Không chỉ ở các nước đang phát triển mà cả các nước phát triển, tình trạng vi phạm bản quyền phần mềm máy tính đều rất phổ biến. Hiện tại, đây đang là thực tế nhức nhối ở Việt Nam, trong khi hành lang pháp lý cho vấn đề này mới chỉ ở mức cơ bản, giai đoạn đầu.
VietNamNet xin giới thiệu một vài phân tích về vấn đề này của hai chuyên gia hiện đang làm việc trong lĩnh vực tư vấn pháp luật. Khi nghe thông tin tỷ lệ vi phạm bản quyền PM của Việt nam năm 2004 là 92% - là một trong những nước có tỷ lệ vi phạm bản quyền phần mềm cao nhất thế giới với giá trị vi phạm 55 triệu USD, nhiều người cho rằng, tỉ lệ này tuy cao, nhưng xét về tổng giá trị thiệt hại thì vẫn là thấp so với các nước. Điều đó đúng, tuy nhiên nếu xét trên khía cạnh là một thị trường IT đang trên đà phát triển, Việt Nam sẽ gặp những khó khăn rất lớn khi thu hút đầu tư và vấp phải sự quan ngại của các nước khác trong khu vực, trên thế giới. Thứ trưởng Bộ KHCN Bùi Mạnh Hải (trái) và Phó Chủ tịch BSA từng chủ trì một cuộc hội thảo quan trọng về việc đẩy mạnh bảo vệ bản quyền phần mềm ở VN. (Ảnh: HS)
Ngoài vấn đề bản quyền PM máy tính, một số loại hình mới như dịch vụ nội dung trên điện thoại di động, nội dung trực tuyến (game online, music online, video online...) cũng là những hình thức rất nhạy cảm với vấn đề bản quyền, nhưng chưa được luật cập nhật.
Thực tiễn pháp lý ở Việt Nam cho thấy chưa có vụ xử lý nào liên quan đến vi phạm bản quyền trong lĩnh vực này. Tuy nhiên đây là vấn đề đã xuất hiện trên thực tế và sẽ còn gặp nhiều trong một thị trường ICT đang phát triển như Việt Nam. Vụ tranh chấp về việc sử dụng hình ảnh trong GameOnline mới đây giữa VinaGame và FPT là một ví dụ điển hình.
PM ra đời và để bảo hộ các quyền của tác giả, chủ sở hữu của nó, pháp luật đặt ra quy định về bản quyền phần mềm. Với mục đích đó và nhằm khuyến khích việc phát triển phần mềm, tạo sự lưu thông pháp lý cho hoạt động kinh doanh, sử dụng phần mềm hợp pháp, bản quyền phần mềm phải được tôn trọng và thực thi để thúc đẩy sự phát triển xã hội và công nghệ.
Khi CNTT và ứng dụng CNTT trong doanh nghiệp ngày càng phát triển, việc phổ dụng trái phép các phần mềm máy tính không chỉ tạo ra sự thất thiệt cho các doanh nghiệp phần mềm, mà còn tạo ra sự cạnh tranh không bình đẳng giữa các doanh nghiệp. Câu chuyện về bản quyền PM trở nên quan trọng hơn bao giờ hết, khi cơ chế pháp lý để phát triển và bảo hộ quyền tác giả có tác động đến cả cộng đồng doanh nghiệp và sự tăng trưởng của nền kinh tế.
Chờ một hành lang pháp lý có hiệu lực
Thực trạng vi phạm bản quyền ở nước ta hiện nay đang đặt ra vấn đề bức xúc là cần phải có cơ chế khắc phục và giải quyết các vướng mắc còn tồn đọng.
Một trong những động thái trước tiên có thể kể đến là sự ra đời của Luật SHTT 2005 (được Quốc hội thông qua ngày 29/11/2005 và có hiệu lực bắt đầu từ ngày 1/7/2006). Luật SHTT ra đời sẽ tạo ra một hành lang pháp lý hoàn chỉnh và là cơ sở để thực hiện tốt việc bảo vệ quyền tác giả.
Luật sở hữu trí tuệ cũng dành hẳn một phần (Phần thứ năm) quy định về Bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) trong đó quy định cụ thể về các biện pháp bảo vệ quyền SHTT: cơ chế tự bảo vệ, xử lý xâm phạm quyền SHTT bằng nhiều biện pháp khác nhau.
Đặc biệt, Luật SHTT có quy định về bảo vệ quyền SHTT bằng các biện pháp hành chính, dân sự và hình sự, trong đó có đưa ra các mức bồi thường thiệt hại cụ thể khác nhau liên quan đến vi phạm quyền SHTT.
Cụ thể, căn cứ vào các mức độ vi phạm quyền SHTT, cơ quan có thẩm quyền xét xử có thể áp dụng mức bồi thường thiệt hại lên đến 500 triệu đồng (đối với các thiệt hại về vật chất) và từ 5 đến 200 triệu đồng (đối với các thiệt hại về tinh thần). Ngoài ra, với việc quy định kiểm soát hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu liên quan đến SHTT, Luật SHTT 2005 hứa hẹn sẽ hạn chế được các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến quyền SHTT.
