Khi mà đại dịch COVID-19 hoành hành, thu nhập của Eric Yuan không hề bị ảnh hưởng gì mà thậm chí còn không ngừng tăng trưởng. Lý do là vì Yuan là đồng sáng lập kiêm CEO của Zoom, công ty cung cấp ứng dụng họp trực tuyến cùng tên.
Thực tế, trước khi dịch COVID-19 bùng nổ khiến mọi người phải làm việc, học tập và giao lưu chủ yếu qua mạng, cổ phiếu của Zoom đã tăng trưởng theo cấp số nhân. Theo Bloomberg Billionaires Index, chỉ 1 năm sau khi gia nhập câu lạc bộ tỷ phú, tài sản của Yuan đã tăng lên con số 10,5 tỷ USD.
Yuan đã từ chối chia sẻ khi được Bussiness Insider hỏi về tài sản, sự nghiệp cũng như cuộc sống cá nhân. Theo đại diện của Yuan, mỗi ngày ông làm việc tới 18 tiếng tại Zoom nên không có thời gian rảnh để gặp gỡ truyền thông.
Mời các bạn cùng tìm hiểu về Eric Yuan thông qua bài viết dưới đây:
Ở tuổi 49, Eric Yuan là một trong số ít người Mỹ gốc Hoa lãnh đạo một công ty lớn ở Thung lũng Silicon
Yuan sinh ra ở tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc. Cha mẹ ông là những kỹ sư khai thác mỏ. Yuan theo học ngành toán ứng dụng tại Đại học Khoa học và Công nghệ Sơn Đông và sau đó lấy bằng thạc sĩ kỹ thuật tại Đại học Công nghệ và Khai thác mỏ Trung Quốc. Sau khi tốt nghiệp Yuan dành 4 năm làm việc tại Nhật Bản. Sau khi nghe Bill Gates chia sẻ về bong bóng dot.com, Yuan quyết tâm xin visa tới Mỹ và làm việc cho một startup internet.
Phía Mỹ từ chối cấp visa cho Yuan 8 lần trước khi đồng ý cho vị tỷ phú tương lai này tới California vào năm 1997. Năm đó, Yuan mới 27 tuổi. Sau này, Yuan nói rằng ông đã có một số bất đồng với nhân viên xử lý giấy tờ visa của ông.
Khi tới Mỹ, Yuan bắt đầu làm việc trong ngành hội nghị trực tuyến
Lúc mới đặt chân tới đất Mỹ, Yuan chỉ tập trung vào công việc do không thành thạo tiếng Anh cho lắm. "Mấy năm đầu, tôi chỉ viết code và cực kỳ bận", Yuan từng chia sẻ với CNBC. Bóng đá phủi là sở thích duy nhất của Yuan ở thời điểm đó.
Trước khi thành lập Zoom, Yuan từng làm phó chủ tịch tại tập đoàn Cisco Systems. Trước đó nữa, Yuan từng làm việc cho một hãng phát triển công cụ họp trực tuyến khác có tên WebEx. Năm 2007, Cisco đã bỏ tiền mua lại WebEx.
Ý tưởng về Zoom xuất hiện khi Yuan muốn giữ liên lạc với bạn gái
Ngay từ khi còn ở Trung Quốc, Yuan và bạn gái đã phải chịu cảnh yêu xa. Hai người học ở hai trường đại học cách nhau 10 tiếng đi tàu. Cặp đôi này sau đó đã kết hôn và hiện có với nhau 3 người con.
"Mỗi năm tôi được gặp cô ấy có hai lần và mỗi lần phải đi tàu 10 tiếng mới tới được chỗ cô ấy", Yuan chia sẻ với Forbes vào năm 2012. "Lúc ấy mới chỉ 18, 19 tuổi nhưng tôi đã nghĩ rằng sẽ thật tuyệt vời nếu trong tương lai có một thiết bị mà tôi chỉ cần nhấn nút là có thể thấy và nói chuyện với cô ấy".
