Mặc dù tỉ giá USD liên tục tăng trong thời gian qua, thế nhưng thị trường giá di động tại Việt Nam trong quý I/2011 vẫn không thay đổi, thậm chí một số sản phẩm còn giảm giá.
Nhiều mẫu máy giảm giá
Khi tỉ giá USD được điều chỉnh tăng lên, hàng công nghệ do là hàng nhập khẩu nên đã phải chịu ảnh hưởng trực tiếp. Rất nhiều mặt hàng công nghệ trong nước đã tăng giá trong thời gian qua, đáng kể như máy tính để bàn, người dùng phải mất thêm từ 800 ngàn đến 1 triệu đồng để mua chúng, hay một số mặt hàng laptop cũng tăng thêm 400-600 ngàn... Thế nhưng, ở mặt hàng điện thoại di động giá lại diễn biến theo chiều ngược lại, không những không tăng giá mà ở một số sản phẩm còn giảm giá mạnh.
Các sản phẩm giảm giá có thể kể đến như HTC Desire từ 12,7 triệu đồng giảm xuống còn 12,4 triệu đồng, HTC Desire từ 14,7 triệu giảm còn 14,4 triệu. Đặc biệt là sản phẩm Dell Streak khi mức giá 14 triệu đồng nay giảm chỉ còn 12 triệu đồng. Các dòng sản phẩm của các hãng như Samsung, Motorola... cũng có xu hướng giảm từ 20 ngàn đồng đến vài trăm ngàn đồng.
Nếu như ở đợt USD tăng giá đầu tiên vào cuối năm ngoái, Nokia lần lượt tăng giá các mẫu điện thoại của mình lên từ 150-200 ngàn đồng, thì ở đợt điều chỉnh tỉ giá vừa qua các mẫu điện thoại của Nokia lại lần lượt giảm giá. Các mẫu điện thoại của hãng này từ phổ thông đến cao cấp đều giảm từ 100-400 ngàn đồng.
Doanh nghiệp chấp nhận giảm lợi nhuận
Việc tỉ giá USD tăng nhưng giá của sản phẩm di động vẫn đứng yên trong thời gian dài quý I/2011 vừa qua, thậm chí một số sản phẩm còn giảm giá, nguyên nhân chính theo các doanh nghiệp kinh doanh mặt hàng điện thoại di động là do họ chấp nhận giảm lợi nhuận nhằm thu hút khách hàng.
Theo ông Nguyễn Hồng Châu, Trưởng đại diện HTC tại Việt Nam, về mặt lý thuyết động thái USD tăng giá sẽ ảnh hưởng đến giá bán lẻ. Nhưng với phương châm khách hàng là quan trọng nên HTC vẫn chủ trương giữ nguyên giá bán lẻ các loại điện thoại của mình. Để làm được điều này, hãng phải hỗ trợ nhà phân phối để họ chấp nhận giảm lợi nhuận so với trước đây. Nhìn chung đến thời điểm này hãng vẫn có thể chịu đựng được và sẽ không tăng giá các loại điện thoại của mình.
Bà Mai Thị Trinh, Phụ trách truyền thông của Thế Giới Di Động cũng khẳng định, các sản phẩm di động trong thời gian qua vẫn giữ giá, thậm chí một số mặt hàng giảm giá. Có được điều này là vì một số mẫu sản phẩm được nhập khẩu trước khi USD tăng giá nên mức giá bán lẻ vẫn không thay đổi, đồng thời các doanh nghiệp kinh doanh lĩnh vực này chấp nhận giảm lợi nhuận so với trước.
Ông Huỳnh Nhân Quí, Giám đốc nghiên cứu thị trường của Viễn thông A, đưa thêm nguyên nhân nữa khiến giá di động trong thời gian qua chưa tăng là sức mua của khách hàng hiện nay cũng giảm khá nhiều. Bên cạnh đó sự cạnh tranh của các hàng diễn ra quyết liệt với phân khúc trung bình thấp trên thị trường, do đó việc tăng giá bán cần phải xem xét kỹ và phụ thuộc nhiều yếu tố như sức mua, cung cầu, cạnh tranh. Theo ông, để duy trì sức mua cho khách hàng thì việc giá bán di động của các hãng trong thời gian qua không tăng lên là điều hợp lý.
Gần như các doanh nghiệp đều khẳng định, với mức tỉ giá USD vẫn giữ nguyên như hiện nay, trong thời gian tới các doanh nghiệp sẽ không tăng giá các sản phẩm của mình. Doanh nghiệp chấp nhận giảm lợi nhuận, bên cạnh đó sẽ tổ chức nhiều chương trình khuyến mãi để thu hút khách hàng nhằm duy trì sức mua của thị trường. Tuy nhiên, đại diện các doanh nghiệp cũng cho biết, nếu giá USD tăng lên mức cao hơn nữa, thì việc tăng giá sản phẩm là hoàn toàn có thể xảy ra.