Điều 198 Luật SHTT 2005 |
1. Chủ thể quyền sở hữu trí tuệ có quyền áp dụng các biện pháp sau đây để bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của mình: a) áp dụng biện pháp công nghệ nhằm ngăn ngừa hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; b) Yêu cầu tổ chức, cá nhân có hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ phải chấm dứt hành vi xâm phạm, xin lỗi, cải chính công khai, bồi thường thiệt hại; c) Yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan; d) Khởi kiện ra tòa án hoặc trọng tài để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình. |
Cùng với các quy định về quyền tác giả và quyền liên quan trong Bộ luật dân sự 2005 (có hiệu lực từ ngày 1/1/2006), Luật Sở hữu trí tuệ 2005 tạo ra cơ chế pháp lý khá rõ ràng và hiệu năng với các quy định về bảo vệ và thực thi quyền tác giả và các quyền liên quan với các cơ chế xử lý vi phạm.
Với sự ra đời của các văn bản pháp luật trên, Việt Nam đã có bước tiến lớn trong việc thể chế hóa các cam kết quốc tế về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ nói chung, quyền tác giả nói riêng (Việt Nam đã là thành viên của Công ước Bern về bảo hộ các tác phẩm văn học và nghệ thuật. Hiệp định thương mại Việt Nam – Hoa Kỳ năm 2000 cũng như hệ thống các quy định của Tổ chức thương mại Thế giới WTO mà Việt Nam đang trong tiến trình xin gia nhập đều có các quy định rất cụ thể về bảo hộ quyền SHTT). Chính sách phát triển công nghệ phần mềm của Nhà nước cần được cụ thể hóa bằng sự ban hành và thực thi hiệu quả các quy định pháp luật liên quan.
Vẫn là vấn đề ý thức...
Bên cạnh đó, việc ngăn chặn các hành vi vi phạm quyền SHTT, đặc biệt là việc vi phạm bản quyền đối với phần mềm máy tính, các trò chơi online…ngoài việc tạo dựng một hành lang pháp lý cần thiết để điều chỉnh hoạt động này, cần phải có ý thức tự giác chấp hành pháp luật của tất cả tầng lớp nhân dân, những người trực tiếp hay gián tiếp sử dụng các sản phẩm trí tuệ của nhân loại. Các doanh nghiệp hay tổ chức kinh tế bị vi phạm bản quyền cần có ý kiến yêu cầu chấm dứt hành vi vi phạm pháp luật, hoặc yêu cầu cơ quan có thẩm quyền giải quyết các khiếu kiện liên quan đến việc vi phạm bản quyền tác giả.
Hơn thế nữa, chính bản thân tác giả, những người tạo ra tác phẩm, phải lên tiếng bảo vệ quyền lợi của chính mình, nhằm ngăn chặn và hạn chế các hành vi vi phạm bản quyền có thể xảy ra một cách có hệ thống và bất chấp pháp luật.
Tuy nhiên, trong điều kiện nước ta hiện nay, do đời sống của nhân dân còn chưa cao, ý thức và hiểu biết pháp luật còn có nhiều hạn chế, việc tố cáo và ngăn chặn các hành vi vi phạm bản quyền có chăng còn rất hãn hữu. Mặt khác, tâm lý ngại tiếp xúc với các cơ quan có thẩm quyền và các thủ tục tố tụng liên quan đến giải quyết vi phạm bản quyền tác giả cũng là nguyên nhân dẫn đến việc tác giả hay chủ sở hữu tác phẩm không tiến hành khởi kiện nếu thiệt hại về vật chất là không đáng kể. Phó Chủ tịch BSA Jeff Hardee: "Tỷ lệ vi phạm bản quyền PM 92% của VN, cùng với Trung Quốc là mức cao nhất thế giới. ". (Ảnh: HS)
Tuy vậy, cần nhớ rằng, trước đây chúng ta đã xử lý một số sự việc liên quan đến vi phạm bản quyền tác giả, tiêu biểu như vụ đạo nhạc bài hát “tình thôi xót xa”, và gần đây là các tác phẩm hội họa “Nụ hôn của gió”, hay “Bình minh trên công trường”…
Đối với các sản phẩm phần mềm máy tính và những loại hình kinh doanh nội dung mới như trên ĐTDĐ, nội dung trực tuyến (game online, music online, video online...) thực tiễn cho thấy chưa có vụ xử lý tranh chấp pháp lý lớn nào liên quan đến vi phạm bản quyền ở Việt Nam. Hiện tại, đây là vấn đề mới nảy sinh trong khi các quy định pháp luật có liên quan chưa dự liệu được hết và chưa điều chỉnh một cách cụ thể. Hy vọng trong tương lai, các văn bản hướng dẫn thi hành của Luật SHTT 2005 ra đời sẽ khắc phục được những thiếu sót này, để hạn chế được phần nào tình hình vi phạm bản quyền tác giả ở nước ta hiện nay.
Việc sao chép và phân phối bất hợp pháp các chương trình phần mềm máy tính là rất phổ biến trên thị trường nước ta. Để hạn chế tình trạng vi phạm bản quyền phần mềm, bên cạnh hệ thống pháp luật đầy đủ, cơ chế thực thi và bảo vệ quyền tác giả hiệu năng, cần phát huy cơ chế tự bảo vệ và ý thức của các chủ thể liên quan trong hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như sử dụng PM.
- Thế Phong (ghi)
Bài viết được tư vấn bởi Trần Sỹ Vỹ (VP Luật Vilaf) và Nguyễn Đặng Minh (VP Luật Leadco)