Chỉ với một vài thay đổi nhỏ, FH5 chưa nổi bật, không chỉ so với đối thủ ở các hãng khác mà ngay cả với bản tiền nhiệm.
Lumix FH5 được bán với giá gần 5 triệu đồng. (Ảnh: Letsgodigital).
Panasonic Lumix FH5 được tung ra thị trường đầu năm nay với người anh em FH2. Hai phiên bản này có cấu hình và tính năng tương tự nhau, chỉ khác là FH5 có cảm biến 16 triệu điểm ảnh so với 14 triệu của FH2. Tùy từng thị trường, hai phiên bản này còn có tên mã lần lượt là FS18 và FS16.
Phiên bản Lumix FH5 là bước nâng cấp từ bản FH3 ra đời gần một năm trước với một số thay đổi như số điểm ảnh tăng từ 14 lên 16 triệu, ống kính vẫn Leica nhưng zoom quang giảm từ 5x xuống 4x, góc rộng dù vẫn giữ nguyên 28mm nhưng tiêu cự lại giảm còn 112mm thay vì 140mm trước đây.
Bù lại, thân máy được chế tạo mỏng hơn, chỉ 19mm. Lumix FH5 có màn LCD 2,7 inch và khả năng quay phim HD 720p 24 khung hình/giây.
Máy ảnh này đang được bán tại thị trường trong nước với giá gần 5 triệu đồng.
Dưới đây là đánh giá chi tiết từng phần của Cameralabs:
Thiết kế, tính năng |
Chất lượng hình ảnh |
Các chế độ chụp và so sánh với đối thủ |
Nhận xét |
Thiết kế, tính năng
Lumix FH5 mỏng hơn bản tiền nhiệm. (Ảnh: Stevens-digicams).
Về mặt hình thức, ngoài việc mỏng hơn, thiết kế của Lumix FH5 không có nhiều khác biệt so với phiên bản trước. Mặt trước cũng gồm một vòng bạc lớn bao quanh ống kính, chữ Lumix được bố trí ở chính giữa. Một viền bạc hơi gờ lên ở cạnh phải hỗ trợ việc cầm máy một tay. Viền bạc cạnh bên chỉ bọc từ cạnh trái lên cạnh trên với nút chụp ảnh/vòng zoom và công tắc nguồn.
Mặt sau là màn hình 2,7 inch chiếm phần lớn diện tích. Chính giữa là nút Menu cùng các phím điều hướng vừa dùng để di chuyển, vừa là các phím truy cập nhanh tới các chức năng hay dùng như bù sáng, đèn, hẹn giờ hay Macro.
Các nút truy cập các chế độ, hiển thị và xóa được bố trí riêng rẽ. Một điều đáng tiếc là nút chuyển giữa chế độ chụp và xem lại ảnh thay vì là nút bấm để có thể quay về chế độ chụp bất cứ lúc nào vốn rất tiện dụng trên các máy du lịch gần đây, kể cả của chính Panasonic thì nay lại được thay bằng dạng công tắc, khá bất tiện khi người dùng chuyển qua lại giữa hai chế độ.
Các cổng kết nối được bố trí ở cạnh phải với chỉ một kết nối cho cả USB và AV, không có cổng HDMI cho dù phiên bản này cũng quay phim HD 720p. Đèn flash tích hợp cho khoảng sáng hiệu dụng khoảng 3,3m và thời gian hồi khá nhanh, khoảng 3 giây. Lumix FH5 sử dụng pin Lithium 660mAh với thời lượng chụp đạt khoảng 250 ảnh mỗi lần sạc.
Ống kính chỉ 4x. (Ảnh: Camera).
Ống kính của FH5/FH5 có vẻ "xuống đời" nhất khi chỉ có 4x (28 – 112 mm) so với đời trước 5x. Mặc dù cũng được trang bị ống Leica với hệ thống chống rung MEGA O.I.S nhưng độ mở tối đa của FH5/FH5 cũng chỉ đạt f/3.1 thay vì f/2.8 trên bản tiền nhiệm.
