Sau khi ứng dụng bản đồ mới trên iPhone 5 bị giới truyền thông và người dùng chỉ trích dữ dội, giới chuyên gia công nghệ Mỹ đặt câu hỏi phải chăng Apple đang đi sai đường khi không còn Steve Jobs?
Tháp Eiffel dẹp lép trên ứng dụng bản đồ của Apple - Ảnh: CNET
Với hệ điều hành iOS 6, Apple đã thay thế Google Maps bằng một ứng dụng bản đồ riêng. Tuy nhiên sản phẩm này bị giới truyền thông và người sử dụng chỉ trích tơi tả vì thiếu thông tin, mắc hàng loạt sai sót nghiêm trọng, có chất lượng kém xa Google Maps. Nhiều chuyên gia công nghệ nhận định đây là một thất bại trầm trọng của Apple.
Khi không còn Steve
Trên báo New York Times, chuyên gia công nghệ Joe Nocera khẳng định khi còn sống Steve Jobs là người theo chủ nghĩa hoàn hảo và không chấp nhận một sản phẩm xoàng. Lần cuối cùng Apple giới thiệu một sản phẩm kém chất lượng là MobileMe năm 2008. Theo cuốn tiểu sử Steve Jobs do nhà văn Walter Isaacson chấp bút, khi đó người sáng lập Apple đã điều cả đội phát triển MobileMe vào phòng họp, mắng họ không tiếc lời và đuổi cổ trưởng nhóm ngay trước mặt mọi người.
Ba thiết bị iPod, iPhone và iPad không chỉ đưa Apple đến vị trí tập đoàn công nghệ số 1 nước Mỹ, mà còn là những sáng tạo đỉnh cao, mang tính cách mạng, buộc các hãng công nghệ khác phải “xách dép” chạy theo. Tuy nhiên, khi iPhone 5 ra mắt ngày 21-9, nhiều chuyên gia công nghệ nhận định nó không có nhiều cải tiến so với iPhone 4S. Và ứng dụng bản đồ của Apple thật sự là một thảm họa bởi bản đồ là một trong những ứng dụng quan trọng nhất của điện thoại thông minh.
Chuyên gia Nocera dự báo Apple sẽ tiếp tục lãi lớn nhưng khó có thể giới thiệu một sản phẩm nào khác mang tính đột phá như iPhone hay iPad. Bởi Steve Jobs đã ra đi vĩnh viễn. Ban lãnh đạo Apple vẫn đang cố gắng duy trì văn hóa sáng tạo và đòi hỏi cao như xưa. Nhưng mọi thứ không còn như trước bởi nhà lãnh đạo cực kỳ khó tính của Apple đã không còn đó để giám sát công ty.
Hàng loạt chuyên gia công nghệ cũng chỉ trích Apple vì cạnh tranh với Google đã hi sinh lợi ích của người tiêu dùng. Những người hâm mộ Apple bỏ tiền ra mua iPhone hay iPad vì muốn sở hữu sản phẩm có chất lượng tốt nhất với những ứng dụng tốt nhất. Nhưng vì kèn cựa với Google mà Apple dưới thời tổng giám đốc Tim Cook đã buộc người dùng phải chấp nhận một ứng dụng kém chất lượng. Trang Market Watch khẳng định: “Trong cuộc chiến Apple - Google, người tiêu dùng bị thiệt hại”.
Bài học Microsoft
Trên trang Business Insider, nhà phân tích Henry Blodget cảnh báo Apple đang lặp lại sai lầm của Microsoft. Trong quá khứ, người dùng ủng hộ Apple bởi họ không thích thế độc quyền của đế chế Microsoft. Nhưng giờ Apple cũng đã trở thành một đế chế vô cùng hùng mạnh và bắt đầu đi vào con đường của Microsoft: thay vì tiếp tục sáng tạo lại đổ nguồn lực vào việc bảo vệ sản phẩm của mình bằng cách triệt tiêu đối thủ. “Apple đã sử dụng quyền lực to lớn của mình để đặt lợi ích chính mình lên trên lợi ích khách hàng” - Chuyên gia Blodget chỉ trích.
Chuyên gia Nocera cảnh báo nếu Apple tiếp tục chiêu chèn ép đối thủ bất chấp quyền lợi của khách hàng thì sẽ trở nên dễ bị tổn thương trước các đối thủ mới giàu sức sáng tạo hơn. Sự sa sút không phanh của BlackBerry là một bài học lớn. “Nhưng kể cả Steve Jobs còn sống thì cũng khó ngăn chặn Apple sa vào con đường này. Đó là bản chất của chủ nghĩa tư bản: các công ty lớn chuyển sang phòng ngự, các đối thủ nhỏ xuất hiện với những ý tưởng thông minh hơn”.