Danh sách 500 siêu máy tính mạnh nhất thế giới vừa được công bố hôm 14/11 và Cray XT5 chính thức bị hạ xuống hàng thứ hai, nhường "ngai vàng" cho cỗ máy đang được đặt tại Trung Quốc.
Tianhe-1a đạt tốc độ 2,67 petaflop (2,67 triệu tỷ phép tính mỗi giây) trong khi Jaguar Cray XT5, đặt tại Trung tâm điện toán Oak Ridge thuộc Bộ Năng lượng (Mỹ) và từng đứng đầu thế giới suốt một năm qua, có thể xử lý 1,75 triệu tỷ phép tính. Siêu máy tính ở vị trí thứ ba mang tên Nebulae với 1,27 petaflop cũng thuộc về Trung Quốc.
Tianhe-1a chính thức được công nhận là máy tính mạnh nhất thế giới.
(Ảnh: Profilefacts).
"Điều này đã được đoán trước. Những gì Trung Quốc làm là khai thác sức mạnh của các bộ vi xử lý đồ họa (GPU) nhằm tăng tốc cho hệ thống Tianhe-1a", Bill Gropp, Giáo sư khoa học máy tính tại Đại học Illinois Urbana-Champagne, nhận xét.
Nhưng Charlie Zender, Giáo sư tại Đại học California (Mỹ), lại cho rằng Tianhe-1a không phải là lời cảnh tỉnh mà chỉ là một hệ thống Linux được xây dựng từ các sản phẩm của Mỹ, cụ thể là Intel và Nvidia. "Vì thế, chúng ta cũng nên thấy tự hào với thành tựu này. Cỗ máy đó còn sử dụng hệ điều hành được thiết kế hầu hết bởi người Mỹ và châu Âu", Zender khẳng định trên CNet.
Sự phát triển của siêu máy tính qua các năm. (Ảnh: AMD).
Tốc độ của các siêu máy tính liên tục thay đổi và những hệ thống mà con người ngưỡng mộ hiện nay như Jaguar, Tianhe... có thể sẽ xuất hiện trong mọi trường học hoặc công ty 10 năm tới. "Tôi không muốn hạ thấp những gì Trung Quốc đã làm. Giống như với Toyota vậy. Những chiếc xe đầu tiên của họ chỉ như đống sắt vụn. Nhưng vài năm sau, họ đã kiếm cơm từ chúng ta (từ các công ty của Mỹ)", Zender nói.