Không chỉ có vậy, so với đối thủ cạnh tranh trực tiếp Canon PowerShot A3300 IS, phiên bản này cũng bị kém hơn ở dải tiêu cự tele khi Canon cũng trang bị cho bản này góc rộng 28mm và zoom quang lên tới 5x.
Màn hình 2,7 inch. (Ảnh: Dc-zone).
Panasonic cho biết phiên bản FH5 với bộ xử lý hình ảnh mới Venus VI cho phép máy ảnh có tốc độ khởi động còn nhanh hơn bản tiền nhiệm (1,01 giây), tuy nhiên, qua thử nghiệm phiên bản này cũng phải mất khoảng 1,5 giây mới ở tình trạng sẵn sàng hoạt động.
Dù không được đúng như những gì hãng quảng cáo, nhưng với thời gian như vậy cũng đã được coi là khá nhanh so với các đối thủ khác trên thị trường.
Mặc dù được trang bị hệ thống chống rung quang học MEGA O.I.S, nhưng FH5 không cho phép lựa chọn giữa các chế độ chống rung như PowerShot A3300 IS mà chỉ cho phép lựa chọn bật hoặc tắt chức năng này.
Chất lượng hình ảnh |
Các chế độ chụp và so sánh với đối thủ |
Nhận xét |
Chất lượng hình ảnh
Để thử nghiệm độ ổn định hình ảnh, FH5 được zoom từ tiêu cự rộng nhất tới tiêu cự dài nhất (112mm) với chế độ ảnh ở mức Normal và chụp với các tốc độ cửa trập khác nhau, mỗi tốc độ được chụp với chế độ chống rung bật và tắt.
Các ảnh phóng dưới đây được chụp với ISO 100, tốc độ 1/10. Bức bên trái là chế độ chống rung tắt, bên phải là chế độ chống rung bật. Về lý thuyết, với điều kiện như trên, để ảnh không rung, máy ảnh phải được chụp ở tốc độ 1/100. Với kế quả này có thể nói cơ chế chống rung quang học của Panasonic hoạt động cũng khá hiệu quả, có thể bù được khoảng 3 stop.
100% crop, tiêu cự 112mm, tốc độ 1/10, 100 ISO, chế độ Normal Picture, MEGA O.I.S. tắt. | 100% crop, tiêu cự 112mm, tốc độ 1/10, 100 ISO, chế độ Normal Picture, MEGA O.I.S. bật. |
Tương tự như các phiên bản du lịch khác, Lumix FH5/FH5 cũng được trang bị tính năng tự động lấy nét dựa trên nhận diện khuôn mặt với tốc độ nhận diện tốt, nhanh ở trong điều kiện ánh sáng thường. Với điều kiện ánh sáng yếu và đối tượng chụp hơi xa, cơ chế này hoạt động chậm và ít tin cậy hơn.
Tuy nhiên, so với các đối thủ, tính năng này còn khá cơ bản, thiếu vắng các lựa chọn phụ trợ tiên tiến khác như lựa chọn khuôn mặt, nhận diện nụ cười, nhận diện chớp mắt hay tự động kích hoạt chụp hẹn giờ khi nhận diện khuôn mặt như trên bản PowerShot A3300 IS.
Nếu không nhận diện người hiển thị trong khuôn hình, tính năng lấy nét dựa trên khuôn mặt mặc định trên chế độ tự động thông minh Intelligent Auto sẽ được tự động chuyển về tính năng lấy nét điểm với 11 điểm nét cho trước. Thêm vào đó, khả năng bám nét khá hiệu dụng. Tuy nhiên, tương tự như nhận diện khuôn mặt, nó chỉ hoạt động hoàn hảo với môi trường ánh sáng tốt.
