App Store - Khi Apple nói "Không"

Vụ Google Voice liên tục bị từ chối khỏi App Store dù "chẳng tội lỗi gì" khiến người ta phải đặt câu hỏi phải chăng Apple đang có hành vi "xấu chơi" và cạnh tranh không lành mạnh.

James Montgomerie, nhà phát triển thư viện điện tử Eucalyptus choáng váng khi Apple từ chối ứng dụng sách điện tử dành cho iPhone của anh với lý do nội dung mang tính khiêu dâm không phù hợp. Thậm chí Apple còn tạo bức tường ngăn người sử dụng tiếp cận với ứng dụng này. Eucalyptus như một thư viện điện tử với nhiều cuốn sách được xuất bản từ những năm 1920 hoặc trước đó bởi các tác giả như Charles Dickens hay Jane Austen, trong đó có bản text cuốn sách hướng dẫn tình dục cổ của Ấn Độ-Kamasutra.

Apple cho phép các nhà phát triển độc lập gửi ứng dụng lên kho ứng dụng trực tuyến của iPhone từ tháng 6/2008. Tuy nhiên, trước khi chính thức được đưa vào kinh doanh, các ứng dụng này đều phải trải qua quy trình kiểm tra bị nhiều người cho là không rõ ràng và cồng kềnh. Một số ứng dụng bị chặn lại vì lý do xúc phạm tới người sử dụng như ứng dụng Baby Shaker-để người chơi lắc đứa bé đang khóc ảo cho đến chết hoặc một số ứng dụng mang tính chính trị nhạy cảm như Freedom Time-đếm ngược thời gian cầm quyền của tổng thống Bush cũng bị loại vì xúc phạm nặng nề tới hơn nửa số người sử dụng iPhone-theo Steve Jobs, giám đốc điều hành Apple.

Ảnh: Apple
Một số chương trình bị từ chối vì ứng dụng quá giống hoặc có khả năng cạnh tranh với phần mềm của iPhone hoặc đối tác của họ. Ngày 31/7/2009, Ủy ban Truyền thông liên bang Mỹ (FCC) đã gửi công văn yêu cầu Apple giải thích về việc từ chối ứng dụng Google Voice – cung cấp các cuộc gọi giá rẻ thông qua Google. Nhiều nhà phân tích cho rằng AT&T chính là lý do khiến Apple từ chối Google Voice bởi ứng dụng này rất có thể làm ảnh hưởng tới doanh thu của nhà cung cấp dịch vụ không dây của Apple.

Phía AT&T phát biểu không liên quan đến việc phê chuẩn ứng dụng của Apple. Giữa nhiều thắc mắc chưa được giải đáp hiện lên hai câu hỏi: Lý do Google Voice bị từ chối và tiêu chuẩn đánh giá ứng dụng của Apple là gì?

Kho ứng dụng của Apple quá độc quyền

Apple không phải nhà sản xuất điện thoại thông minh duy nhất có quyền quyết định cái gì có thể và không thể cho vào kho ứng dụng của mình, các nhà sản xuất khác như RIM-Blackberry, Nokia và Palm cũng vậy. Tuy nhiên, Apple khác với các nhà sản xuất trên ở chỗ người sử dụng có thể bỏ qua kho ứng dụng của các nhà sản xuất và tải ứng dụng trực tiếp từ các nhà phát triển, nhưng ứng dụng của iPhone chỉ có thể tải xuống từ kho ứng dụng iTunes App Store.

Montgomerie cho rằng quy trình xét duyệt của Apple quá mập mờ. Ông đã dành cả một năm tâm huyết với thư viện điện tử Eucalyptus và chính vì việc dùng quá nhiều thì giờ cho ứng dụng này khiến Montgomerie chấp nhận yêu cầu của Apple, bỏ bản text Kamasutra khỏi ứng dụng.

Apple không phản ứng trước những bình luận trên, tuy nhiên một số nhà phân tích cho rằng việc Apple “tạo điều kiện” cho hàng chục ứng dụng bị từ chối sửa sai khiến các nhà phát triển không thể bất bình trước Apple.

Michael Gartenberg, phó giám đốc công ty nghiên cứu công nghệ Interpret nhận xét, Apple đã đi tiên phong trong ngành công nghiệp ứng dụng bằng cách tạo ra quy trình kiểm duyệt mập mờ đối với những nhà phát triển thậm chí không quan tâm sản phẩm của mình sẽ được phân phối thế nào. Tuy nhiên, Gartenberg nhận thấy chìa khóa thành công của hệ thống kiểm duyệt chính là khâu kiểm soát chất lượng, chưa có bất cứ một ứng dụng nào của App Store bị kêu ca từ người sử dụng.

Thừa nhận quy trình kiểm định của Apple chưa hoàn hảo và non nớt nhưng Gartenberg cho rằng quy trình này đã có nhiều tiến bộ. Ông cho rằng tiêu chuẩn và quy tắc cho các ứng dụng không có giá trị tại lãnh địa của Apple. Apple chỉ cung cấp bản hướng dẫn giới hạn trong bản hợp đồng 10 trang giấy với các quy định mở rộng như “các ứng dụng không chứa nội dung tục tĩu, khiêu dâm, xúc phạm hay phỉ báng dưới bất kỳ hình thức nào”.

Minh bạch - Sự xa xỉ đối với Apple?

Montgomerie ngỏ ý muốn Apple cung cấp chi tiết các nội dung bị hạn chế, việc này sẽ giúp các nhà phát triển đỡ tốn thời gian hàng tháng trời vào những ý tưởng mà Apple không chấp nhận, thậm chí các nhà phát triển có thể trả một ít lệ phí (cho quy trình xét duyệt). Trong các công văn từ chối cũng nên ghi rõ lý do ứng dụng cần phải sửa chứ không nên chỉ trích dẫn nội quy.

Podcaster - chương trình tải các file kỹ thuật số cũng bị từ chối vì chức năng quá giống với ứng dụng của iTunes. Alex Sokirynsky, nhà phát triển ứng dụng này cũng đồng quan điểm với Montgomerie: “Bạn bỏ hết thì giờ vào việc nghiên cứu ứng dụng và bạn không thể biết ứng dụng của mình sẽ bị đem vào sọt rác cho đến khi Apple thông báo”.

Kể từ khi nhận thấy quy chuẩn của Apple không minh bạch, cả 2 nhà phát triển đều khuyên các nhà phát triển ứng dụng khác nên cân nhắc thật kỹ về triển vọng của ứng dụng cũng như xem xét liệu ứng dụng đó có bị trùng với kho ứng dụng của Apple hay không.

Sau khi bị từ chối vào tháng 5, Montgomerie đã tường thuật lại sự việc Apple phản đối Kama Sutra trên blog, khi sự việc này bị công bố rộng rãi trong dư luận, anh đã nhận được một cuộc gọi từ Apple với thông báo chấp nhận ứng dụng thư viện điện tử của anh mà không cần bỏ nội dung “mang tính tục tĩu không phù hợp”. Ứng dụng của anh được phép kinh doanh trên iTunes đầu tháng 6 nhưng dành cho người trên 17 tuổi vì ứng dụng có nội dung tình dục. Hiện tại ứng dụng của anh đã bán được hàng trăm bản với giá 9,99 USD trong đó phải chia 30% cho Apple. Montgomerie dự định sẽ tiếp tục phát triển thêm ứng dụng cho iPhone.

Thứ Tư, 05/08/2009 08:21
31 👨 372
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Tổng hợp