Google luôn tuyên bố rằng Android là hệ điều hành miễn phí và bất cứ hãng nào cũng có thể tham gia sản xuất smartphone Android. Song một thỏa thuận bí mật mới bị lộ gần đây đã cho thấy điều này không còn là sự thật.
Google luôn tuyên bố rằng bất kì nhà sản xuất nào cũng có thể tham gia sản xuất smartphone Android, song một thỏa thuận bí mật mới bị tiết lộ gần đây cho thấy đây không phải là sự thật.
Hiện tại, Google đang vướng phải một vụ kiện chống độc quyền do 2 công dân Mỹ tiến hành. Theo đó các văn bản thỏa thuận bí mật của Google cùng các đối tác phần cứng sẽ giúp cho gã khồng lồ tìm kiếm khống chế các đối tác này. Cụ thể hơn, các nhà sản xuất thiết bị Android sẽ không được mang các sản phẩm cạnh tranh với Google (đặc biệt là ứng dụng tìm kiếm) lên thiết bị của họ. Nhờ vậy, Google sẽ hoàn toàn độc quyền trên mảng kinh doanh tìm kiếm di động và gián tiếp làm tăng giá thành sản phẩm.
Những văn bản Thỏa thuận Phân phối Ứng dụng Di động (MADA) của Google và các đối tác đã từng xuất hiện tại các vụ kiện của Google với Samsung hay vụ kiện giữa Oracle với Google. Nhiều chi tiết trong các văn bản này cho thấy các nhà sản xuất sẽ phải chấp thuận một số điều khoản bất lợi để được mang ứng dụng Google lên Android.
Re/code vừa qua cũng đã công bố đầy đủ một văn bản MADA giữa Google và Samsung. Văn bản có hiệu lực từ ngày 1/1/2011 cho thấy khi cần sử dụng dù chỉ 1 dịch vụ/ứng dụng từ Google, các nhà sản xuất sẽ buộc phải mang tất cả các ứng dụng Google khác lên smartphone của họ. Ứng dụng Google Search sẽ phải được đặt ở trọng tâm; Google sẽ phải là bộ máy tìm kiếm mặc định trên thiết bị và người dùng cuối phải "dễ dàng tiếp cận" tất cả các ứng dụng Google trên smartphone Android.
Thỏa thuận giữa Google và các nhà sản xuất cũng cho thấy tất cả các thiết bị Android mới buộc phải qua chấp thuận của Google. Google sẽ tiến hành kiểm tra liệu các thiết bị nói trên có tuân theo các văn bản MADA hay không. Và sau khi được gã khổng lồ "bật đèn xanh", các thiết bị này mới được quyền ra mắt trên thị trường.
Ngoài ra, Google cũng sẵn sàng "thưởng" thêm cho các nhà sản xuất nếu họ chấp nhận sử dụng ứng dụng của Google. Hành động vi phạm luật chống độc quyền này cũng từng bị đề cập trong vụ kiện đình đám giữa Apple và Samsung vừa qua.
Cần chỉ ra rằng, Android vẫn là một hệ điều hành mở và miễn phí. Các nhà sản xuất như Amazon, Nokia hay công ty điện thoại Trung Quốc, vốn hoàn toàn không sử dụng tới các ứng dụng dịch vụ của Google, sẽ không chịu bó buộc bởi các văn bản MADA này.
Song, đơn kiện nhắm vào Google cũng đã chỉ rõ: "Android chỉ là các tính năng rất căn bản của smartphone. Linh hồn của hệ điều hành là các ứng dụng". Bởi vậy, "người dùng sẽ mong đợi được dùng các ứng dụng của Google khi mua thiết bị Android", ví dụ như Google Maps hay YouTube. Google đã tận dụng tâm lý này để ép buộc các nhà sản xuất phải sử dụng tất cả các ứng dụng của mình, giảm tính cạnh tranh của thị trường.
Đơn kiện nói trên khẳng định: "Nếu như các nhà sản xuất được quyền lựa chọn bộ máy tìm kiếm mặc định thay cho Google, chất lượng tìm kiếm Internet nói chung sẽ được cải thiện vì các bộ máy tìm kiếm sẽ được cải thiện nhờ có nhiều câu lệnh hơn để xử lý…. Sự cạnh tranh này cũng sẽ buộc Google phải tăng cường nâng cấp bộ máy tìm kiếm của mình nhiều hơn nữa". Trong đơn kiện này, nguyên đơn yêu cầu Google phải ngừng chính sách MADA "bất hợp pháp" nói trên.