Hệ điều hành của Google đã trải qua nhiều thế hệ và mỗi phiên bản mới thường được giới thiệu cùng các smartphone hay máy tính bảng đình đám.
T-Mobile G1 / HTC Dream (Android 1.0)
Đây là thiết bị chạy Android đầu tiên được thương mại hóa. Thời điểm ra mắt, 10/2008, hệ điều hành Symbian vẫn thống trị thị trường smartphone, iPhone mới ra thế hệ thứ hai và ít người để ý đến nền tảng non trẻ của Google. HTC Dream được trang bị màn hình cảm ứng 3,2 inch kết hợp với bàn phím trượt QWERTY cùng nhiều nút vật lý điều khiển.
HTC Magic / T-Mobile MyTouch 3G (Android 1.5 Cupcake)
Android 1.5 Cupcake được giới thiệu năm 2009 cùng với mẫu smartphone HTC Magic. Thiết bị là smartphone Android đầu tiên không còn bàn phím QWERTY mà chỉ tập trung vào màn hình cảm ứng 3,2 inch, bằng kích thước trên HTC Dream.
Motorola Devour (Android 1.6 Donut)
Android 1.6 Donut là bản cập nhật khá kỳ lạ bởi Google đã phát hành bản nâng cấp mới hơn sau đó chỉ một tháng. Điều này khiến Devour được ít người biết đến dù rằng thiết bị này mở đầu cho thiết kế của nhiều smatphone Motorola về sau.
Motorola Droid / Milestone (Android 2.0 Éclair)
Motorola Droid được giới thiệu 11/2009 cùng hệ điều hành Android 2.0 Éclair. Thiết bị sở hữu màn hình 3,7 inch độ phân giải 480 x 854 pixel kết hợp cùng bàn phím QWERTY trượt. Lúc này Android đã nhìn thẳng vào đối thủ của mình là iPhone và Motorola Droid được phát triển để cạnh tranh với Apple.
Motorola Droid 2 (Android 2.2 Froyo)
Droid 2 là bản nâng cấp cho thế hệ trước và đã gặt hái được nhiều thành công đặc biệt tại thị trường Mỹ. Đây là thiết bị đầu tiên chạy bản Android 2.2 dù rằng lúc máy bán ra chỉ được cài Android 2.1 Éclair.
Google Nexus S (Android 2.3 Gingerbread)
Android 2.3 Gingerbread được giới thiệu lần đầu tiên cùng smartphone Google Nexus S. Thiết bị là sự hợp tác chặt chẽ giữa phần mềm từ Google và Samsung phát triển phần cứng dựa trên model Galaxy S.
Motorola Xoom (Android 3.x Honeycomb)
Nhìn nhận nghiêm túc, Motorola Xoom được coi là một thử nghiệm thất bại của Google trong việc phát triển riêng một bản Android dành cho máy tính bảng. Android 3.x Honeycomb cùng với Motorola Xoom không được người dùng đón nhận tuy nhiên thiết bị đã nhận được bản nâng cấp Ice Cream Sandwich.
Galaxy Nexus (Android 4.0 Ice Cream Sandwich)
Sau thành công với Nexus S, Samsung tiếp tục là đối tác phần cứng của Google khi phát hành Android 4.0. Galaxy Nexus được trang bị cấu hình mạnh mẽ với màn hình Super AMOLED 4,7 inch độ phân giải 720 x 1.280 pixel, bộ xử lý lõi kép, RAM 1 GB.
Google Nexus 7 (Android 4.1 Jelly Bean)
Thất bại với Motorola Xoom, Google vẫn tham vọng theo đuổi phân khúc máy tính bảng bằng việc tung ra model Nexus 7 chạy Android Jelly Bean. Nhờ tối ưu hóa phần mềm và phần cứng mạnh mẽ nhưng mức giá cạnh tranh nên Nexus 7 đã gặt hái được nhiều thành công.
Google Nexus 5 (Android 4.4 KitKat)
Được giới thiệu cuối 10/2013, Nexus 5 là smartphone Nexus thứ 2 được sản xuất bởi LG, sau chiếc Nexus 4. Tương tự các model Nexus ra mắt trước đó, Nexus 5 ghi điểm nhờ phần cứng mạnh mẽ với giá bán phù hợp còn hệ điều hành Android ngày càng hoàn thiện.
Google Nexus 6 và Google Nexus 9 (Android 5.0 Lollipop)
Smartphone Nexus mới nhất được Motorola sản xuất với phần cứng mạnh mẽ và là thiết bị đầu tiên chạy Android 5.0 Lollipop.
Trong khi đó HTC sẽ đảm nhiệm máy tính bảng Nexus 9. Sản phẩm không chỉ đổi mới về nền tảng mà còn dùng màn hình tỉ lệ 4:3 tương tự iPad. Tuy vậy dòng Nexus đã được Google định vị với giá bán cao hơn, Nexus 6 từ 649 USD còn Nexus 9 từ 479 USD.