Doanh số điện thoại di động bán ra hàng quý của Motorola sụt giảm 50%. Điều đáng lo ngại nhất trong thời gian tới của một trong những nhà sản xuất điện thoại di động hàng đầu thế giới này là chưa hề có bản phác thảo ý tưởng cho một “chú dế” mới.
Smartphone Q9c của Motorola vẫn chưa thể tỏa sáng trên thị trường ngày càng khốc liệt |
Tuần trước, Motorola thông báo cắt giảm 4.000 nhân sự, 3000 công nhân trong số đó thuộc đơn vị sản xuất điện thoại di động của hãng này. Doanh số điện thoại di động bán ra trên toàn thế giới của Motorola trong quý IV năm 2008 chỉ đạt 19 triệu, bằng 1/2 tổng doanh số so với cùng kỳ năm 2007. Động thái cắt giảm nhân công này mới được quyết định sau khi “chú dế” siêu mỏng Razr, trình làng hồi năm 2004, của hãng này bị iPhone của Apple tước mất ngôi vị “chiếc điện thoại bán chạy nhất trên thị trường nội địa Mỹ” vào tháng 11 năm 2008.
Thất bại trong việc chạy đua
Những gì đang diễn ra với Motorola vẫn chỉ là một câu chuyện cũ bởi hãng này không hề có một chiến lược marketing lâu dài kể từ khi sa thải CEO Ed Zander vào cuối năm 2007 và Giám đốc marketing Kenneth C. "Casey" Keller Jr. một vài tháng sau đó. Những sự ra đi này được giới chuyên môn đánh giá là “những tổn thất nặng nề” về mặt nhân sự. Bên cạnh đó, khâu sản xuất của công ty này cũng không có gì đặc biệt đáng nói khi chỉ tung ra quá nhiều sản phẩm hao hao giống nhau với những mức giá ngang bằng nhau. Rõ ràng, Motorola đã thất bại trong việc chạy đua “model” với các đối thủ khác trên thị trường smartphone vẫn còn rộng lối.
Yếu tố tiên quyết giúp Motorola thoát khỏi tình cảnh hiện nay đó là phải thành công trong cuộc chiến trực tiếp với iPhone của Apple. Hãng phải tung ra ít nhất 2 “chú dế” có thể đánh bại không chỉ Apple mà còn Research in Motion với Black Berry, Samsung và một vài nhà sản xuất khác như Palm chẳng hạn. Ấy vậy mà, Motorola vẫn say sưa với chiến thắng của Razr bất chấp nhiều lời cảnh báo của các chuyên gia phân tích. Bà Avi Greenhart, một nhà phân tích của hãng Current Analysis, nhận định: “Dường như họ đang đi theo con đường từ một chiếc điện thoại giá 400 USD đến… không gì cả. Motorola hiện vẫn chưa có gì để thay thế Razr”. Còn Matt Thornton, một chuyên gia đến từ hãng Avian Securities, kết luận: “Họ cần cạnh tranh nhiều hơn nữa trong phân khúc điện thoại thông minh”.
Smartphone giờ là hạng mục phát triển nhanh nhất trong ngành sản xuất điện thoại di động trong khi đó những chiếc điện thoại đa tính năng, lấy Razr là ví dụ, ngày càng trở nên thông dụng hóa và chưa hề được phân hóa.
Model Q như muối bỏ bể
Vào thời điểm này, Motorola mới chỉ rón rén tung ra "Q", smartphone mới nhất của hãng, mà theo nhận xét của các chuyên gia thì "chú dế này chẳng có thêm nhiều tính năng, thiết kế cũng chẳng đẹp hơn chút nào. Người tiêu dùng chẳng có lý do gì mà mua nó cả”.
Motorola từ chối bình luận.
Cải tổ công tác quản lý
Đồng thời, các nhà phân tích cho biết Motorola cũng cần thắt chặt công tác quản lý của hãng, đặc biệt là trong việc phân phối hàng hóa. Ông Thornton nhận định: “Đó phải là một sự cải tổ hoàn toàn nếu Motorola muốn tồn tại lâu dài trên thị trường sản xuất điện thoại di động. Giờ không còn chỗ cho những lỗi lầm nữa rồi trong khi thành công là điều mà không ai dám chắc”.
Thực hiện nhiệm vụ này rõ ràng là tạo nên những cơn gió ngược về mặt kinh tế nhưng đảm bảo sẽ có tác dụng dài hạn. Cũng giống như vậy, các đối thủ khác của Motorola, trong đó có Nokia - nhà sản xuất điện thoại di động lớn nhất thế giới, và Sony Ericsson, đều chọn biện pháp cắt giảm nhân sự hồi cuối năm ngoái. Tuy nhiên, những ông trùm trong phân khúc handset này chắc chắn không chịu giẫm chân tại chỗ, hài lòng với những model hiện có. Điều quan trọng để Motorola có thể đứng vững và tiếp tục cạnh tranh là cho ra đời một “chú dế” có tác dụng thúc đẩy và đột phá.