Mơ ước ấy thúc đẩy Yuan nghĩ về việc tích hợp video vào hệ thống họp từ xa dựa trên điện thoại mà Cisco đang cung cấp. Yuan còn muốn có một hệ thống họp trực tuyến với giao diện dễ dùng, tạo cảm giác thích thú, thoải mái cho người sử dụng. Đó là lý do tại sao Zoom được trang bị tính năng hình nền ảo, cho phép người dùng giả vờ như đang đứng ở bãi biển hoặc phía trước Cầu Cổng Vàng.
Yuan đã từng gặp khó trong việc tìm sự hỗ trợ cho Zoom
Năm 2011, Yuan trình bày kế hoạch phát triển một hệ thống họp trực tuyến tích hợp video trên smartphone với Cisco. Các sếp của Cisco đã không phê duyệt ý tưởng đó nên Yuan xin nghỉ việc và sáng lập startup Zoom.
"Cisco muốn tập trung nhiều vào mạng xã hội và tạo ra một phiên bản Facebook dành cho doanh nghiệp", Yuan chia sẻ với Forbes. "Cisco đã phạm sai lầm lớn. Ba năm sau khi tôi rời đi họ mới nhận ra rằng những gì tôi nói là đúng đắn".
Không chỉ Cisco, Yuan cũng chẳng thể thuyết phục bất cứ nhà đầu tư nào góp vốn cho Zoom. Nhưng ông không bỏ cuộc, vay mượn tiền của bạn bè và gia đình, ông quyết tâm ra mắt Zoom. "Bọn họ ai cũng nghĩ rằng thị trường này quá đông đúc rồi, làm gì còn cơ hội để phát triển nhưng tôi lại nghĩ khác", Yuan chia sẻ.
Theo một nhà đầu tư, sau khi bị từ chối vô số lần, Yuan đã để dòng chữ "It can't be done" (tạm dịch: mọi thứ chưa chấm dứt đâu - PV) làm màn hình chờ trên máy tính và tiếp tục cố gắng. Vợ của Yuan cũng tỏ ra hoài nghi về quyết định nghỉ việc tại Cisco của chồng. "Tôi đã nói với cô ấy rằng: 'Anh biết đó là một hành trình dài và vất vả nhưng nếu anh không thử anh sẽ hối hận suốt đời mất'", Yuan chia sẻ.
Trong những ngày đầu của Zoom, Yuan gần như làm tất cả các mảng, bao gồm cả dịch vụ khách hàng
"Trong những giai đoạn đầu phát triển Zoom, tôi đã tự mình gửi mail tới các khách hàng ngừng sử dụng dịch vụ của chúng tôi", Yuan nói với Thrive Global vào năm 2017. "Có một khách hàng đã buộc tội tôi sử dụng công cụ tạo email và giả vờ làm CEO, anh ấy cho rằng Zoom là một công ty không trung thực. Tôi tiếp tục gửi mail cho anh ấy để khẳng định rằng chính tôi, CEO Zoom, là người viết mail và tôi không tạo ra mail bằng các công cụ marketing. Anh ấy vẫn không tin nên tôi đã gửi mail đề nghị anh ấy thực hiện ngay một cuộc gọi video qua Zoom để chứng minh rằng tôi không nói dối. Cuộc gọi ấy đã không được thực hiện nhưng anh ấy cũng ngừng nói Zoom là công ty không trung thực".
Yuan trở thành tỷ phú sau khi Zoom phát hành cổ phiếu lần đầu (IPO) vào tháng 4/2019
Zoom trở thành một trong những thương vụ IPO thành công nhất năm 2019 với tổng giá trị vượt qua cả Lyft và Pinterest. Chỉ riêng trong ngày giao dịch đầu tiên, giá cổ phiếu của Zoom đã tăng tới 72%.
Hiện tại, giá trị của Zoom là 35 tỷ USD. Zoom có 30.000 khách hàng doanh nghiệp, bao gồm cả các hãng lớn như Samsung, Uber, Walmart và Capital One.
