu chiếc. Các công ty sản xuất PC chứng kiến sự sụt giảm ở khắp các khu vực trên thế giới, khi các doanh nghiệp lựa chọn cài đặt hệ điều hành Windows 7 của Microsoft cho máy tính của các nhân viên thay vì hệ điều hành Windows 8 mới hơn.
Ông Jay Chou, một nhà phân tích của IDC, cho biết khách hàng đã xa lánh Windows 8 để chọn điện thoại thông minh và máy tính bảng, có thể thực hiện nhiều tính năng tương tự.
Ông Chou nói: "Chúng ta không có nhiều lý do để lạc quan rằng thị trường PC sẽ tiếp tục khởi sắc. Người tiêu dùng thấy giao diện cho người sử dụng của Windows 8 bị mất phương hướng và giá của các loại máy tính có màn hình cảm ứng kích hoạt chạy phần mềm này vẫn quá cao."
Tại Mỹ, doanh số PC trong quý 1 năm nay giảm 12,7%, xuống còn 14,2 triệu chiếc, mức thấp nhất kể từ quý 1/2006. Tại châu Âu, Trung Đông và châu Phi, mức sụt giảm doanh số cũng cao hơn dự đoán. Nhu cầu về PC của người tiêu dùng đang chuyển sang máy tính bảng và những thiết bị khác, trong khi việc sử dụng Windows 8 và các thiết bị màn hình cảm ứng vẫn thấp.
Thị trường Nhật Bản có một chút cải thiện nhờ sự gia tăng nhu cầu thay thế PC trước khi kế hoạch hỗ trợ Windows XP dự kiến kết thúc vào năm tới. Doanh số PC tại thị trường châu Á-Thái Bình Dương, trừ Nhật Bản, sụt giảm kỷ lục, tới 12,7%. Đây là lần đầu tiên, doanh số PC tại khu vực này bị sụt giảm hai con số và việc đón nhận Windows 8 tiếp tục diễn ra một cách hờ hững.
Trong số các công ty sản xuất PC, Hewlett-Packard (HP) vẫn đứng đầu với thị phần 15,7%, bất chấp việc doanh số toàn cầu của họ giảm 23%. Lenovo đứng thứ hai với thị phần 11,7% và đang thu hẹp khoảng cách với HP nhờ một chiến lược tích cực và ấn tượng. Lenovo là công ty duy nhất có doanh số bán máy tính tăng trưởng hai con số tại thị trường Mỹ, tuy nhiên, doanh số máy tính của công ty này lại sụt giảm tại những thị trường khác, trong đó có khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Nằm trong tốp 5 công ty sản xuất PC hàng đầu thế giới còn có Dell, Acer và Asus.
Trừ Lenovo, các công ty sản xuất PC khác như Hewlett-Packard và Dell đang tái cơ cấu để thích nghi với sự thay đổi của thị trường.