Ngày nay, màn hình cảm ứng xuất hiện khắp nơi, từ điện thoại, máy tính bảng đến hệ thống điều hướng ô tô, khiến nhiều người nghĩ đây là tính năng "phải có". Nhưng với laptop Windows, liệu trang bị này có thực sự đáng giá? Cùng tìm hiểu ngay sau đây.
Chi phí cao hơn
Laptop đi kèm màn hình cảm ứng luôn đắt hơn phiên bản thường. Khoản chênh lệch dù nhỏ cũng có thể dùng để nâng cấp linh kiện quan trọng hơn như CPU, RAM hay GPU. Chưa kể, nếu màn hình cảm ứng vỡ, chi phí sửa chữa cũng cao hơn nhiều so với màn hình thường.
Chất lượng không đồng đều
Không phải màn hình cảm ứng nào cũng có chất lượng như nhau. Một số phản hồi nhanh, mượt mà, trong khi số khác (đặc biệt trên laptop giá rẻ) lại chậm chạp, đơ giật. Nếu muốn mua laptop có cảm ứng, bạn hãy chọn các thương hiệu uy tín và đọc kỵ đánh giá về độ nhạy. Đừng quên kiểm tra độ phân giải: màn hình cảm ứng độ phân giải thấp (như 1366x768) sẽ cho hình ảnh lỗi hạt, trông như đồ "cổ lỗ sĩ".
Màn hình dễ bám bụi, vân tay
Dù tay bạn sạch đến đâu, chỉ vài lần chạm, màn hình sẽ đầy vết vân tay khó chịu. Những vết bẩn này càng dễ thấy trên màn hình lớn, nhất khi làm việc dưới ánh sáng mạnh hoặc xem phim. Bạn có thể lau bằng vải microfiber, nhưng cũng khá mất thời gian. Nếu bạn thấy khó chịu về điều này, sủ dụng màn hình không cảm ứng với lớp phủ mờ (matte) sẽ ít bám bẩn hơn hẳn.
Pin tụt nhanh hơn
Màn hình cảm ứng ngốn pin hơn do bộ số hóa (digitizer) luôn hoạt động để nhận diện thao tác chạm, ngay cả khi bạn không dùng. Nếu bạn cần laptop với thời lượng pin tốt để làm việc cả ngày, đi học hoặc du lịch, đây là điều đáng cân nhắc.
Bạn sẽ ít dùng cảm ứng hơn mình nghĩ
Nhiều người mua laptop cảm ứng với hy vọng dùng thường xuyên, nhưng cuối cùng… gần như chẳng đụng đến. Bạn có thể tưởng tượng việc lướt tài liệu, phóng to ảnh hay vẽ phác thảo bằng bút, nhưng thực tế, trừ khi có nhu cầu đặc thù (sẽ đề cập sau), bạn sẽ quay lại dùng bàn phím và touchpad quen thuộc.
Nhiều người từng trải nghiệm điều này. Ban đầu, cảm ứng rất thú vị, nhưng sau vài tuần, bạn nhận ra cách dùng truyền thống tiện hơn. Màn hình cảm ứng dần thành tính năng "thích thì dùng", không phải thứ bắt buộc.
Ai nên dùng laptop cảm ứng?
Dù không dành cho tất cả, laptop cảm ứng sẽ phát huy tác dụng nếu phù hợp công việc của bạn. Ví dụ:
- Họa sĩ/thiết kế: Vẽ trực tiếp lên màn hình (kèm bút) giúp các phần mềm như Photoshop, Illustrator trực quan hơn. Thử tưởng tượng vẽ chân dung bằng chuột vs. bằng tay như trên giấy – cái nào dễ hơn?
- Học sinh/người làm nghiên cứu: Ghi chú bằng tay giúp ghi nhớ tốt hơn. Với ứng dụng như OneNote, bạn có thể viết trực tiếp lên màn hình, lưu trữ số và không lo mất sổ.
- Dân văn phòng: Khi cần highlight biểu đồ, chỉnh sửa slide trong cuộc họp, cảm ứng giúp thao tác nhanh – chạm, phóng to, lướt. Ký tài liệu cũng chỉ cần vài nét vẽ bằng tay hoặc bút.
- Người thích trải nghiệm "đa dụng": Chẳng hạn bạn dùng một chiếc HP EliteBook, thường xuyên gập thành máy tính bảng để đọc sách, xem phim trên giường. Cảm giác lướt ngón tay để tua/xem video thú vị hơn dùng touchpad nhiều!
Laptop cảm ứng có tốt cho chơi game?
Không hẳn, tùy thể loại game. Với game PC truyền thống như FPS, RTS hay MMORPG, chạm màn hình sẽ vụng về và thiếu chính xác, không thể so với chuột/bàn phím/tay cầm. Tuy nhiên, cảm ứng phù hợp với game mobile/casual như Candy Crush, Microsoft Solitaire trên Microsoft Store. Chơi những tựa game này trên màn hình cảm ứng mang lại trải nghiệm tự nhiên như điện thoại – không đột phá, nhưng là điểm cộng nếu bạn thích thể loại trò chơi này.