Yuan cực kỳ thân thiện với nhân viên
Theo trang đánh giá công sở Glassdoor, 99% nhân viên Zoom đánh giá Yuan là một CEO tốt. Năm 2018, Yuan được vinh danh là CEO của năm do Glassdoor bình chọn.
Yuan luôn tuân thủ theo phương châm sống: "Làm việc chăm chỉ và luôn khiêm tốn".
Tài sản của Yuan tăng thêm 4 tỷ USD chỉ trong 3 tháng vừa rồi
Kể từ tháng 12 năm ngoái tới nay, số người dùng Zoom tăng trưởng tới 1.900% vì COVID-19 khiến các trường học, trường đại học và công sở phải chuyển sang hoạt động trực tuyến. Giá trị của Zoom đã tăng gần gấp đôi trong 3 tháng vừa rồi. Phần lớn trong tổng số tài sản 10,5 tỷ USD của Yuan tới từ 19% cổ phần Zoom mà ông đang nắm giữ.
Theo số liệu thời gian thực của Bloomberg, Yuan đang xếp thứ 152 trong danh sách 500 tỷ phú giàu nhất thế giới. Trước năm 2020 ông chưa có mặt trong bảng xếp hạng này.
Thành công của Zoom cũng đi kèm với rắc rối
Với việc số người dùng gia tăng đột biến, văn phòng Tổng chưởng lý New York cũng đã có những lo ngại về khả năng bảo mật dữ liệu của Zoom. Tổng chưởng lý Letitia James đã gửi thư hỏi Zoom về việc họ có bổ sung thêm bất cứ giao thức bảo mật nào trong bối cảnh lượng truy cập tăng đột biến vì COVID-19 hay không.
Zoom cũng phải đối mặt với khiếu nại, phàn nàn từ phía người dùng khi cuộc họp video trực tuyến, học trực tuyến thường xuyên bị gián đoạn bởi những kẻ phá bĩnh. Ngay lập tức, Zoom đã phải ra mắt một tính năng cho phép người quản lý cuộc họp sàng lọc người dùng trước khi cho phép họ được quyền tham gia vào cuộc họp để tránh làm gián đoạn.
"Zoom rất coi trọng quyền riêng tư, bảo mật và lòng tin của người dùng", Zoom tuyên bố. "Trong đại dịch COVID-19, chúng tôi đã làm việc cả ngày lẫn đêm để đảm bảo các bệnh viện, trường đại học, các trường trung học và doanh nghiệp khác trên thế giới giữ được kết nối và đảm bảo hoạt động. Chúng tôi đánh giá cao sự quan tâm của bà Tổng chưởng lý và sẵn sàng cung cấp cho bà mọi thông tin bà yêu cầu".
Zoom cũng bị phàn nàn rằng không tiến hành mã hóa đầu cuối cho các cuộc họp/học trực tuyến qua video
Đích thân Yuan đã xin lỗi về những vấn đề này. "Khi thiết kế sản phẩm, chúng tôi chưa tính tới việc trong vài tuần mọi người trên thế giới đồng loạt phải làm việc, học tập tại nhà, qua các nền tảng trực tuyến như Zoom", Yuan viết. "Chúng tôi nhận ra rằng mình đã không đáp ứng được sự kỳ vọng của cộng đồng - và của chính chúng tôi - về sự riêng tư và bảo mật. Vì vậy, tôi vô cùng xin lỗi và sẽ chia sẻ những nỗ lực mà chúng tôi đang làm để tăng cường bảo mật cho người dùng".
Yuan ngay lập tức đã công bố một loạt biện pháp giúp Zoom trở nên an toàn hơn. Ông mở rộng chương trình săn lỗi nhận thưởng để khuyến khích chuyên gia bên ngoài tìm lỗ hổng bảo mật của Zoom. Yuan cũng tổ chức họp hàng tuần để cập nhật cho mọi người tiến trình cải thiện Zoom.
