Cơ quan chức năng vừa phát hiện ra một hành vi lừa đảo khá tinh vi có liên quan tới ứng dụng giả mạo Bộ Công An. Đây là một ứng dụng gián điệp được thiết kế để lừa đảo, trộm cắp, chiếm đoạt tài sản núp bóng ứng dụng của Bộ Công An.
Thủ đoạn của các đối tượng là dùng công nghệ VOIP tạo ra các số điện thoại giả mạo của cơ quan thực thi pháp luật (+0096, +884). Sau đó chúng gọi cho nạn nhân thông báo rằng có liên quan tới một vụ án hoặc chuyên án nghiêm trọng, nếu không hợp tác sẽ bị bắt giữ, khởi tố.
Chúng còn làm giả các giấy tờ như lệnh bắt giữ, giấy triệu tập, khởi tố đồng thời yêu cầu nạn nhân kê khai tài sản hiện có bao gồm tiền mặt và tiền gửi ngân hàng. Tiếp theo, chúng yêu cầu nạn nhân sử dụng điện thoại Android để cài đặt ứng dụng Bộ Công An giả mạo với mục đích kê khai thông tin cho an toàn.
Sau khi cài xong, nạn nhân được yêu cầu cung cấp tất cả các thông tin về tên đăng nhập, tài khoản ngân hàng, số chứng minh thư nhân dân (thẻ căn cước), họ tên.. Ngoài ra, các cuộc gọi và tin nhắn trên máy của nạn nhân cũng bị ứng dụng giả mạo này nghe lén.
Hiện tại, theo chia sẻ của lực lượng Công An, đã có hàng chục người tại các tỉnh thành như Đà Nẵng, Huế, Tuyên Quang, Nghệ An, An Giang và Đắk Lắk bị các đối tượng lừa đảo theo hình thức này. Hàng trăm tỷ đồng trong các tài khoản của nạn nhân đã bị đánh cắp.
Bộ Công An cảnh báo người dân nên cẩn thận với hành vi lừa đảo tinh vi này. Bộ cũng cho biết hiện tại Bộ chưa có ứng dụng riêng. Mọi thông tin liên quan hiện đang được chia sẻ trên hai trang web chính thức với tên miền là mps.gov.vn và bocongan.gov.vn.
Bộ Công An đề nghị người dân nâng cao cảnh giác với tội phạm mạng, tuyệt đối không truy cập các trang tin không chính thống, không cài đặt các phần mềm, ứng dụng từ các nguồn không chính thống. Không cung cấp thông tin nhân thân, tài khoản ngân hàng, tài khoản thư điện tử, mạng xã hội của mình cho bất kỳ ai qua điện thoại, mạng xã hội và các kênh trực tuyến khác nếu chưa xác minh chính xác thông tin người nhận.
Ngoài ra, nếu đã cài đặt ứng dụng Bộ Công An giả mạo nêu trên, người dân cần mau chóng kiểm tra, thông báo ngay cho tổng đài hỗ trợ 24/7 của ngân hàng mà mình đăng ký. Người dân cũng cần thông báo cho cơ quan công an nơi gần nhất để được hỗ trợ, xử lý.
Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm công nghệ cao đang phối hợp cùng với các đơn vị và các địa phương để mở rộng điều tra hành vi giả mạo hệ thống thông tin của các cơ quan, tổ chức để phát tán mã độc, lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Nếu bị bắt, các đối tượng đứng đằng sau đường dây này chắc chắn sẽ chịu sự trừng phạt nghiêm minh của pháp luật.