Samsung được tin rằng sẽ cài sẵn phần mềm diệt virus của hãng Lookout trên loạt điện thoại Android sắp công bố.
Các phần mềm tìm diệt virus đã xuất hiện hàng thập kỷ nay trên máy tính. Tuy nhiên, chúng sẽ sớm trở thành phổ biến trên thiết bị di động khi mà Samsung, hãng sản xuất smartphone lớn nhất thế giới, dự kiến tuyên bố cài đặt sẵn phần mềm diệt virus trên loạt điện thoại Android sắp công bố.
Theo Thời báo Phố Wall, động lực khiến Samsung bắt tay với các hãng bảo mật chính là thực tế điện thoại đang trở thành những chiếc máy tính luôn nối mạng, đối mặt với hàng ngàn mối đe dọa từ virus. Tin tặc đã tìm ra nhiều cách để đánh cắp dữ liệu doanh nghiệp từ thiết bị di động.
Về lý thuyết, phần mềm diệt virus và các chương trình tương tự có thể ngăn mọi người tải về các ứng dụng nhiễm độc hay ghé thăm các trang web nguy hiểm. Động thái của Samsung không chỉ nhằm bảo vệ người dùng cá nhân mà còn tập trung vào khách hàng doanh nghiệp, những người đang mang điện thoại riêng đến nơi làm việc. Gần đây, công ty giới thiệu tính năng mới cho phép cô lập dữ liệu kinh doanh nhạy cảm với phần còn lại của điện thoại. Việc thêm vào phần bổ trợ Lookout là một phần của gói này.
Các gã khổng lồ của giới bảo mật như Symantec, Kaspersky và Trend Micro đều đã tung ra bộ ứng dụng di động riêng trong vài năm qua. Lookout hiện có 45 triệu người dùng. Trend Micro có hơn 20 triệu người dùng tại Mỹ, còn Kaspersky mới có hơn 1 triệu lượt tải về. Hai nhà mạng Mỹ là Sprint và T-Mobile cũng chuẩn bị hợp tác với Lookout.
Dù vậy, không phải ai cũng cho rằng cần có ngành bảo mật cho di động, dù nhiều lo ngại về an ninh đã được đặt ra cho Android, nền tảng di động phổ biến nhất hiện nay. Google đã thêm vào một vài tính năng bảo mật cho Android, bao gồm cả phương thức quét ứng dụng mới. “Không có nguy cơ đáng kể về việc người dùng đang bị đe dọa”, Adrian Ludwig – kĩ sư an ninh mạng của Android cho biết.
Bất chấp điều này, một vài con số ngay sau đây có thể phản bác lại lập luận của Ludwig: Hãng bảo mật Trustwave (Mỹ) đã khám phá ra 200.000 loại mã độc cho hệ sinh thái Android vào năm 2012, tăng từ 50.000 của năm trước đó. iPhone của Apple cũng gặp phải virus song không nhiều như Android vì có thị phần nhỏ hơn và Apple kiểm soát các ứng dụng trên thiết bị nghiêm ngặt hơn.
Theo báo cáo của Cục an ninh nội địa Mỹ và FBI, trong năm 2012 có 79% mã độc nhắm vào người dùng Android trong khi chỉ có 0,7% nhắm vào iPhone.
Xu hướng mang điện thoại cá nhân tới nơi làm việc bộc lộ những đe dọa tiềm tàng tới bản thân doanh nghiệp khi nhiều nhân viên sử dụng ứng dụng không được phê duyệt, có thể làm lộ dữ liệu quan trọng. Song, cài đặt ứng dụng diệt virus cũng có nhược điểm: Chúng cần kết nối tới máy chủ của công ty an ninh mạng để kiểm tra nên gây ra hao pin nhanh chóng. Ngoài ra, chúng thường dựa vào một danh sách nguy cơ có sẵn, đồng nghĩa với việc thường không phát hiện được virus mới. Do đó, các hãng đang phát triển phần mềm có thể phát hiện những chương trình “hoạt động” như virus trên máy, dù chúng chưa từng được khám phá trước đó.