Bằng sáng chế Apple vừa mới được cấp có thể khiến các công ty khác e ngại khi phát triển thao tác trượt trên các thiết bị di động.
Apple lần đầu tiên nộp bản quyền cho thao tác trượt để mở khóa (slide-to-unlock) vào năm 2010, một năm sau hãng đăng kí thành công thêm một bản quyền như thế nữa. Giờ đây, "phiên bản 3.0" của bằng sáng chế này lại tiếp tục được cấp cho Apple với quy mô thậm chí còn rộng hơn cả hai lần trước.
Mang số hiệu 8,286,103, bản quyền này nói về việc di chuyển liên tục một hình ảnh nào đó (ví dụ như nút mũi tên trên iOS chẳng hạn, Apple gọi là "unlock image") đến một vùng mở khóa trên màn hình là có thể mở khóa thiết bị. Trong khi đó, hai bản quyền trước thì đề cập cụ thể rằng hình ảnh phải được di chuyển theo một quỹ đạo xác định, có nói về vị trí mở đầu và kết thúc cho thao tác trượt.
Cụ thể hơn, để mở khóa, người dùng chỉ cần "di chuyển liên tục unlock image trên một màn hình cảm ứng tùy thuộc vào sự di chuyển của một tiếp điểm (có thể là ngón tay hoặc bút)". Apple còn nói rằng thiết bị sẽ được mở khóa khi "di chuyển unlock image từ vị trí đầu tiên đến một vùng mở khóa (unlock region) trên màn hình" chứ không yêu cầu định nghĩa trước bất kì một điểm xuất phát hay kết thúc nào cả.
Như vậy, các bạn có thể thấy là chúng ta sẽ không cần quan tâm tới việc bắt đầu trượt từ đâu, trượt theo kiểu gì và cũng chẳng cần biết điểm kết thúc ở chỗ nào, chỉ cần trượt "liên tục" một đối tượng trên màn hình đúng vào "vùng mở khóa" là xong. Việc định nghĩa trước quỹ đạo trượt và điểm khởi đầu/kết thúc trong hai bản quyền năm 2010 và 2011 đã mở rộng cửa để các công ty khác (dễ thấy nhất là các nhà sản xuất thiết bị Android) tích hợp tính năng mở khóa lên sản phẩm của mình.
Chúng ta đã thấy Samsung, LG, HTC và ngay cả Google đã dần dần thay đổi phương pháp mở khóa cho các sản phẩm do họ làm ra (LG, Samsung thì có thể chạm bất kì chỗ nào trên lockscreen rồi trượt nhẹ để mở, còn HTC thì chọn cách trượt với vòng tròn từ cạnh dưới máy) để tránh đi theo phương pháp slide-to-unlock của Apple. Có thể trong tương lai, các hãng cạnh tranh sẽ phải tiếp tục tìm một biện pháp khác để mở khóa nhằm tránh việc đụng chạm với bản quyền số '103 này.
Bên cạnh đó, Apple còn nói thêm rằng "trong một số trường hợp, tính năng khóa/mở khóa có thể được áp dụng cho một số ứng dụng cụ thể đang chạy trên máy chứ không chỉ là được áp dụng cho thiết bị mà thôi. Trong một số trường hợp khác, thao tác mở khóa có thể chuyển đổi từ ứng dụng này sang ứng dụng khác, ví dụ, từ ứng dụng gọi điện thoại sang trình chơi nhạc hoặc ngược lại". Hãng cũng có đề cập đến hiệu ứng phóng to, thu nhỏ khi chuyển đổi giữa các app với thời gian 0,2 giây, 1 hoặc 2 giây.