Các nhà khoa học thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc (CAS) đã phát triển Xiaohong, chip điện toán lượng tử lớn nhất do quốc gia này chế tạo đến này với 504 qubit, dự kiến cho phép các nhà nghiên cứu trên khắp thế giới truy cập.
Xiaohong được thiết kế để nâng cấp những hệ thống quản lý sự tương tác và hoạt động của các bit lượng tử (qubit) trong máy tính lượng tử.
Các nhà khoa học hy vọng con chip này sẽ giúp cải tiến máy tính lượng tử để chúng có thể xử lý những tác vụ phức tạp hơn.
Chip Xiaohong 504 qubit sẽ được giao cho công ty điện toán lượng tử Trung Quốc QuantumCTek đầu tiên. Sau đó, công ty này sẽ hợp tác với Tập đoàn Lượng tử Viễn thông Trung Quốc để tích hợp con chip vào một máy tính lượng tử mới.
Hệ thống này sẽ cho phép các nhà nghiên cứu ở nhiều lĩnh vực trên toàn thế giới truy cập thông qua một nền tảng đám mây điện toán lượng tử của Tập đoàn Lượng tử Viễn thông Trung Quốc để nghiên cứu về những vấn đề và thuật toán có giá trị thực tiễn một cách hiệu quả, đồng thời đẩy nhanh việc ứng dụng điện toán lượng tử vào tình huống thực tế.
Tương tự như loại do IBM hoặc AWS sản xuất, Xiaohong cũng được thiết kế để đáp ứng tiêu chuẩn hiệu suất của những nền tảng điện toán lượng tử dựa trên đám mây. Nhưng chip lượng tử của Trung Quốc không hướng đến trở thành đối thủ công nghệ với chip tiên tiến của Mỹ mà các nhà khoa học hy vọng việc truy cập Xiaohong thông qua đám mây sẽ thúc đẩy các hệ thống điều khiển và đo lường điện toán lượng tử quy mô lớn (QCMCS) phát triển.
QCMCS là cầu nối liên kết máy tính truyền thống với máy tính lượng tử, cho phép máy tính lượng tử diễn giải các lệnh nhận được từ môi trường điện toán cổ điển và quản lý trạng thái qubit dựa theo đó.
Máy tính lượng tử hoạt động khác với máy tính cổ điển các bit chỉ có thể biểu thị dưới dạng 0 hoặc 1, còn qubit có thể tồn tại ở nhiều trạng thái cùng lúc để có thể thực hiện song song các phép tính với tốc độ khó tin nếu các qubit được ghép lại với nhau thông qua sự vướng víu lượng tử.