Các chương trình tư vấn và chăm sóc sức khỏe thông qua điện thoại di động không mới mẻ nhưng đến nay, các chương trình này vẫn hoạt động theo kiểu tự phát và riêng lẻ.
Những cái bắt tay
Nhưng mọi chuyện có thể sẽ khác đi kể từ khi 3 tổ chức quốc tế lớn ký thỏa thuận hợp tác và cam kết cùng nhau đưa các chương trình chăm sóc sức khỏe sử dụng công nghệ viễn thông di động đến với những người dân nghèo trên khắp thế giới. Đó là Liên Hợp Quốc, hãng di động Vodafone và Liên minh Y tế di động (mHealth Alliance) thuộc Quỹ Rockefeller. Nhiệm vụ chính của Liên minh này là hướng dẫn các chính phủ, các tổ chức phi chính phủ (NGOs) và các hãng di động cùng phối hợp với họ để mang lại cơ hội được tiếp cận với các dịch vụ y tế cho người dân thuộc các quốc gia đang phát triển trên khắp thế giới.
Andrew Gilbert - Giám đốc khu vực châu âu của hãng sản xuất chip cho các thiết bị di động Qualcomm tiết lộ, hãng này đã khởi động và đang thực hiện khoảng 29 dự án sức khỏe mobile tại 19 quốc gia khác nhau trên khắp thế giới nhưng đáng tiếc là số dự án này cũng mới chỉ giúp cho khoảng 200.000 người tiếp cận với các dịch vụ y tế và chăm sóc sức khỏe.
Theo công trình nghiên cứu có tên "mHealth for Development" (mHealth là chữ viết tắt của từ Mobile Health - Y tế di động) dưới sự phối hợp giữa Liên hợp quốc và hãng Vodafone, hiện tại cả thế giới có khoảng 50 chương trình mHealth đang hoạt động nhưng hiệu quả của các chương trình này vẫn còn khá hạn chế. "Tôi nghĩ, đã đến lúc chúng ta cần phải có một liên minh đủ mạnh" Claire Thwaites phát biểu tại Hội nghị Di động thế giới vừa diễn ra tại Barcelona (Tây Ban Nha) hồi giữa tháng 2, "Bởi vấn đề lớn nhất đang tồn tại là sự mỏng manh "dễ vỡ" của các dự án nhỏ lẻ".
Kết nối là sức mạnh
"Ở Ấn Độ, trung bình mỗi năm có khoảng 1 triệu người chết chỉ vì họ không được tiếp cận với các dịch vụ y tế cơ bản. Ngược lại với con số đó là tỷ lệ có đến 80% số bác sĩ hiện có của Ấn Độ lại đang tập trung ở những vùng thành thị nơi chỉ tập trung khoảng 20% dân số", Dan Warren - Giám đốc công nghệ của Hiệp hội GSM thế giới phát biểu.
Trong khi đó, cả thế giới đang háo hức bước vào kỷ nguyên 3G và khả năng kết nối của công nghệ này là lớn hơn trước rất nhiều, vậy thì tại sao các hãng công nghệ di động và các nhà cung cấp dịch vụ lại không đầu tư một khoản nhỏ vào đây và mang lại một lợi ích vô cùng to lớn cho những người dân nghèo? "Cả thế giới hiện giờ đã có khoảng 4 tỷ chiếc điện thoại di động trong đó có gần 2,5 tỷ chiếc đang hoạt động tại các quốc gia đang phát triển. Trong khi đó, chỉ có khoảng 305 triệu chiếc máy tính và 11 triệu giường bệnh tại các bệnh viện. Những con số này chứng minh một điều, khi sức mạnh của sự kết nối di động được khai thác, mỗi năm sẽ có hàng triệu người dân tại các quốc gia đang phát triển được cứu sống", bà Claire Thwaites - Giám đốc Quỹ hợp tác Liên Hợp Quốc / Vodafone phát biểu.
Và những thành công đầu tiên
Kể từ năm 2007, Hiệp hội GSM thế giới đã đứng ra tài trợ cho hãng Ericsson thực hiện dự án Gramjyoti cung cấp dịch vụ chăm sóc y tế cho những ngôi làng hẻo lánh ở bang Tamil Nadu - phía Nam ấn Độ. Họ đã cử đi nhiều nhóm bác sĩ, y tá trên những chiếc xe được trang bị khả năng kết nối băng rộng di động, khám chữa bệnh cho những người dân tại các vùng này thông qua sự phối hợp với các bác sĩ giỏi đang sống ở các thành phố lớn. Mô hình này đã giúp cho hàng triệu người dân nghèo lần đầu tiên biết đến khái niệm "khám bệnh với bác sĩ".
ở Nam Phi, dự án SIMpill (gắn thêm một bộ cảm biến vào thẻ SIM điện thoại) đã giúp cho những bác sĩ hay nhân viên y tế biết được những bệnh nhân lao của họ ngày hôm đó đã uống thuốc hay chưa. Với căn bệnh này, chỉ cần bệnh nhân không tuân thủ phác đồ điều trị và uống thuốc đều đặn, mọi nỗ lực sẽ trở nên vô nghĩa. Kể từ khi chương trình SIMpill ra đời, tỷ lệ bệnh nhân uống thuốc đều đặn đã tăng vọt từ chỗ chỉ có 22% lên tới 90%.
Với những bệnh nhân nhiễm HIV /ADIS ở châu Phi, chương trình Masiluleke SMS đã trở thành "người bạn tri kỷ" của họ. Khi cần tư vấn về tình hình bệnh tật, cách hạn chế sự phát triển của bệnh, cách giao tiếp với người khác… bệnh nhân chỉ cần soạn một tin nhắn miễn phí gửi đến trung tâm và sau đó là hàng loạt những bài học giáo dục về căn bệnh thế kỷ này sẽ được chuyển đến điện thoại của họ. Phương pháp này được mọi người tin tưởng và phát huy hiệu quả một cách không ngờ bởi lẽ những người nhiễm HIV có cảm giác được giữ bí mật và an toàn hơn. ở Uganda, chương trình "Text to Change" (nhắn tin để thay đổi cuộc sống) đã khiến số lượng các cuộc gọi xin tư vấn về đường dây nóng của các trung tâm phòng chống HIV tăng lên 33% chỉ sau 1 tháng.