Không chỉ gọn nhẹ, các máy thay ống kính không gương lật còn được trang bị cảm biến khủng APS-C hứa hẹn chất lượng ảnh xuất sắc.
Sau trào lưu gọn nhẹ hóa các dòng thay ống kính không gương lật (ILC), các nhà sản xuất tiếp tục đưa ra thêm những công nghệ nhằm thu hút hơn nữa sự chú ý của giới nhiếp ảnh chuyên nghiệp. Một trong những chính sách này là trang bị cho các máy ILC cảm biến cỡ lớn APS-C, tương đương như kích cỡ cảm biến trên các DSLR hiện tại.
So với kích cỡ của những nhà tiên phong với định dạng Micro Four Thirds (17,3 x 13 mm), cảm biến cỡ APS-C (22 x 15mm) có bề mặt rộng hơn, cho phép thu được nhiều ánh sáng hơn và về lý thuyết sẽ cho chất lượng ảnh tốt hơn, đồng thời giảm hiện tượng nhiễu hạt trong các điều kiện chụp thiếu sáng.
Trang công nghệ Cnet đã tổng hợp dưới đây những mẫu ILC có cảm biến lớn có thể cạnh tranh trực tiếp với các DSLR tầm sơ và trung cấp hiện tại.
Sony Alpha NEX-C3
NEX-C3 chất lượng ảnh xuất sắc. (Ảnh: Blogspot).
Ưu: Chất lượng ảnh xuất sắc, cơ chế giảm nhiễu hiệu quả, màn hình lật linh động.
Nhược: Giao diện menu không dễ dùng, hình dáng khá cồng kềnh nếu lắp thêm ống kit 18-55mm.
Đánh giá: NEX-C3 cho chất lượng ảnh rất xuất sắc, nhất là trong điều kiện thiếu sáng, rất hữu dụng cho những người tìm máy thay thế cho DSLR.
Sony Alpha NEX-5N
NEX-5N cơ chế giảm nhiễu tốt. (Ảnh: Fuzzcraft).
Ưu: Chất lượng ảnh xuất sắc, cơ chế giảm nhiễu tốt, màn hình lật tiện dụng, giao diện cảm ứng và các nút dễ dùng.
Nhược: Giao diện phần mềm vẫn cần phải cải tiến, thân máy cồng kềnh hơn khi lắp thêm ống kit 18-55mm.
Đánh giá: NEX-5N có thêm nhiều tính năng tiên tiến mới so với các phiên bản trước, đặc biệt vẫn duy trì được chất lượng hình ảnh và khả năng chụp thiếu sáng xuất sắc.
Sony Alpha NEX-7
NEX-7 hướng tới thị trường chuyên nghiệp. (Ảnh: Imaging-resource).
Sony Alpha NEX-7 là phiên bản ILC hướng tới thị trường chuyên nghiệp đầu tiên với những thông số cấu hình hết sức ấn tượng. Nhắm tới những tay máy chuyên nghiệp, NEX-7 được trang bị cảm biến Exmor CMOS 24,3 triệu điểm ảnh, chụp liên tiếp đạt 10 khung hình/giây và quay video full-HD tốc độ 50 khung hình/giây.
Samsung NX11
Samsung NX11 có thời lượng pin tốt. (Ảnh: PMA-show).
Ưu: Tay cầm tiện dụng, màn hình sáng đẹp, thời lượng pin tốt.
Nhược: Các phím bố trí không tiện dụng, không có nút quay video riêng.
Nhận xét: Samsung NX11 là bản nâng cấp hợp lý từ NX10 với tay cầm và một số chế độ được cải tiến dù các cải tiến này chưa thực sự xuất sắc.
Samsung NX200
Samsung NX200 cảm biến thế hệ mới. (Ảnh: Letsgodigital).
Ưu: Cảm biến thế hệ mới hỗ trợ chụp ISO cao tốt hơn người tiền nhiệm NX100, tích hợp một số bộ lọc thú vị, hiển thị màu sắc tốt trong cả ảnh lẫn video.
Nhược: Thân máy với tay cầm không tiện dụng, chức năng i-Function khó dùng do không có khung ngắm tích hợp.
Nhận xét: Samsung NX200 nhắm tới những người mới làm quen với các thế hệ máy thay ống kính với những tính năng hữu ích, cảm biến lớn và có nhiều ống kính tương thích.