Mặc dù Android Market phát triển rất nhanh và tăng đến 9 lần lượng bán, cửa hàng ứng dụng này chỉ xếp thứ tư với thị phần tính bằng tiền chưa đến 5%.
Không bàn cãi, Apple vô đối trên thị trường ứng dụng di động, trang tin CNews.ru dẫn nguồn báo cáo của Công ty IHS cho biết. Năm 2010, doanh thu của App Store đã đạt 1,78 tỷ USD (~37.083 tỷ đồng) khiến cửa hàng ứng dụng này chiếm đến 82,7% thị phần ứng dụng di động thế giới nếu tính bằng tiền.
Hình minh hoạ trích từ trang chủ của Cửa hàng ứng dụng App Store.
Cửa hàng ứng dụng Apple App Store mở cửa từ mùa Hè năm 2008 cùng với việc ra mắt iPhone 3G và trở thành dự án đầu tiên của thế giới trong lĩnh vực này, và là hình mẫu cho các công ty khác. Trong giai đoạn từ năm 2009 đến hết năm 2010, doanh thu của cửa hàng tăng gấp 2,3 lần từ 769 triệu USD (~16.021 tỷ đồng) năm 2009. Theo quy định, Apple được giữ lại 30% tiền thu được từ App Store nên thu nhập của Công ty từ hoạt động của cửa hàng trong năm rồi đạt 534,6 triệu USD (~11.138 tỷ đồng).
Chiếm vị trí thứ hai về lượng bán ứng dụng là BlackBerry App World của Công ty Research In Motion của Canada. Trong giai đoạn từ năm 2009 đến 2010, lượng bán của cửa hàng này tăng 4,6 lần.
Chiếm vị trí thứ 3 là Nokia Ovi Store với thị phần 4,9%. Lượng bán của cửa hàng này trong giai đoạn từ 2009 đến 2010 tăng đến 8 lần. Cửa hàng dành cho các chủ nhân smartphone Nokia được mở ngày 26/5/2009. Sẽ là thú vị nếu so sánh số lượng người dùng của Nokia Ovi Store và Apple vào thời điểm khai trương. Khi đó, số lượng người dùng của App Store nhỏ hơn đáng kể (20 triệu người) so với Nokia (50 triệu người). Số người sở hữu smartphone của Nokia bây giờ cũng vẫn lớn hơn so với Apple: 200 triệu người của Nokia so với 160 triệu người dùng tất cả các loại thiết bị di động trên nền iOS của Apple.
Ngẫu nhiên, BlackBerry App World cũng khai trương 2 tháng trước so với Nokia Ovi Store, nhưng chiếm được gấp rưỡi thị phần so với Nokia. Đến tháng 11/2010, cửa hàng ứng dụng của RIM mới chỉ phục vụ tới 55 triệu người mua ứng dụng. Như vậy, qui mô về số lượng khách hàng không phải là yếu tố quyết định khối lượng bán của các cửa hàng ứng dụng.
Bảng: Các cửa hàng ứng dụng di động lớn nhất tính theo lượng bán (triệu USD):
Cuối cùng, Android Market cho dù cho thấy tốc độ tăng trưởng cao nhất, lại là nơi có thu nhập thấp nhất trong các cửa hàng ứng dụng di động lớn nhất kể trên. Năm 2010, doanh thu của Android Market chỉ là 102 triệu USD, chiếm 4,7% thị phần. Doanh thu của Android Market thấp hơn chút đỉnh so với doanh thu của Nokia Ovi Store, nhỏ hơn gấp rưỡi so với BlackBerry App World và nhỏ hơn tới 17,5 lần so với App Store. Cửa hàng Android Market bắt đầu hoạt động từ năm 2008, còn trong năm 2010, số ứng dụng của nó tăng vọt 6 lần lên 130.000. Hồi tháng 1/2011, có tin Google hoạch định tuyển hàng chục nhà phát triển ứng dụng di động để tăng cường sự hiện diện của mình trên "mặt trận" này.
Theo nghiên cứu của hãng Distimo từ tháng 7 năm rồi, Android dẫn đầu về số ứng dụng miễn phí - chiếm đến 57%. Để so sánh, tỷ lệ ứng dụng miễn phí trong App Store vào thời điểm đó là 28%; trên BlackBerry App World là 26% và cũng chừng đó ở Nokia Ovi Store. Các nhà phân tích nhất trí rằng "hệ sinh thái" của Apple phát triển hơn nhiều và đang định hình mặt bằng kiếm tiền ngày càng triển vọng.
Tổng lượng bán ứng dụng di động của 4 của hàng lớn nhất thế giới năm 2010 đã tăng 160% so với năm 2009 và đạt 2,16 tỷ USD.