Một năm qua, bằng những phương thức kinh doanh như khuếch trương, khuyến mại, chăm sóc khách hàng, dịch vụ điện thoại giá rẻ VoIP đã và đang là tâm điểm hướng tới của các doanh nghiệp cung cấp giành thị phần.
Đến thời điểm này, đã có 6 doanh nghiệp được cấp phép cung cấp dịch vụ VoIP trong nước và quốc tế. Doanh nghiệp được phép thử nghiệm dịch vụ VoIP đầu tiên tại Việt Nam là Công ty điện tử Viễn thông quân đội (Viettel) đã mở được tại 36 tỉnh, thành với mã gọi 178 vào tháng 10/2001. Cũng trong năm 2001, Tổng công ty Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) cũng đã chính thức đưa vào cung cấp dịch vụ đường dài giá rẻ VoIP với mã gọi 171, Công ty cổ phần dịch vụ Bưu chính Viễn thông Sài Gòn (SPT) cũng đã triển khai tới 26 tỉnh, thành với mã gọi 177.
Năm 2004, thêm ba doanh nghiệp mới chính thức cung cấp dịch vụ là Công ty Viễn thông điện lực (VP Telecom) mã gọi 179 tại 25 tỉnh, thành; Công ty Viễn thông hàng hải (Vishipel) mã gọi 175 là 8 tỉnh, thành và Công ty cổ phần Viễn thông Hà Nội (HaNoi Telecom) với mã gọi 172 ở 9 tỉnh, thành.
Ngoài VNPT đã hoàn thành việc đưa dịch vụ gọi 171 đường dài đã được mở tại tất cả các tỉnh, thành trong cả nước chỉ sau hai năm cung cấp (1/7/2001 - 22/9/2003), trong kế hoạch mở rộng phạm vi cung cấp dịch vụ, dự kiến năm 2005, Viettel, VP Telecom sẽ phủ sóng hoàn toàn trên phạm vi toàn quốc; SPT sẽ là khoảng 40 tỉnh, thành. Sinh sau đẻ muộn hơn cả, Hanoi Telecom dự kiến sẽ phát triển thêm ở 10 tỉnh, thành nữa.
Mới không có nghĩa là hết ưu thế!
Mặc dù mới chỉ triển khai trong năm 2004, song những doanh nghiệp được gọi là mới hơn cũng đã sớm tính đến chuyện giành thị phần dịch vụ. Với ưu thế không phải đầu tư nhiều do được chạy trên mạng của VNPT nên các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ đã không ngừng tận dụng những lợi thế của mình.
Lợi thế của các doanh nghiệp còn được thể hiện trong chính sách về quản lý giá, cước. Bộ BCVT đã có định hướng để cước thu khách hàng của các doanh nghiệp mới thấp hơn so với doanh nghiệp chủ đạo là Tổng công ty Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) và được chủ động quyết định giá cước.
Như trong lĩnh vực kinh doanh dịch vụ điện thoại VoIP đường dài, Công ty Viễn thông quân đội Viettel đã tận dụng ưu thế được cấp phép sớm trước VNPT 9 tháng và được áp dụng mức cước thấp hơn nhiều so với cước PSTN và đã thực hiện hàng loạt chính sách khuếch trương dịch vụ, tiếp thị trực tiếp, khuyến mại với giá trị lớn.
Không chỉ có dịch vụ đường dài trong nước, nhằm mục đích điều tiết, phân chia thị trường để đảm bảo thị phần cho doanh nghiệp mới, cũng đã có nhiều chính sách điều tiết trực tiếp dịch vụ VoIP quốc tế dưới hình thức cấp hạn mức thị phần cho từng doanh nghiệp được thực hiện.
"Phá rào" để cạnh tranh?
Theo đánh giá của các chuyên gia viễn thông, chiến lược cạnh tranh của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ VoIP về cơ bản cạnh tranh trước hết vẫn dựa vào giá cước, quảng cáo, khuyến mại, tiếp thị và chăm sóc khách hàng. Họ áp dụng các mức cước thấp, các chương trình khuyến mại hấp dẫn, quảng cáo ấn tượng, tiếp thị và bán hàng tận nhà cộng với thái độ và chất lượng chăm sóc khách hàng tận tình, và đặc biệt chủ yếu tập trung vào các thị trường lớn.
Tuy nhiên, cũng theo đánh giá của các chuyên gia, ngoài những phương thức cạnh tranh lành mạnh như áp dụng mức cước thấp, khâu tiếp thị và chăm sóc khách hàng của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ VoIP tốt, hiện đã có hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh trong cuộc chạy đua giành thị phần, thể hiện ở các hoạt động tiếp thị, sử dụng quảng cáo bằng hình thức so sánh trực tiếp, không kể một số trường hợp còn phá rào, tự động giảm cước thanh toán quốc tế VoIP xuống dưới mức sàn quy định của cơ quan quản lý Nhà nước. Điều này đã gây ảnh hưởng ít nhiều đến các doanh nghiệp kinh doanh đúng luật.
Mặc dù đã có những động thái mang tính hai chiều như vậy, song, theo nhận định, những ưu điểm về giá rẻ hơn so với dịch vụ gọi đường dài thông thường, kinh phí đầu tư ít, triển khai nhanh lại đem đến lợi nhuận cao, khiến dịch vụ VoIP vẫn sẽ là tâm điểm mà tất cả các doanh nghiệp khai thác hướng tới trong năm 2005.
Tính đến hết tháng 11/2004, tỷ trọng VoIP quốc tế giữa các nhà khai thác dẫn đầu là VNPT với thị phần 36,72%, tiếp đó là SPT chiếm 22,31%, Viettel đạt 20,11%, VP Telecom chiếm 12,93%, Vishipel chiếm 12,93% và cuối cùng là HaNoi Telecom chiếm 4,53%. Theo số liệu thống kê, lưu lượng điện thoại VoIP quốc tế chiều đến của Việt Nam đang gấp 10 lần lưu lượng chiều đi. Riêng VNPT, Tổng sản lượng điện thoại quốc tế luỹ kế từ đầu năm đạt khoảng 477,25 triệu phút trong đó VoIP chiếm 56,55%, điện thoại quốc tế truyền thống phương thức IDD chiếm 43,45%. Theo đánh giá, mặc dù vẫn chiếm thị phần cao hơn cả song dịch vụ gọi 171 quốc tế của VNPT đã và đang phải chịu sự cạnh tranh rất gay gắt với 5 doanh nghiệp còn lại. Theo một lãnh đạo của VNPT, từ thực tế cạnh tranh ngày càng mạnh về thị phần dịch vụ điện thoại VoIP, để giữ khách hàng và phát triển thị phần, giá, cước vẫn sẽ là yếu tố ưu tiên trong các hoạt động cạnh tranh. Điều này cũng đi kèm với việc sẽ đa dạng hoá các loại giá cước hơn nữa. |