Có lẽ không cần phải nói thêm nhiều về những lợi ích mà xe điện mang lại đối với môi trường tự nhiên và cả cuộc sống của con người. Tuy nhiên bên cạnh giá thành, một trong những yếu tố khiến xe điện khó tiếp cận người dùng nằm ở thực tế số lượng trạm sạc pin trên đường vẫn còn hạn chế, trong khi thời gian sạc pin lại quá lâu.
Nhưng điều này sẽ sớm có thể thay đổi nhờ một phát minh mới của các nhà nghiên cứu đến từ Đại học bang Pennsylvania, đó là một kỹ thuật sạc cho phép sạc đầy pin lithium chỉ trong 10 phút, tương đương với quãng đường từ 322km đến 482km.
Về cơ bản, để rút ngắn thời gian sạc pin, một lượng lớn điện năng phải được “bơm” trực tiếp vào viên pin trong một thời gian ngắn. Nhưng điều này có thể khiến lithium lắng đọng vào điện cực pin. Lớp mạ lithium này về lâu dài sẽ làm giảm hiệu suất và tuổi thọ của pin, thậm chí gây hiện tượng đoản mạch nguy hiểm.
Chìa khóa đằng sau kỹ thuật sạc mới chính là nhiệt độ. Các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng nếu họ sạc pin ở mức 60°C và sau đó làm mát thật nhanh, tốc độ sạc pin sẽ được cải thiện đáng kể trong khi nhiệt lượng cũng được tiêu hao nhanh chóng ra không gian bên ngoài. Để có được thời gian làm nguội và làm nóng pin đồng đều trong một khoảng thời gian ngắn, nhóm nghiên cứu đã nhúng một lá niken trong mỗi một cell pin lithium. Với cách làm này, pin chỉ mất 8,3% khả năng tích điện (chai pin) với mỗi 2.500 lần sạc - vượt xa mục tiêu của Bộ Năng lượng Hoa Kỳ là 500 chu kỳ sạc với mức độ “chai” pin 20%.
Ngoài ra, tất cả các cell pin mà nhóm nghiên cứu sử dụng làm thí nghiệm đều dựa trên các điện cực và chất điện phân hiện đang được sản xuất hàng loạt, do đó triển vọng thương mại hóa kỹ thuật sạc nhanh này là vô cùng lớn. Nếu được ứng dụng thành công trên quy mô đại trà, công nghệ này chắc chắn sẽ góp phần thúc đẩy đáng kể tốc độ phát triển của thị trường xe điện toàn cầu.