Bất chấp lịch trình làm việc bận rộn, không thể đoán trước, Yuan vẫn là một ông bố tận tâm
Theo huấn luyện viên bóng rổ của con trai lớn nhà Yuan, CEO Zoom là một ông bố rất quan tâm tới con. "Trong số 15 đứa trẻ, Yuan là vị phụ huynh sát sao nhất tới con mình từ những ngày đầu tiên", vị huấn luyện viên chia sẻ. "Rất nhiều nhà sáng lập và CEO hầu như không có thời gian đi chơi với con cái của mình. Yuan thì khác hẳn, anh ấy không chỉ tới xem mà còn tập luyện cùng con trai mình".
Yuan thỉnh thoảng dùng Zoom để họp với nhân viên ngay trong khi xem con trai chơi bóng rổ. "Có lần tôi cài hình nền là bãi biển Santa Barbara, mọi người đều nghĩ rằng tôi đang ở đó", Yuan kể. "Sau khi họp xong tôi vuốt màn hình và để lộ ra mình đang ở khu nhà thể chất của trường trung học với những anh chàng thanh niên đẫm mồ hôi phía sau và mọi người đều thốt lên: "Gì đây trời"".
Yuan sống ở một khu dân cư giàu có vùng ngoại ô Thung lũng Silicon cùng vợ và ba con
Theo Bloomberg, vợ chồng Yuan có 2 con trai và 1 con gái.
Gia đình ông sống ở Saratoga, California. Đây là một trong những khu dân cư giàu có nhất ở Thung lũng Silicon.
Vị CEO ghét di chuyển
Hiện tại, Yuan sử dụng Zoom cho hầu hết các cuộc họp của mình. Ông cố gắng giới hạn để chỉ phải đi công tác khoảng 2 lần mỗi năm nhằm dành nhiều thời gian nhất cho gia đình. Ông cũng cho rằng các chuyến bay gây ảnh hưởng xấu tới khí hậu toàn cầu nên càng ít sử dụng máy bay càng tốt.
Trước khi Zoom IPO thành công vang dội vào năm 2019, Yuan chỉ thực hiện 8 chuyến công tác.
"Các khách hàng luôn nói: 'Eric à, chúng tôi sẽ trở thành khách hàng rất quan trọng với anh, anh nên tới đây gặp chúng tôi đi chứ'", Yuan chia sẻ. "Còn tôi thì trả lời rằng: 'Đồng ý. Tôi sẽ ghé thăm các anh nhưng trước tiên chúng ta hãy bàn công chuyện qua Zoom cái đã'". Và sau đó thì Yuan quên luôn, không tới thăm các đối tác.
Không giống những tỷ phú khác, Yuan sống rất giản dị
Ở trụ sở của Zoom, Yuan dùng chung phòng với giám đốc sản phẩm Oded Gal. Yuan lái một chiếc xe Tesla chứ không sở hữu siêu xe hay xế hộp đắt tiền. Tesla cũng là một trong những khách hàng của Zoom.
Yuan không cảm thấy phấn khích với số tài sản khổng lồ mà ông kiếm được trong thời gian ngắn
"Nếu mới 25 tuổi tôi sẽ rất phấn khích", Yuan chia sẻ. "Nhưng nay những điều này không có bất cứ tác động gì tới tôi. Ở tuổi này, tiền không mang lại cho tôi hạnh phúc nữa rồi".
Thay vào đó, Yuan chia sẻ rằng anh rất phấn khích khi thuyết phục được nhiều người dùng Zoom để làm việc, học tập tại nhà. "Thế hệ trẻ sẽ nhận ra rằng họ có thể hoàn thành công việc mà không cần tới văn phòng", Yuan nói. "Trong 10 năm nữa, rất nhiều trong số những người trẻ này sẽ trở thành lãnh đạo và lúc ấy khái niệm làm việc tại nhà sẽ còn phổ biến hơn nữa. COVID-19 chỉ là một chất xúc tác. Làm việc tại nhà sẽ sớm trở thành một điều bình thường vì thế giới không còn thuộc về chúng ta nữa, nó thuộc về những thế hệ tương lai".