Canon G1 X gây ấn tượng mạnh với chất lượng hình ảnh và quay video đẹp, khử nhiễu ở ISO cao ấn tượng không kém DSLR entry-level nhưng tuổi thọ pin chưa cao.
Canon Powershot G1 X. (Ảnh: Tuấn Hưng).
G1 X là mẫu máy ảnh compact cao cấp nhất của Canon hiện tại với "trái tim" cảm biến CMOS kích thước 1,5 inch (18,7 x 14 mm) độ phân giải 14,3 Megapixel. Ống kính của máy cũng lớn hơn và dài hơn một chút so với G12 dù zoom quang thấp hơn (4x góc rộng 28 mm f/2.8-5.6 so với 5x).
Cảm biến lớn giúp G1 X có thể chụp hình chất lượng cao ở điều kiện ánh sáng yếu với ISO hỗ trợ tối đa lên tới 12.800 cùng chip xử lý hình ảnh mới nhất Digic 5.
Ngoài ra, G1 X cũng có các tính năng tương tự như dòng EOS như quay video chuẩn Full HD 1080p, chụp ảnh RAW và JPEG 14 bit cũng như tương thích hoàn toàn với đèn Speedlite cùng các phụ kiện khác. Màn hình phía sau của G1X có kích thước 3 inch độ phân giải 922.000 pixel với khớp xoay và nghiêng tiện lợi cho nhiều tình huống chụp.
Canon G1 X hiện có giá bán chính hãng ở thị trường Việt Nam là 18,5 triệu đồng trong khi trên thị trường xách tay là 14,9 triệu đồng.
Dưới đây là một số tổng hợp, đánh giá chi tiết về mẫu này (nhấp vào từng phần để xem chi tiết).
Đánh giá chung:
* Ưu điểm:
- Chất lượng hình ảnh, video tốt
- Khử nhiễu ấn tượng
- Có phím quay video riêng, hai bánh xe thông số, bố trí phím dễ sử dụng, thao tác.
- Màn hình đẹp và tiện dụng
- Đèn flash chất lượng tốt
* Nhược điểm:
- Thời lượng sử dụng pin chưa cao.
- Phím chụp với khoảng cách giữa hành trình lấy nét và chụp hơi ngắn.
Thiết kế và điều khiển.
Canon G1 X trông lớn hơn người tiền nhiệm G12 khá rõ. (Ảnh: Tuấn Hưng).
Với kích thước 116,7 x 80,5 x 64,7 mm và trọng lượng 534 gram, G1 X lớn hơn khá nhiều so với mẫu máy tiền nhiệm G12. Tuy nhiên, kiểu sắp xếp với một chút thay đổi theo hướng tiện dụng và giống dòng DSLR hơn giúp người dùng sẽ không gặp khó khăn trong việc làm quen. G1 X cho cảm giác cầm chắc chắn với lớp vỏ bằng kim loại và trông khá "hầm hố" theo một nét riêng. Kích thước lớn cũng không phù hợp để cất trong túi áo sơ mi hay túi quần. Thay vào đó, người dùng sẽ cần một chiếc túi đựng nhỏ hoặc để trong áo khoác.
Khác biệt đầu tiên là ở các phím ở mặt trên. Do đèn flash chuyển từ cố định ở mặt trước chuyển lên dạng pop-up phía trên, Canon đã phải "hy sinh" vòng chỉnh ISO và thay bằng bánh xe kép với phần trên chỉnh chế độ chụp và phía dưới là bù trừ sáng. Ở bên cạnh vẫn là phím chụp kiêm nút zoom và phím bật tắt nguồn. Thực tế cũng cho thấy vòng chỉnh ISO thực sự không được nhiều người sử dụng trong khi tính năng tự động chọn ISO của máy lại được nâng cấp khá tốt.
Đèn flash chuyển lên phía trên và dạng pop-up. (Ảnh: Tuấn Hưng).
Phím chụp của máy hơi nổi lên hơn so với dòng G12, tuy nhiên, khoảng cách giữa việc nhấn một nửa để lấy nét đến nhấn hết để chụp rất ngắn và thường xuyên gây bấm quá tay khi mới sử dụng. Mặc dù vậy, nhược điểm này cũng có thể khắc phục nếu người dùng sử dụng quen trong vài ngày liên tục.