Màn hình 2,7 inch với độ phân giải dù chỉ 230.000 điểm ảnh trên FH5/FH5 nhưng hiển thị tốt, độ tương phản cao. Tuy nhiên, nếu nhìn trực tiếp dưới ánh mặt trời, màn hình hiển thị kém dù máy có cơ chế kích sáng và tự động chuyển chế độ xem ngoài trời. Bù lại tính năng mở rộng góc nhìn High Angle khá hữu dụng khi chụp máy ở những góc phải giơ cao quá đầu.
Thiết kế, tính năng |
Các chế độ chụp và so sánh với đối thủ |
Nhận xét |
Các chế độ chụp và so sánh với đối thủ
Ở chế độ chụp thông thường, nút truy cập nhanh Q.Menu (nút xóa ở chế độ xem ảnh) cho phép người dùng truy cập nhanh đến các tính năng như ổn định hình ảnh, chụp liên tục, chế độ lấy nét, cân bằng trắng, ISO, kích cỡ ảnh chụp… Các tính năng chuyên sâu hơn được đẩy vào trong hệ thống menu truy cập qua nút Menu/Set ở giữa phần phím điều hướng.
Chế độ tự động thông minh Intelligent Auto trên FH5 sẽ tự động nhận diện cảnh và tự điều chỉnh các thông số phơi sáng tối ưu cho từng điều kiện chụp với các cảnh được đặt sẵn, như Chân dung (Portrait), Phong cảnh (Scenery), Cận cảnh (Macro), Chân dung đêm (Night Portrait), Cảnh đêm (Night Scenery), Hoàng hôn (Sunset) hay chụp Trẻ em (Baby). Ở chế độ này, ISO cũng sẽ được tự động điều chỉnh cho phù hợp với từng điều kiện chụp và không thể chỉnh được. Để chỉnh ít nhất phải chuyển về chế độ Normal Picture (hay chế độ lập trình Program trên các phiên bản khác).
Ngoài các mặc định kể trên, FH5 còn có nhiều chế độ khác từ thể thao, chụp nến, chụp chân dung đôi, vật nuôi hay chụp ISO cao (tới 6.400 với độ phân giải 3 triệu điểm)… Người dùng cũng có thể sử dụng tính năng "My Scene" để đưa các chế độ ưa thích vào danh sách truy cập nhanh tiện dụng cho việc lựa chế độ sau này.
Ở chế độ quay phim, Lumix FH5 có thể quay video HD 720p tốc độ 24 khung hình/giây với định dạng .MOV. Video được nén chuẩn MJPEG với chất lượng khoảng 25 Mb/giây, cho phép một thẻ 2GB quay được khoảng 11 phút.
Đây cũng là dung lượng tối đa cho mỗi đoạn video mà FH5 hỗ trợ, vì thế, nếu muốn quay dài hơn một chút, người dùng phải hy sinh bớt chất lượng. Tuy nhiên, kể cả trong trường hợp này, độ dài tối đa của mỗi đoạn cũng không vượt quá 15 phút.
So với FH5, phiên bản đối thủ PowerShot A3300 IS sử dụng chuẩn nén H.264 hiệu quả hơn dù độ dài, kích cỡ và bitrate cũng tương tự. Tuy nhiên, sử dụng H.264 cho phép A3300 IS có chất lượng hình ảnh dễ đẹp hơn so với video MJPEG cùng bitrate. Cả hai máy đều không cho phép zoom quang trong khi quay phim.
Ở chế độ chụp liên tục, sử dụng với thẻ Lexar Professional 16GB SDHC 133x Class 10, chế độ chụp Normal Picture với chất lượng tối đa 16 triệu điểm ảnh, FH5/FH5 có thể chụp 10 ảnh liên tiếp với tốc độ khoảng 1,4 khung hình/giây. Sau 10 hình đầu tiên này, tốc độ sẽ sụt giảm chỉ còn một nửa.
