Một hội trại với trên 1.300 bạn trẻ ở độ tuổi mười tám đôi mươi và gần 30 gian trưng bày với đủ các kiểu thiết kế. Tuy nhiên, khác với những nơi khác, ở ngày hội này đi đến đâu người ta cũng thấy các bạn trẻ ngồi lóc cóc gõ máy tính, rồi lại í ới gọi nhau bằng những cái tên lạ: nào là Thatwhy, Tẹc 3, Kiến vàng, Đông Giuăng đờ Mác cô (Don_Juan_De_Marco) rồi Miu_miu, Thiếu I ốt...
Một ngày cuối tháng hai vừa qua, mạng Trái Tim Việt Nam Online (TTVNOL) đã làm “chấn động” cộng đồng cư dân mạng bằng một ngày hội offline (*) lớn nhất, hoành tráng nhất từ trước đến nay. Sau đại hội lần đầu tiên vào năm 2002 và hàng trăm cuộc offline nhỏ của các box (một nhóm những người sinh hoạt cùng một chủ đề), các thành viên TTVNOL phải ròng rã chờ đợi gần hai năm mới lại được cùng nhau tay bắt mặt mừng, gặp gỡ những người chỉ quen biết... bàn phím.
Mới tờ mờ sáng, các thành viên ở Hải Phòng, Nam Định, Nghệ An đã có mặt tại Hà Nội. Đó còn là những người lặn lội từ TP.HCM, Đà Nẵng ra để góp mặt như Thatwhy, lonesome, luanvn, otdo, lemebe... Thậm chí cả các thành viên xa xôi đang sinh sống và học tập ở Mỹ cũng có mặt tại ngày hội như StevenSoma, Tequila... đã ăn dầm nằm dề ở Hà Nội từ vài ngày trước.
Khi cổng công viên Hồ Tây mở cửa thì cũng là lúc “bà con” lập tức ào vào nhận địa điểm được phân trước và lao vào trang trí. Dù đang thời kỳ “dầu sôi lửa bỏng” nhưng “đàn gà” của Box Gà 1981 cũng liều mình xuất hiện bằng cách mang những lọn rơm vàng óng để trang trí cho cái “ổ” của mình. Box Du Lịch “hoành tráng” với việc trưng bày bộ sưu tập ảnh trong các chuyến đi của thành viên, những chiếc xe “cào cào” oai dũng, cùng một màn hình lớn chiếu những cuốn băng tài liệu do chính thành viên quay trong những cuộc du hí.
Box Kiếm Hiệp trang trí dòng chữ “Kiếm vô tình - Người hữu tình” theo lối thư pháp tiếng Việt ngay cửa ra vào gian hàng, mang đặc trưng không lẫn vào đâu được. Trong gian hàng thì họ “bán chữ” Nho và Việt cho những ai có nhu cầu “mua chữ”... Nhưng đi sâu vào trong cốc thì không khí tĩnh lặng quá, ai cũng phải lần dò từng bước bởi nhỡ ra đạp nhằm cơ quan mật thất hoặc giả sập bẫy của Tuyệt tình cốc thì toi. Cũng may không có vị cao nhân nào bày biện ma trận cả.
Xa hơn trong góc tối tăm nhất của ngày hội thấy người ta xúm đông xúm đỏ vào, cứ ngỡ đây chắc là box tình bạn, tình yêu hoặc giả là box giáo dục giới tính nhưng đó lại là box thiên văn học, ai cũng được xem thử cái kính ngắm. Box MFC (movies fan club) thì hoành tráng với máy chiếu, đĩa phim, poster treo và dán đầy tường. Đã thế các “bác” này còn lôi ở đâu ra một băngrôn quảng cáo phim Người hùng về trang trí cho “oách” nữa chứ.
Ở một góc khác, các reporter tình nguyện đang lóc cóc gõ bài tường thuật trực tiếp lên mạng để mang hơi ấm ngày hội offline cho hàng chục ngàn thành viên khác trên khắp thế giới không có điều kiện tham gia. Riêng về cái khoản này thì chắc chắn đây là ngày hội đầu tiên ở VN được “trực tuyến”.
Đặc biệt, tại ngày hội, với sự giúp đỡ của Nhà xuất bản Hội Nhà Văn, ban tổ chức đã phát hành cuốn sách đầu tiên của thành viên TTVNOL là tập thơ Phố giao mùa, bao gồm 99 bài thơ được tuyển chọn từ hàng nghìn bài của 56 tác giả là các thành viên mạng.
Làm cật lực để trang trí, chế biến, bày biện cả buổi sáng, ăn chơi, nhảy múa, hỏi thăm nhau suốt từ chiều đến tối, cư dân của TTVNOL kết thúc ngày hội bằng một buổi văn nghệ ra trò với nhiều bất ngờ. Có người nhận ra cái nick Nguyetca và Lannguyen đang hát trên sân khấu chính là hai “ca sĩ” hay hát ở quán Nhạc Tranh những buổi tối thứ tư, còn nick MTMH đang chơi violon chính là một cây violonist của Dàn nhạc giao hưởng Việt Nam... Rồi “ca sĩ” hát hay và đẹp chẳng kém gì Hồng Nhung là nick Gungcay có những bài viết đầy tính “chiến đấu” trên mạng...
Từ ảo đến thực quả không quá xa xôi, khi mà họ - những thành viên mạng - đang ngày càng có xu hướng mở rộng các mối quan hệ cũng như những hoạt động thiết thực ngoài cuộc sống. Phía sau những chiếc nick, phía sau bàn phím là cả một thế giới phong phú và nhiều ý nghĩa, đôi khi gây bất ngờ cho tất cả chúng ta.
---------------------------------------------------
(*) Những buổi sinh hoạt của các thành viên mạng ngoài cuộc sống.