Các chế độ chụp trên bánh xe bao gồm Auto, M, Av, Tv, P, SCN (cảnh quan), hiệu ứng mắt cá, quay video và hai chế độ cho người dùng tùy chọn. Ở phía trước máy, dù có zoom quang nhỏ hơn (4x so với 5x của G12) nhưng ống kính của G1 X lại có kích thước lớn và dài hơn. Như thường lề, vòng kim loại phần ống kính chỉ có tác dụng che chắn chứ không thể điều chỉnh thông số giống như mẫu compact S100 gần đây của Canon.
Phím quay video riêng biệt là điểm mới đáng khen ngợi cho G1 X. (Ảnh: Tuấn Hưng).
Chất lượng hiển thị màn hình tốt. (Ảnh: Tuấn Hưng).
G1 X vẫn giữ lại hai bánh xe một ở phần bánh cầm và một ở phím điều hướng mặt sau để chỉnh các thông số bao gồm khẩu độ và tốc độ (tùy chế độ chụp). Đây là một ưu điểm khá lớn trong một model có hỗ trợ cả chế độ chỉnh tay hoàn toàn. Thay đổi phím ở mặt sau ko nhiều nhưng lại có một phím quan trọng được thêm vào là quay video ngay phần ngón cái của người dùng khi cầm máy. Khi thao tác với phím này, máy sẽ tự động chuyển qua chế độ quay ngay dù ở bất kỳ chế độ nào.
Màn hình lật xoay tiếp tục phát huy ưu thế trên G1 X. (Ảnh: Tuấn Hưng).
Kính ngắm trang bị trên G1 X là kính ngắm quang và có thể thay đổi khuôn hình theo mức zoom của ống kính. Thực tế cho thấy kính ngắm này không phát huy được nhiều tác dụng do hình ảnh thực tế lớn hơn so với khi ngắm quá thiết bị này. Ngoài ra, khi ở góc rộng nhất, kính ngắm còn bị chắn bởi chính một phần ống kính ở phía trước.
Cổng kết nối ở cạnh bên. (Ảnh: Tuấn Hưng).
G1 X vẫn trang bị màn hình có khớp lật xoay ở bên trái giúp người dùng có thể chụp ở nhiều tình huống khó, thậm chí là chụp chính chân dung của mình chỉ với một động tác xoay màn hình. Loại màn hình này có thể khiến nhiều người dùng lo ngại về độ bền của cáp nối tuy nhiên, thực tế cho thấy hầu như rất ít phản hồi của người dùng trên dòng máy G12 trước đây có lỗi này đến thời điểm hiện tại.
Độ phân giải của màn hình đạt độ phân giải 922.000 pixel nên cho hình ảnh sắc nét nhưng đôi lúc người dùng sẽ thấy "nịnh mắt" hơn khi xem trên màn hình máy tính thông thường. Sử dụng ngoài trời màn hình của G1 X cũng không bị lóa dù hình ảnh có cảm giác bị tối đi một chút.
Thẻ nhớ và pin ở cạnh dưới. (Ảnh: Tuấn Hưng).
Ở phía phải máy ảnh khi mở nắp đậy là cáp HDMI, tùy chọn kết nối thiết bị điều khiển và giắc cắm USB 2.0/AV quen thuộc. Phía dưới máy là khe cắm thẻ nhớ hỗ trợ SD, SDHC và SDXC cho việc lưu trữ. Điểm đáng tiếc là thời lượng sử dụng pin khá ngắn. Khi sạc đầy pin, máy chỉ chụp được khoảng 250 kiểu với hầu hết là không sử dụng đèn flash.
Chất lượng hình ảnh
Canon G1 X sở hữu cảm biến CMOS kích thước 1,5 inch (18,7 x 14 mm) độ phân giải 14,3 Megapixel và ISO hỗ trợ tối đa lên tới 12.800. Những hình ảnh chụp thử bởi G1 X đều sử dụng cài đặt chất lượng tốt nhất với dung lượng mỗi file vào khoảng hơn 4 MB.
Tương quan kích thước cảm biến của G1 X với các sản phẩm khác. (Ảnh: Dpreview).
G1 X có thể nói là một trong những mẫu compact cho hình ảnh tốt nhất hiện nay. Với ISO từ 80 đến 1.600, chất lượng hình ảnh hầu như được giữ nguyên và có khá ít biến đổi. Trong khi đó, lên đến ISO 3200, nhiễu mới bắt đầu xuất hiện và có bão hòa màu sắc một chút, khi tăng lên tới ISO 6.400, mức khá cao ngay cả với một chiếc DSLR entry-level thì nhiễu xuất hiện rõ hơn và vài chi tiết mất màu sắc nhưng hình ảnh vẫn hoàn toàn có thể sử dụng. Thậm chí ngay cả ở mức 12.800, hình ảnh vẫn sử dụng tốt nếu để ở cỡ ảnh nhỏ.