Để tăng tốc, người dùng có thể chụp ảnh ở chế độ Hi-Speed Burst. Ở chế độ này, chất lượng ảnh chỉ giới hạn 3 triệu điểm (2.048 x 1.536 pixel) nhưng chụp được tới 51 ảnh với tốc độ trung bình 3,75 khung hình/giây. Mặc dù cũng thuộc hàng nhanh so với đối thủ A3300 IS nhưng vẫn không hiệu quả như trên các máy DSLR và nhất là không như Panasonic quảng cáo với tốc độ 6 khung hình/giây.
Ảnh chụp bằng máy Panasonic Lumix LX5. (Ảnh: Cameralabs).
Để so sánh chất lượng ảnh chụp đời thực khi zoom, các bức ảnh trên được chụp với Panasonic Lumix FH5 và Canon PowerShot A3300 IS, ảnh JPEG đặt ở chế độ chất lượng cao nhất. Tiêu cự trên cả hai máy được đặt cùng một góc nhìn. Chế độ ảnh đặt ở mức thông thường (Normal Picture trên FH5 và Program trên A3300 IS) và ISO ở mức thấp nhất.
Bức ảnh trên được chụp với máy Panasonic Lumix FH5 với ống kính ở tiêu cự rộng nhất (28mm), tốc độ 1/125, độ mở f/9 và ISO 100. Bức ảnh có độ phân giải 4.608 x 3.456 điểm ảnh, có kích cỡ 6,05 MB. Các vùng được đánh dấu đỏ sẽ được phóng to 100% để so sánh.
Về mặt tổng thể, chất lượng hình ảnh ngoài trời của Lumix FH5/FH5 tốt, chi tiết vùng tối vẫn hiển thị tương đối rõ với các tùy chỉnh phơi sáng khá chính xác.
Tuy nhiên, việc chọn thông số phơi sáng tự động (1/125, f/9) không hiệu quả, làm cho bức ảnh giảm chất lượng do rung nhiễu trong khi hoàn toàn có thể đẩy tốc độ cao hơn và độ mở rộng hơn. Trong các máy chụp để so sánh (FH5, FS16, A3200 IS, A3300 IS), chỉ có bản A3200 IS là tự động lựa chọn thông số tốc độ nhanh hơn và độ mở lớn hơn.
Chi tiết hiển thị trên các bức ảnh phóng to không mấy xuất sắc. Phần đỉnh của nhà thờ trông tệ nhất khi các chi tiết viền mờ nhạt, dấu thánh giá quá nhòe và cửa sổ thì không thành hình rõ rệt.
Các bức còn lại cũng cho những kết quả tương tự khi chất lượng ảnh mờ, thiếu chi tiết, hiện tượng viền tím nổi khá rõ. Chỉ có bức cuối là trông khá khẩm một chút với chữ trên băng rôn và chi tiết cửa sổ của tòa nhà phía sau rõ hơn, có lẽ do vùng crop này gần trung tâm của bức ảnh lớn hơn.
Panasonic Lumix FH5 | Panasonic Lumix FH2 | Canon PowerShot A3300 IS |
f9, 100 ISO | f9, 100 ISO | f8, 80 ISO |
f9, 100 ISO | f9, 100 ISO | f8, 80 ISO |
f9, 100 ISO | f9, 100 ISO | f8, 80 ISO |
f9, 100 ISO | f9, 100 ISO | f8, 80 ISO |
Tất nhiên các so sánh ở đây thực ra đều được thực hiện ở mức cường điệu hóa trên từng điểm ảnh để hình dung rõ hơn về chất lượng ảnh. Thực tế nếu không phải rửa ảnh lớn hay phóng to ảnh trên màn hình thì các chi tiết này cũng không thành vấn đề gì nhiều. Chỉ có điều kết quả từ bản FH5 với số điểm ảnh lớn hơn bản FS16 rẻ tiền hơn cũng không có nhiều khác biệt đáng kể.
