Francis Ford Coppola, vị đạo diễn nổi tiếng từng giành giải Oscar đã chia sẻ những ý kiến của ông về công nghệ 3D hiện nay với tạp chí Electronichouse.
>>> Điện ảnh đầu tư vào 3D là sai lầm
Đạo diễn từng giành giải thưởng Oscar với các bộ phim The Godfather (bố già), The Godfather II và Apocalypse Nows cho rằng, 3D không hề làm tăng giá trị của các tác phẩm điện ảnh và việc phải đeo kính để xem 3D chính là hạn chế lớn nhất của công nghệ này.
Francis Ford Coppola, vị đạo diễn nổi tiếng của Hollywood từng giành giải thưởng Oscar .
(Ảnh: Top-10-list).
Công nghệ kỹ thuật số là một nền tảng tốt để 3D phát triển và ngược lại, 3D cũng khiến cho các công nghệ mới được cải thiện, nhưng Coppola tin rằng, 3D ngày nay "chẳng có khác biệt gì" so với thập niên 50 của thế kỷ trước, bởi người xem đều cần đến những cặp kính khá cồng kềnh. Cá nhân vị đạo diễn cũng cho rằng, ông không thích phải xem phim cùng với những cặp kính chuyên dụng. Nó gây cho ông cảm giác phiền hà và mệt mỏi.
"Tôi chẳng biết tại sao một bộ phim lại có thể hay hơn khi nó sử dụng 3D", Coppola chia sẻ. Tôi thực sự chỉ thích thực hiện một bộ phim theo kiểu 2D truyền thống, bởi nó sẽ được chuyển sang các định dạng lớn hơn nhờ công nghệ mới. Và như vậy, chất lượng phim ảnh mới thật sự ấn tượng, chứ không đơn thuần chỉ là tạo ra một vài khung cảnh có các hiệu ứng nổi và chiều sâu rồi bắt khán giả phải gò bò xem qua đôi mắt kính.
3D hiện tại không hơn 3D của 50 năm trước bởi chúng đều gây phiền hà cho người xem khi phải đeo thêm kính. (Ảnh: Electronicshouse).
"3D đã bị thổi phồng và coi là hiện tượng, rồi xu thế của tương lai, bởi việc làm phim 3D bây giờ quá dễ dàng với sự giúp đỡ của rất nhiều công nghệ kỹ thuật số", vị đạo diễn nói. Việc thực hiện những bộ phim 3D hiện nay không gặp nhiều khó khăn (ngoại trừ phim Avatar được thực hiện bởi máy quay 3D chuyên dụng), bởi việc xây dựng các hiệu ứng nổi, chiều sâu của vật thể trên phim ảnh đã được các bộ máy tính siêu khủng thực hiện hết. Làm hiệu ứng ba chiều từ máy tính không có nhiều khác biệt so với việc tái tạo ra các kỹ xảo đồ họa ấn tượng cả. Trong quá khứ, Coppola cũng từng hợp tác với ông hoàng nhạc Pop Micheal Jackson để thực hiện bộ phim 3D Captain Eo vào năm 1986, nhưng việc thực hiện được những thước phim đó không đơn giản như làm phim 3D bây giờ, Francis Ford Coppola chia sẻ.
Đồng quan điểm với nhà phê bình điện ảnh Roger Ebert, Coppola cho rằng, công nghệ 3D trên phim chỉ có lợi thực sự cho các nhà sản xuất, chứ không phải là khán giả. Sở dĩ công nghệ 3D đang được Hollywood lăng xê và tâng bốc quá đáng bởi 3D giúp nhà sản xuất phim dễ dàng "moi tiền" từ người xem hơn. Khán giả luôn sẵn sàng bỏ thêm tiền vé mà không nuối tiếc nếu như bộ phim họ xem được chiếu bằng 3D.
Các hệ thống giải trí tại nhà cũng như vậy. Khi các hãng điện tử và người bán hàng chào mời những thiết bị điện tử, như màn hình, đầu Blu-ray được bổ sung thêm tính năng 3D rất đặc sắc và thú vị. Người tiêu dùng trở nên hoa mắt ngay. "Họ sẵn sàng bỏ ra số tiền chênh lệch hàng trăm USD để đổi lại được sở hữu công nghệ 3D, trong khi nhà sản xuất chỉ mất chi phí hơn 75 USD để biến HDTV của mình thành TV 3D", vị đạo diễn 71 tuổi tiết lộ.
Mẫu TV OLED kích thước 15 inch của LG. (Ảnh: Oledinfo).
Dù luôn yêu thích các sản phẩm Plasma hơn LCD, Coppola vẫn tin rằng OLED mới chính là công nghệ hình ảnh chủ chốt và quan trọng trong tương lai gần. Plasma dù hình ảnh đẹp nhưng lại tiêu thụ điện năng nhiều hơn và cũng gặp một số vấn đề khó chịu về màn hình như hiện tượng lưu hình hay phản chiếu ánh sáng. Hiện tại, công nghệ mà bất kỳ ai cũng phải quan tâm đến đó là OLED. Chất lượng hình ảnh rất tuyệt vời ở một vài mẫu màn hình kích thước nhỏ. Trong thời gian tới, các hãng điện tử sẽ tung ra thêm những mẫu màn hình OLED 20 inch rồi cả 30 inch nữa. OLED sẽ sớm trở thành một xu hướng phát triển mới của công nghệ thế giới, vị đạo diễn nổi tiếng chia sẻ.