Ống kính zoom quang trên G1 X xử lý hiện tượng quang sai màu sắc rất tốt, hạn chế nhiều hiệu ứng viền tím tuy đôi lúc vẫn xuất hiện trong các tình huống có độ tương phản cao ở các cạnh của khung hình. Khi ở góc rộng nhất 28 mm, hình ảnh hơi méo một chút và đồng thời các góc cũng hơi "soft". Những bức hình chụp đêm của G1 X là rất tốt, hình ảnh vẫn cho sự mịn màng dù ở ISO 4.000 (hình minh họa phía dưới). Với chế độ M đi kèm, người dùng cũng có thể thử sức với các bức ảnh phơi sáng khá thú vị, điều chỉ thường dễ dàng với máy DSLR.
Thử ISO ơ các mức khác nhau.
Đèn flash kèm ngoài việc được đổi vị trí thì chất lượng cũng được Canon cải thiện khá nhiều. Đặc biệt là chụp trong nhà với khoảng cách với chủ thể khoảng hơn 3 mét, vùng sáng không bị quá lệch và lên chi tiết tốt. Hiện tượng mắt đỏ không xảy ra.
Dưới đây là một số hình ảnh chụp thử bởi Canon G1 X.
Ảnh chụp với tiêu cự 60 mm, ISO 320, f/5.8, tốc độ 1/160 giây.
Ảnh chụp với tiêu cự 15 mm, ISO 100, f/2.8, tốc độ 1/1600 giây.
Ảnh chụp với tiêu cự 15 mm, ISO 400, f/2.8, tốc độ 1/60 giây.
Ảnh chụp với tiêu cự 40 mm, ISO 1600, f/5, tốc độ 1/6 giây.
Ảnh chụp với tiêu cự 15 mm, ISO 800, f/2.8, tốc độ 1/25 giây.
Ảnh chụp với tiêu cự 60 mm, ISO 1600, f/5.8, tốc độ 1/6 giây.
Ảnh chụp với tiêu cự 15 mm, ISO 200, f/5.6, tốc độ 1 giây.
Ảnh chụp với tiêu cự 15 mm, ISO 4000, f/2.8, tốc độ 1/160 giây.
Ảnh chụp với tiêu cự 15 mm, ISO 200, f/16, tốc độ 25 giây.
Canon G1 X có thể quay video chuẩn Full HD tốc độ 24 khung hình mỗi giây, chuẩn HD ở tốc độ 30 khung hình mỗi giây. Trong đoạn video quay thử phía dưới, file mà máy quay được ở chuẩn HD với độ dài khoảng 1 phút 12 giây là hơn 200 MB.
Dưới đây là đoạn video quay thử bởi Canon G1 X:
So sánh với các đối thủ cùng tầm giá.
G1 X (trái) bên cạnh G12. (Ảnh: Tuấn Hưng).
Ở phân khúc máy compact cao cấp hơn 10 triệu đồng cùng với Canon G1 X, hiện chỉ có Fujifilm X10. Cả hai sản phẩm này đều được đánh giá cho chất lượng hình ảnh đẹp, tuy nhiên ISO của G1 X nhỉnh hơn so với sản phẩm của đối thủ. Ống kính zoom quang gần như tương đương nhưng X10 lợi hơn về khẩu độ mở của ống kính ở góc rộng nhất là f/2, trong khi G1 X là f/2.8. Cảm biến của G1 X cũng lớn hơn so với X10.
Hiện giá chính hãng của X10 vào khoảng 14 triệu đồng trong khi giá xách tay khoảng hơn 11 triệu.
Cùng tầm tiền với G1 X, nhiều người sẽ nghĩ tới một chiếc máy ảnh mirrorless như NEX của Sony, Nikon V1, J1 hay Panasonic GX1. Chất lượng ảnh của G1 X không hề thua kém các dòng máy này (khi sử dụng ống kit) nhưng kích thước gọn hơn do các máy còn lại có thể nhỏ hơn nhưng ống kính cồng kềnh.
Các model có thể cùng tầm tiền với G1 X như NEX-5N giá 15 triệu đồng, Nikon J1 giá tương tự hay Lumix GX1 giá 16,5 triệu đồng.