Đặt cạnh các bức phóng to, chất lượng ảnh trên bản Lumix FS16/FH2 thậm chí còn tốt hơn bản FH5. Dù ít điểm ảnh hơn nhưng ảnh của phiên bản này thể hiện độ tương phản tốt hơn, hiển thi chi tiết cạnh sắc nét hơn.
Chi tiết cạnh trên Canon PowerShot A3300 IS vượt cả hai phiên bản của Panasonic nếu xét về độ sắc nét và chi tiết. Tuy nhiên, nền trời của A3300 IS lại bị nhiễu hạt hơn so với Panasonic. Hiện tượng viền tím trên bức phóng to thứ 3 cũng vẫn xuất hiện, tuy nhiên ở bức cuối cùng, chi tiết và màu sắc của A3300 IS vẫn vượt trội hơn hai phiên bản kia.
Thiết kế, tính năng |
Chất lượng hình ảnh |
Nhận xét |
Nhận xét
Phiên bản Panasonic Lumix FH5 với một số cải tiến nhỏ như mỏng hơn 20% so với FH3, nhiều hơn 2 triệu điểm ảnh so với cả bản tiền nhiệm FH3 và bản anh em FH2 nhưng zoom quang lại giảm xuống 4x. Với góc rộng vẫn được duy trì 28mm, kết hợp với các chế độ tự động thống minh và lợi thế thân hình gọn nhẹ, FH5 hướng tới đối tượng bình dân thích đút máy túi quần và cũng không quá cầu kỳ săm soi về chất lượng ảnh.
So với bản cùng thời FH3, khó có thể đánh giá FH5 nổi bật ở điểm nào ngoại trừ số điểm ảnh nhiều hơn 2 Megapixel, còn các thông số, cấu hình khác gần như là tương tự. Mặc dù số điểm ảnh lớn hơn một chút có thể giúp ảnh in ra phóng được to hơn, nhưng nếu không phải in phóng lớn, FH3 có vẻ lại là lựa chọn hợp lý hơn bởi chất lượng ảnh thực tế còn vượt cả FH5, chưa kể mức giá còn thấp hơn dù không nhiều.
Còn so với đối thủ đến từ Canon, bản A3300 IS cũng với 16 triệu điểm ảnh và quay phim HD 720p, Lumix FH5 mỏng hơn một chút (5mm), nhẹ hơn nên dễ đút túi quần hơn. Tuy nhiên, zoom quang phiên bản này lại chỉ có 4x trong khi A3300 IS là 5x với tiêu cự tele tới 140mm so với chỉ 112mm của FH5.
Màn LCD cũng nhỏ hơn so với 3 inch của A3300 IS. Dù số lượng các cảnh mặc định của FH5 nhiều hơn A3300 IS nhưng tính năng và độ hiệu dụng lại không qua mặt được Canon với các chế độ như Live View Control, Creative filters hay Smart shutter nhận diện chớp mắt hay khuôn mặt… Dù đắt hơn một chút so với FH5 nhưng với các tính năng và độ dễ sử dụng, cùng với chất lượng ảnh nhỉnh hơn một chút, nhiều người có thể sẽ vẫn ưa thích A3300 IS hơn.
Tất nhiên, cũng không nên trông đợi quá nhiều đối với một phiên bản bình dân như FH5, nhưng ít ra phiên bản này đã đáp ứng được những yêu cầu cơ bản như tự động thông minh, điểm ảnh lớn, quay phim HD và độ gọn nhẹ.
Với những khác biệt không đáng kể từ cả phiên bản tiền nhiệm lẫn các đối thủ, FH5 không đủ nổi bật để ngừoi tiêu dùng phải băn khoăn lựa chọn nhưng nếu nằm trong khoảng giá người dùng dự định chi tiêu, đây vẫn là phiên bản thích hợp mà không gây quá nhiều thất vọng.
Thiết kế, tính năng |
Chất lượng hình ảnh |
Các chế độ chụp và so sánh với đối thủ |